Trở lại Trà Leng

Từ tháng 8, Quảng Nam bước vào mùa mưa bão với những đợt cảnh báo lũ quét, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa như Trà Leng (huyện Nam Trà My). 3 năm sau thảm họa sạt lở kinh hoàng, cuộc sống nơi đây đã đổi khác. Tuyến đường độc đạo dài hơn 16km nối từ Quốc lội 40B về Trà Leng đã được nâng cấp, xóa đi nỗi lo bị cô lập những khi mưa lũ.

Cùng với đó, khu tái định cư Bằng La được xây dựng ở vùng đất bằng phẳng nên không còn cảnh bà con phải tay bồng tay bế dắt nhau đi tránh lũ, sạt lở núi.

Mảnh đất của sự hồi sinh

Xuất phát từ thành phố Tam Kỳ lúc 5h sáng, chúng tôi phải mất hơn 2 tiếng mới đến trung tâm huyện Nam Trà My, rồi từ đó đi thêm 34km nữa thì tới được Trà Leng. Sau cơn mưa kéo dài từ đêm hôm trước đến sáng, Trà Leng đón chúng tôi với một chiếc áo đầy màu sắc sặc sỡ. Nắng vàng trải dài khắp triền núi cùng với sắc đỏ của mái nhà, sắc xanh của tường… Cả khu dân cư Bằng La hiện lên thật đẹp từ chiếc cổng chào tới những lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trước cửa mỗi căn nhà.

Khu dân cư Bằng La được xây dựng bên dòng sông Leng vào năm 2021 trên khu đất rộng 6ha để bố trí tái định cư cho các hộ gia đình người đồng bào Bhnoong bị sạt lở, cuốn trôi nhà.

Mời chúng tôi vào quán của mình bên tay phải của cổng chào, anh Nguyễn Minh Đức cho hay, gần 3 năm chuyển về đây, cuộc sống gia đình anh đã ổn định, thích nhất là không còn phải lo chạy lũ như mọi khi. Bế đứa con mới hơn 1 tuổi từ trong nhà đi ra chào khách, chị Hồ Thị Nan nhanh nhẩu kể chuyện rằng, sau những mất mát đau thương năm 2021, hai anh chị quyết định về chung sống trên mảnh đất được nhà nước hỗ trợ rộng chừng 200m2. Căn nhà của hai người được xây dựng khoảng 50m2, chia làm hai phần, một phần sử dụng làm nơi ăn chốn nghỉ, phần kia dành để làm quán tạp hóa nhỏ.

“Chúng tôi cứ túc tắc bán hàng mỗi ngày một ít. Quán tạp hóa nhỏ nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Ngoài quán, chúng tôi còn nuôi dê và trồng rẫy”, chị Hồ Thị Nan nói. Cũng theo lời tâm sự của chị, hai vợ chồng vừa được vay vốn 50 triệu từ ngân hàng chính sách huyện để phát triển kinh tế. Điều họ mong nhất lúc này là thời tiết thuận lợi để việc trồng rẫy và buôn bán hanh thông.

Vợ chồng anh Nguyễn Minh Đức và chị Hồ Thị Nan bên ngôi nhà mới ở khu dân cư Bằng La.

Khu dân cư Bằng La được xây dựng bên dòng sông Leng vào năm 2021 trên khu đất rộng 6ha, cách làng cũ chừng 7km để bố trí tái định cư cho các hộ gia đình người đồng bào Bhnoong bị sạt lở, cuốn trôi nhà. Theo tiếng người Bh'noong thì Bằng La có nghĩa là vùng đất bằng phẳng có nhiều cây tre mọc. UBND huyện Nam Trà My và UBND xã Trà Leng đã dồn lực khảo sát, lựa chọn và lấy ý kiến của người dân hai làng về khu dân cư này chỉ sau ít ngày khi trận lũ cùng sạt lở lịch sử năm 2020 đã cuốn phăng và nhấn chìm toàn bộ nhà cửa của 39 hộ dân cả hai làng. Nơi đây, các hạng mục thiết yếu như đường giao thông nội vùng, điện sinh hoạt, công trình nước sạch, nhà sinh hoạt cộng đồng đều được xây dựng hoàn thiện nên bà con rất yên tâm.

Chưa hết, khu dân cư Bằng La còn được ấp ôm bởi những đồi quế xanh mát của người Bh'noong. “Cuộc sống của mọi người đã khấm khá hơn rồi. Được cái, khu ở mới thuận tiện giao thông, đường xá đi lại dễ dàng hơn, trường học thì ngay gần, đồi quế cũng sát đó nên tôi dễ dàng quán xuyến mọi việc trong gia đình và trông nom con cái”, chị Hồ Thị Tâm vừa trò chuyện với chúng tôi, vừa nhanh tay cầm cuốc, xẻng mang ra xe chuẩn bị lên rẫy. Dẻo đồi quế của nhà chị Hồ Thị Tâm ngay sát nhà. Hơn 1.000 gốc quế được hỗ trợ giống của nhà chị đã bám đất và đang lớn từng ngày.

Cả khu dân cư Bằng La hiện lên thật đẹp với những lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trước cửa mỗi căn nhà.

Dẫn chúng tôi tới thăm nhà những người dân trong khu dân cư, ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết, cả xã hiện có 624 hộ dân và 2.890 nhân khẩu. Riêng ở khu dân cư Bằng La, về sinh kế sau khi tái định cư, bà con tiếp tục canh tác tại vùng đất trước đây cách khu tái định cư khoảng 1-3km. Bà con thường hay trồng quế, trồng cau, cây ăn quả... Hiện tại trung bình mỗi hộ có 1-2 lao động, thu nhập mỗi năm khoảng 4 triệu đến 50 triệu đồng.

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh và huyện vẫn tiếp tục hỗ trợ bà con về đào tạo nghề, điều kiện sản xuất, giải quyết việc làm, bố trí đưa con em đi học... Vừa rồi, địa phương có 1 em vừa tốt nghiệp đại học và 5 em đang học đại học. Các hộ đều được hưởng các chính sách an sinh xã hội. Hộ nào đơn thân hoặc có con nhỏ, trẻ mồ côi... đều được xã hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Cuộc sống nơi đây đã thay da đổi thịt. Chính quyền luôn tìm cách để vùng đất này ngày càng phát triển, để người dân không chỉ thoát nghèo, no ấm mà còn có cơ hội vươn lên làm giàu”, ông Phan Quốc Cường nói.

Có Đảng - có niềm tin

Nở một nụ cười hiền đi về phía chúng tôi, ông Hồ Văn Đề - người đàn ông bất hạnh trong thảm họa kinh hoàng 3 năm trước nói: “Tất cả trường, trạm, điện, đài, đường xá… Nhà nước đều quan tâm. Nhà nước còn cấp cả trâu, bò, gà, vịt…, xây dựng cả trang trại để dân có sinh kế. Chỗ ở mới thì tốt hơn trước. Dân vui lắm, phấn khởi lắm. Ơn Đảng, ơn Chính phủ lắm”. Bất giác, ông Hồ Văn Đề trùng xuống, lặng lẳng lau mắt và đi về phía nhà mình. Thượng tá Mai Xuân Sang, Trưởng Công an huyện Nam Trà My kéo chúng tôi sang bên và kể, ông Hồ Văn Đề là người có công lập làng Ông Đề và cũng là người có tới 8 người thân gồm cả con, dâu, rể, cháu chết và mất tích trong vụ sạt lở kinh hoàng năm 2020.

Nụ cười trở lại trên gương mặt ông Hồ Văn Đề - người đàn ông bất hạnh trong thảm họa sạt lở tại Trà Leng năm 2021.

Ban thờ 8 người thân của gia đình ông Hồ Văn Đề hiện được để hai nơi, một ở nhà ông và một ở nhà cháu ngoại cũng trong khu dân cư Bằng La. Nén một tiếng thở dài, mắt vẫn đỏ hoe, thắp nén nhang trên bàn thờ, ông Hồ Văn Đề nhớ lại: "Lúc đó, tôi tưởng mình không thể sống nổi. Nhà cửa mất hết, con cháu cũng ra đi. Bao nhiêu người trong làng cũng chịu cảnh đau thương. Tất cả tan hoang cả. Rồi tôi lại nghĩ, mình từng trải qua bao nhiêu khó khăn như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh mà vẫn còn sống, thì phải tiếp tục sống mạnh mẽ, để làm gương cho bà con. Càng phải gương mẫu hơn khi mình là già làng, là đảng viên, người có uy tín của bản làng".

Vì thế, khi biết được chủ trương của Đảng, Chính phủ và chính quyền các cấp, ông Hồ Văn Đề đã tích cực vận động bà con về nơi ở mới. Ngày 6/2/2021, khi 13 hộ ở làng Ông Đề được nhận nhà mới, ông Hồ Văn Đề đã khóc, vì mừng, vì hạnh phúc. Lần đầu tiên trong đời cầm cuốn sổ đỏ của nhà mình, ai hỏi gì, ông cũng xúc động nói: "Chúng tôi đã mất mát quá lớn, quá sức chịu đựng rồi. Nhưng được sự quan tâm như này, tôi không biết nói gì hơn. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm tới chúng tôi, tới dân làng, đã chăm lo cho đồng bào vùng thiên tai".

Nhà trẻ trong khu dân cư Bằng La.

Nhưng, không phải ai cũng quen ngay được nơi ở mới. Hồi mới lên khu dân cư Bằng La, nhiều người nhớ nhà cũ và cứ khóc khi nhắc đến vụ sạt lở. Có người còn ngày ngày quay lại làng cũ để nhìn đống đổ nát trên nền nhà của mình. “Chúng tôi nhớ chứ, đó là nơi gắn bó bao nhiêu kỷ niệm. Tôi lại là người lập ra cái làng đó, cả đời sống ở đó. Cháu ngoại tôi dù bị ám ảnh cảnh mẹ bị nước lũ cuốn trôi ngay trước mắt mà vẫn tự mình đi bộ mấy cây số để quay lại làng, ngồi thu lu một góc mà khóc. Tôi đau đớn lắm nhưng tự dặn lòng mình, là phải mạnh mẽ để giúp bà con cùng xây dựng cuộc sống mới. Tôi đã phải trò chuyện với bà con, thăm hỏi thường xuyên và cùng với cán bộ xã tìm kế sinh nhai cho bà con. Tôi đã nói với bà con, người sống vẫn phải tiếp tục sống, giờ đã có nhà cửa, chỗ ở mới an toàn rồi thì phải động viên nhau cố gắng làm ăn, xây dựng lại bản làng. Bà con cũng hiểu ra, rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã chăm lo cho cuộc sống của dân trong những lúc thiên tai, hoạn nạn", ông Hồ Văn Đề xúc động nói.

Giờ đây, người đàn ông gần 90 tuổi này vẫn hàng ngày đi từng nhà trong khu dân cư để trò chuyện, thăm hỏi bà con. Tuy tuổi cao nhưng ông vẫn rất say sưa với việc phát triển kinh tế. “Vợ chồng tôi đã lớn tuổi, không thể làm rẫy nên công việc hiện tại là trồng quế. Nhà nước cũng hỗ trợ bò để gia đình tôi chăn nuôi. Tôi vừa làm vừa hướng dẫn bà con. Nhiều người dân trong khu tái định cư còn được Nhà nước, chính quyền xã hỗ trợ các loại giống cây trồng như: mít, ổi, cam, quýt; hỗ trợ trâu, bò để chăn nuôi… Nói chung, cuộc sống đã ổn định hơn, nhà thì kiên cố, con cái được học hành. Ở ngay trong khu dân cư chúng tôi cũng có trường, có nhà văn hóa… Giờ chúng tôi chỉ chăm lo chăn nuôi, trồng trọt chứ không sợ hay lo lắng về cái đói, cái nghèo nữa”, ông Hồ Văn Đề cười nói.

Trời đã về chiều, ánh nắng cuối ngày len xuống con đường nhỏ trong khu dân cư Bằng La. Từng tốp trẻ tan trường về, vừa đi bộ vừa ríu rít chuyện trò. Nhịp sống ở Trà Leng đã, đang hồi sinh mạnh mẽ!

Sông Thương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/tro-lai-tra-leng-i712175/