Trò chuyện với người phụ nữ đã sống thảnh thơi với gạo lứt

Có lẽ mục đích tối thượng của cuộc đời mỗi người là tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc. Điều ấy ngỡ chừng xa vời mà lại ở quanh ta, nằm trong chén cơm ngon lành hàng ngày.

Hơn 30 năm rồi, một người phụ nữ đã sống thảnh thơi với gạo lứt và giúp nhiều người cùng tận hưởng sự lạc quan với thực dưỡng. Đó là chị Phạm Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1959, cự ngụ tại 103 ngách 2 ngõ Thái Thịnh 1, Đống Đa, Hà Nội.

Chị Phạm Thị Ngọc Trâm

@ Trước khi đến với thực dưỡng chị có bệnh gì không?

Trước năm 1980 khi còn là sinh viên, tôi đã bị đau đại tràng đi phân sống. Kiêng khem thế nào, uống thuốc thế nào cũng vẫn hỏng ruột… Rồi được mách cho phương pháp thiền chữa bệnh. Một người có năng lực chữa lành đặt tay lên bụng tôi: nó đang sôi réo và nó ngưng lại ngay. Sau đó tôi ăn uống thoải mái hơn và không còn đi phân sống như trước. Từ đó tôi tin thiền và hành thiền.

Tuy nhiên, đại tràng vẫn không lành hoàn toàn. Mấy năm sau, cha tôi nghe bác sĩ Lê Minh, Phó Khoa Đông y Bệnh Viện 108 (Hà Nội), thuyết giảng về thực dưỡng chữa bệnh nan y tại Câu lạc bộ Thăng Long. Cả nhà tôi bắt đầu ăn cơm lứt từ đó. Từ năm 1983 tới nay, tôi chưa phải uống một loại thuốc chữa bệnh nào. Sức khỏe tăng lên và việc hành thiền của tôi cũng tiến bộ. Phải nói Thực dưỡng giúp cho tôi cả thân bệnh lẫn tâm bệnh mỗi ngày tiến tới chỗ tốt đẹp và cuộc đời nhiều may mắn hơn.

@ Chị có sẵn sàng chia sẻ phương pháp thực dưỡng cho những người khác muốn tìm hiểu?

Vốn là giáo viên, tôi nhận ra thực dưỡng chính là cái đạo Sống Vui quí báu của kiếp người. Tôi đã để tâm tìm cách phổ biến phương pháp này từ khi thấy nhiều lợi ích và tầm quan trọng của nó, nhất là khi tôi vào miền nam thì nhận được chỉ dạy tận tình của những người thực dưỡng thâm niên ở đó. Gia đình đồng lòng hợp sức nên mọi chuyện trở nên dễ dàng.

Tôi dự định xây dựng một trung tâm thực dưỡng gồm: phòng ăn uống phục vụ các món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng, vừa đẹp... và dạy nấu ăn - phòng hội thảo, hội họp - phòng trưng bày bán sách và thực phẩm dưỡng sinh - phòng thiền và tập luyện. Tôi làm website về thực dưỡng đầu tiên ở Việt Nam nhằm mục đích giúp người khác tìm hiểu về thực dưỡng. Tôi cũng muốn thành lập ngôi trường dạy ăn uống theo thực dưỡng và sống thuận trật tự vũ trụ.

Tôi đang mở các khóa dạy nấu ăn cho những nhóm nhỏ và chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng, đặc biệt cho chị em phụ nữ để dưỡng thai và nuôi em bé được khỏe mạnh và thông minh bằng gạo lức. Tôi đã tổ chức dịch và in hơn 10 đầu sách thực dưỡng. Gần đây tôi tổ chức cho đọc được 21 quyển sách thực dưỡng dành cho những người ít thời gian và già cả.

Tôi thích tổ chức các chương trình Sống Vui cho cộng đồng, đem lại phấn chấn cho người áp dụng thực dưỡng tại Việt Nam và thế giới. Chúng tôi mở rộng vòng tay tới với mọi người dù họ có áp dụng thực dưỡng hay không. Tấm lòng bác ái, tử tế, dịu dàng và thảnh thơi là những phẩm chất cao quí của con người trên trái đất.

Tôi ước mơ làm lại toàn bộ các loại bánh trái cổ truyền dưới ánh sáng của Thực dưỡng, đưa Việt Nam thành cái “nhà bếp thực dưỡng” của thế giới. Bất cứ phụ nữ Việt nào cũng biết cách làm những món ăn ngon đãi khách và chăm sóc gia đình bền vững theo truyền thống ăn ở có trước có sau, kính trên nhường dưới, xiển dương bữa cơm gia đình đầm ấm đầy năng lượng.

@ Theo trải nghiệm của chị, câu chuyện về thực dưỡng là gì?

Thái độ sống chân thành của Tiên sinh Ohsawa làm tôi luôn ngưỡng mộ. Tiên sinh khuyến khích mọi người đi trên con đường này và ông tuyên bố mình không phải là người sáng lập mà chỉ là người phát hiện ra những điều đã có sẵn. Là giáo viên và thiền nhân, tôi rất thích cách tiên sinh giảng dạy bằng cách đặt câu hỏi khó và lý thú, giúp đánh thức trực giác, giống hệt kiểu của Thiền tông, hỏi phải đáp liền không suy nghĩ. Nhờ hành thiền sâu, tôi hiểu được suy nghĩ là sản phẩm của tâm thức nhị nguyên. Đáp liền là hành động của chân tâm, vượt ra khỏi âm dương, đối đãi, khái niệm, nhị nguyên để chạm được vào tâm điểm của tình thương bao la của vũ trụ, cái mà các tôn giáo lớn đều đề cập.

Phương pháp thực dưỡng được xem là phương pháp Sống Vui của thời đại mới. Khi đến thăm Việt Nam, Tiên sinh Ohsawa thốt lên: Việt Nam sẽ là cái nôi của phong trào thực dưỡng thế giới. Tôi đã đọc gần hết sách của tiên sinh và nhận ra tiên sinh có một nhân cách cao thượng, tuyệt vời, tấm lòng quảng đại. Đây cũng là điều tiên sinh muốn dạy chúng ta.

@ Chị nghĩ lứa tuổi nào nên bắt đầu thực dưỡng?

Hiện nay trên khắp thế giới, ngày càng có nhiều “em bé gạo lứt”. Sức khỏe của các bé và đặc biệt hệ thần kinh cân bằng và trí thông minh là sự thu hút và làm vui thích những người sống gần bé. Chúng ta phải có trách nhiệm lớn với các thế hệ tương lai, nếu không giống nòi sẽ bị suy yếu. Cách đây 15-20 năm ở Hà Nội khi ra đường hiếm khi gặp em bé béo phì. Còn bây giờ thì sao?

Tiên sinh Ohsawa nói: phụ nữ ăn sai trở thành người đàn ông, đàn ông ăn sai trở nên nữ tính... là điều nguy hiểm hơn lỗ thủng tầng Ozon.

Người mới áp dụng thực dưỡng lưu ý rằng nhai kỹ là kỹ thuật tuyệt chiêu. Tôi chưa thấy có cách ăn nào tuyệt vời như là cách ăn cơm lứt mà tiên sinh Ohsawa đã dạy trong quyển “Cẩm Nang Cuộc Đời Thực Dưỡng”. Các bạn mới không nên quá chú tâm vào việc chữa lành bệnh trên thân, gây căng thẳng và hiểu lầm về thực dưỡng. Nguyên nhân chính của bệnh tật là do ăn phi thực dưỡng và thái độ đối xử sai với thức ăn, cùng với lối sống không thuận thiên nhiên lâu ngày. Nên đọc sách và tham gia các khóa đào tạo thực dưỡng của những người thực dưỡng chân chánh.

@ Người muốn tìm hiểu thực dưỡng, có thể tin cậy những tài liệu nào?

Hiện nay, có gần 100 đầu sách thực dưỡng. Có 4 nguồn chính: mảng sách do ông Ngô Thành Nhân và ông Ngô Ánh Tuyết biên soạn gồm: “Phòng và trị bệnh theo phương pháp Thực dưỡng Ohsawa”, “Nghệ thuật nấu ăn vui khỏe”...; mảng thứ 2 do tôi làm gồm: “Trật Tự vũ trụ”, “Thiền Ăn”...; mảng thứ 3 do ông Huỳnh Văn Ba dịch và soạn gồm “Tinh Túy Ohsawa”, “Thuật Nấu Ăn Theo Phương Pháp Ohsawa”, và mảng thứ 4 do ông Trần Ngọc Tài dịch và soạn. Ngoài ra, cũng có một số đầu sách về thực dưỡng nhấn mạnh vào đối chứng trị liệu. Đây là cuộc cách mạng về nhận thức chứ không chỉ là nhai cơm lứt mỗi miếng bao nhiêu lần, cần sự trưởng thành về nhận thức. Có như thế, bạn mới hiểu ra con đường để có sức khỏe và hòa bình là con đường thực dưỡng này.

@ Chị có băn khoăn trước xu hướng thực dưỡng hiện nay không?

Thực phẩm hiện nay được làm với mục đích thương mại nên có mặt trái của nó. Đây là điều mà ai cũng biết, hàng ngày các phương tiện thông tin đều nói về nó. Cái tâm của người chế biến thực phẩm rất quan trọng. Thức ăn hóa chất độc hại, gây ung thư và quái thai xuất phát từ cái tâm hám lợi của người chế biến. Tôi từng khuyên rằng thà ăn củ khoai do người hiền thiện bán chứ đừng ăn cao lương mĩ vị do người có tính xấu làm.

Muốn hết thực phẩm bẩn thì hệ thống giáo dục đạo đức phải đi trước. Tôi không băn khoăn thực phẩm bẩn bằng tâm trí bẩn, đây mới là nguồn gốc thực phẩm bẩn. Mọi người cần ý thức: có đức mặc sức mà ăn. Các phương tiện thông tin đại chúng nên xiển dương người tốt việc tốt nhiều hơn nữa, hiện nay đọc báo thấy người xấu nhiều quá.

THIỆN BỬU (Kiến thức gia đình số 49)

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tro-chuyen-voi-nguoi-phu-nu-da-song-thanh-thoi-voi-gao-lut-post182799.html