Trợ giúp cho người khuyết tật: Nghề nhân văn còn nhiều trăn trở?

Lẽ ra, nếu chỉ vì mục đích kiếm sống, Bùi Thị Thu Phương (SV ngành công tác xã hội – ĐH Công Đoàn) có thể đi gia sư, làm nhân viên phục vụ các nhà hàng với mức lương cao hơn. Nhưng Phương đã lựa chọn công việc trợ giúp cho người khuyết tật và gắn bó với cái nghề “nặng tâm, nhẹ tiền” khoảng hơn 2 năm nay. Lý do Phương chia sẻ: “Người khuyết tật vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, chúng tôi không muốn họ mất thêm đôi tay, đôi chân một lần nữa nếu thiếu đi những người PA nhiệt tình”.

Đồng cảm với những người kém may mắn

Hẳn mỗi người trong chúng ta đã từng nghe đến cụm từ “nghề hỗ trợ cá nhân” (có tên tiếng Anh là personal assistant, được viết tắt là PA). Cụ thể là hỗ trợ cho người khuyết tật (NKT). Ở đó, họ không chỉ có lòng nhiệt tình mà còn cần sự cảm thông, thấu hiểu. Họ là đôi tay, đôi chân của NKT. Một nghề đem yêu thương đến trái tim.

Để mục sở thị công việc đặc biệt này, tôi đã theo chân Phương đến địa chỉ KĐT Linh Đàm (Hà Nội). Ở đây, công việc chính của Phương là trợ giúp cho chị Hoàng Thị Thi bị chấn thương cột sống, liệt hai chân. Mặc dù nhận công việc trợ giúp cho chị Thi được khoảng hơn 1 tháng nay, song mọi công việc trợ giúp Phương đều làm thành thạo.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Hoàng Thị Thi (GĐ Cty truyền thông T&T) cho biết, chị bị liệt hai chân sau cơn đau lưng đột ngột đôi chân tê cứng, không đi lại được hồi năm 2001. Gia đình đưa chị lên BV thăm khám, bác sĩ chẩn đoán chị mắc bệnh viêm tủy. Bốn tháng điều trị trên BV, với hàng trăm mũi tiêm, hàng tá thuốc, nhưng bệnh chỉ thuyên giảm mà không có cơ may chữa khỏi hoàn toàn. Kể từ đó, mọi sinh hoạt của chị Thi gắn liền với chiếc xe lăn. Suốt ngày chị quẩn quanh trong căn phòng thuê vừa làm trụ sở Cty và nơi ở. Trước đây, ngoài công việc bắt buộc phải đi gặp đối tác, ký kết hợp đồng chị mới ra ngoài và nhờ người thân hỗ trợ. Tuy nhiên, những năm gần đây, công việc bận rộn hơn và để chủ động trong cuộc sống sinh hoạt chị đã nhờ tới sự hỗ trợ của dịch vụ PA từ Trung tâm Sống độc lập. Thế là, ngoài hỗ trợ từ công việc bếp núc, chuyện tắm giặt, từ khi có PA, mỗi tháng chị Thi đi siêu thị mua sắm, thi thoảng còn xuống chợ chọn đồ ăn cho bữa cơm gia đình.

Theo PA Nguyễn Thị Thu Phương (quê Quảng Ninh) thì cơ duyên đưa bạn đến với công việc chính là trong một buổi học ngoại khóa của lớp, Phương được một người từng làm tại Trung tâm Sống độc lập chia sẻ về công việc. Lúc đầu, Phương nghĩ công việc sẽ rất áp lực bởi chăm sóc NKT vận động hẳn sẽ không dễ dàng. Thế nhưng, trái ngược với suy nghĩ ban đầu, khi nhận công việc PA cho một NKT về chân, chị Thi hòa đồng, thân thiện nên Phương cũng khá thoải mái. Với SV học ngành công tác xã hội, công việc này ngoài được thực tế về ngành đang học còn trang bị cho Phương nhiều vốn sống, về kỹ năng sống khi chị Thi là một doanh nhân, nên học hỏi về tác phong làm việc, giao tiếp ứng xử. “Đây là bước đầu thực hành của SV công tác xã hội cá nhân, mình được trải nghiệm hoàn toàn thực tế khác với trang sách mình học hàng ngày. Ngành công tác xã hội cá nhân là một ngành thực hành, tiếp xúc với nghề công tác xã hội thì nghề PA là ưu tiên số một cho những bạn sinh viên muốn gắn bó với nghề, thực hành và làm quen với nghề sau này”, Phương nói.

Trong môi trường xã hội với sự chuyển động, mọi người chưa quen với khái niệm về PA, lúc đầu mới vào làm PA, Phương đã từng nghĩ đến bỏ cuộc. NKT có nhiều dạng khuyết tật, đa số dạng khuyết tật vận động sẽ khó về ăn uống, đi lại nên Phương cũng có chút lo lắng. Rồi dần dần Phương cũng quen dần với nghề của mình. Khởi đầu, những PA được Trung tâm tập huấn cho 2 ngày về kỹ năng giao tiếp, hiểu về tính chất công việc. Trong thời gian làm việc, không tránh khỏi những khó khăn, tình huống phát sinh không thể lường trước.

Chia sẻ kỉ niệm, chị Hoàng Thị Thi kể, hồi tháng 6, chị bị cơn sốt vi-rút. Mặc dù bạn Oanh - PA đã chủ động gọi điện cho xe cứu thương đưa đến BV kịp thời, nhưng không thoát khỏi cảm giác sợ hãi. Gần 1 tháng nằm viện là những ngày Oanh túc trực thay ca chăm sóc chị Thi. Do không sắp xếp được công việc học tập nên Oanh xin nghỉ. Sau đó, chị Thi tiếp tục tìm PA khác và hiện tại là bạn Bùi Thị Thu Phương. Theo thời gian, Phương đăng ký làm từ 8g-12g sáng. Với số tiền được chi trả theo giờ làm việc, trung bình cụ thể mức 14.000 đồng/giờ trong 120 giờ đầu tiên, giờ tiếp tăng 17.000 đồng/giờ. Theo quy định tại Trung tâm tối thiểu là 4 giờ/ngày. Tuy nhiên, cũng tùy vào hoàn cảnh, PA cũng có thể dành thời gian cho NKT, có khi làm 8 – 10 giờ/ngày.

Theo chị Nguyễn Hồng Hà, GĐ dự án Trung tâm Sống độc lập của NKT tại Hà Nội, một PA khi bắt đầu công việc đều phải trải qua khóa tập huấn những kỹ năng giao tiếp và hỗ trợ NKT thuộc các dạng tật khác nhau, cách sử dụng xe lăn, cách hỗ trợ NKT ở nhà cũng như nơi làm việc, trong sinh hoạt cá nhân. Mỗi PA khi làm việc đều được trả lương theo giờ và có ký kết hợp đồng như những lao động bình thường. Công việc không chỉ yêu cầu hỗ trợ NKT bằng sức lực mà còn cả sự hiểu biết về tâm lý cũng như cách giao tiếp ứng xử với họ. Những PA trở thành người bạn đồng hành cùng NKT trong mọi hoạt động, đồng thời cũng giúp cho họ có khả năng sống độc lập. Hiện Trung tâm Sống độc lập có khoảng 35 PA, tuổi từ 18 – 35. Theo đó, nghề PA chủ yếu là các SV, với tấm lòng nhiệt thành và tâm sáng. Khi một PA giúp đỡ NKT và duy trì được mối quan hệ tốt đẹp thì đó cũng là cách để đưa NKT trở lại với cuộc sống bình thường, hòa nhập với cộng đồng sau một thời gian sống trong sự bao bọc của gia đình hay cô lập tại các trung tâm bảo trợ. Chị Hà cho biết, yêu cầu đối với NKT là được tập huấn kỹ năng sống độc lập, phải có kỹ năng làm việc trong môi trường nghiêm túc, chuyên nghiệp, vừa có khả năng điều tiết và quản lý giờ dịch vụ mình có.

PA Bùi Thị Thu Phương đang hỗ trợ cho chị Hoàng Thị Thi khi di chuyển xe lăn. Ảnh: Vi Giáng

Và những nỗi niềm

Trước khi đến với công việc PA, Phương từng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện. Từng giúp đỡ những hoàn cảnh khuyết tật, Phương hiểu được những khó khăn, vất vả của NKT. Với họ, đơn giản chỉ đẩy xe lăn đi lấy cốc nước cũng là một việc làm chật vật. Phương chia sẻ: “Nếu chỉ coi công việc là một nghề kiếm tiền thì Phương sẽ không làm PA. Cô sinh viên năm 3 ĐH Công đoàn cũng như các bạn trẻ khác ở Trung tâm Sống độc lập chỉ có làm việc với tình yêu, sự cảm thông khi đặt vị trí vào công việc và vị trí của NKT những vất vả dường như là động lực để tôi hoàn thành tốt công việc. Nghề PA không phải là tay chân của chúng ta mà chính là tay chân của NKT. Được NKT sử dụng theo ý muốn của họ”.

Hoàng Thị Thi là NKT thứ 3 mà Phương hỗ trợ từ khi bắt đầu hoạt động tại Trung tâm. Trước đó, Phương từng hỗ trợ cho chị Hằng, chị Thủy. Với mỗi NKT, ở dạng tật khác nhau mà mỗi PA sẽ có cách trợ giúp, cách làm việc khác nhau. Nghề PA không phải là nghề y, thế nên hiểu rõ được tính chất bệnh của NKT, các PA phải tự trau dồi, tìm hiểu các thông tin, xử lý tình huống xảy ra bất ngờ. Nó đòi hỏi người PA còn phải có sức khỏe để nâng đỡ. Chia sẻ về khó khăn, Phương từng gặp “tai nạn nghề nghiệp” trong lúc bế chị Thủy bị bại liệt chân di chuyển lên xe lăn thì Phương bị bất ngờ bị sút lưng và phải nghỉ làm một thời gian để điều trị.

Vào nghề PA, nhiều bạn trẻ có sự đồng cảm sâu sắc với những hoàn cảnh người khuyết tật, song thực tế, nghề PA được trả lương từ 14.000 đồng đến 17.000 đồng/giờ làm - một mức lương hấp dẫn, tuy nhiên ít người có thể gắn bó lâu dài, bởi mỗi SV trước khi làm PA đều đang theo học ít nhất một ngành nghề nhất định. Khi ra trường, các bạn sẽ đi theo con đường mình đã chọn trước đó hay tiếp tục đồng hành cùng những NKT là một câu hỏi còn để ngỏ.

Thêm nữa, cái nghề “nặng tâm nhẹ tiền” vẫn còn là khoảng trống về chính sách, kinh phí, đặc biệt khó khăn trong việc tuyển PA bởi giới trẻ cho rằng: PA chẳng khác gì nghề “ô sin”.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giao-duc/tro-giup-cho-nguoi-khuyet-tat-nghe-nhan-van-con-nhieu-tran-tro-116840