Trợ giúp pháp lý cho Nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương

Ngày 7-9, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) đã tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Đánh giá nhu cầu và năng lực tư vấn, trợ giúp pháp lý cho 4 nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương: Người lao động di cư, người sống chung với HIV, người khuyết tật, dân tộc ít người”. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội dân sự và đại diện một số nhóm yếu thế.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành, chỉ có 4 nhóm đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý là: Người nghèo; Người có công với cách mạng; Người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; Người dân tộc thiểu số thường trú ở các vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, trong xã hội còn rất nhiều nhóm yếu thế cần tới dịch vụ trợ giúp pháp lý như phụ nữ là: Nạn nhân của bạo lực gia đình; Người lao động di cư trong và ngoài nước; Nạn nhân chiến tranh...Đối với 4 nhóm đối tượng trong phạm vi nghiên cứu, báo cáo chỉ ra rằng, các hoạt động tư vấn và trợ giúp pháp lý hiện nay cho các nhóm này còn rất thiếu và chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

Báo cáo nhấn mạnh, các hoạt động tư vấn và trợ giúp pháp lý cần phải được tiếp cận trên góc độ quyền của người dân được hiểu pháp luật chứ không đơn thuần là biết luật để tuân thủ pháp luật. Trên mục tiêu đó, các đối tượng thụ hưởng cần phải được phân tích để hiểu rõ các nhu cầu cũng như những khả năng, cơ hội và rào cản của họ khi tiếp cận trợ giúp pháp lý, từ đó có những hình thức trợ giúp phù hợp. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng nêu ra một số bất cập trong quy định của hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý như quy trình thủ tục giấy tờ rườm rà; sự chậm trễ trong việc ban hành luật , nghị định...

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và nhất trí cao quan điểm cần nhanh chóng phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý cho các nhóm yếu thế thông qua việc kết nối mạng lưới trợ giúp pháp lý xã hội; xây dựng CLB, nhóm tự lực-pháp lý trong cộng đồng người yếu thế. Về phía các cơ quan và ban ngành chức năng, cụ thể là Bộ Tư pháp cần có những chính sách khuyến khích hoạt động trợ giúp pháp lý xã hội...

Khánh Ngọc

Email Print Góp ý

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/353/353/20896/Tro-giup-phap-ly-cho-Nhom-cong-dong-de-bi-ton-thuong/bbp.aspx