Trịnh Thị Bích Như - Mối tình định mệnh với bơi lội

Bơi lội với Bích Như có thể xem là một mối tình đặt biệt từ khi sinh ra, đi học cái chữ, nỗi buồn và cả vinh quang.

Gặp Bích Như vào một chiều cuối năm khi cô đang tiễn chân ba mình ra bến xe về lại quê nhà Kiên Giang, ánh mắt của người con chưa thể về ăn Tết cùng gia đình thật khiến người ta nhớ mãi.

Vốn không phải lần đầu gặp và trò chuyện với một VĐV khuyết tật, thế mà những câu chuyện của cô vẫn đưa tôi đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác, khâm phục về một "cô cá nhỏ" đầy nội lực.

Cô gái trên chiếc xuồng thủng

Tôi cũng đã nghe nhiều về chuyện của Như. Đại loại như năm 3 tuổi bị ngã rồi gặp một trận sốt nặng dẫn đến bại liệt 2 chi dưới. Bây giờ nghĩ lại những điều này, Bích Như chỉ còn coi nó như một định mệnh: "Tôi nghĩ trời không lấy đi vô nghĩa của ai một điều gì. Cuộc sống công bằng lắm nên bản thân không còn buồn về chuyện đó nữa".

Mở mắt chào đời là nhìn thấy sông nước nên cuộc đời của Như gắn với nước, với bơi gần gũi như một người bạn thanh mai trúc mã.

Vốn phải ở nhà từ bé vì đôi chân bại liệt, cuộc sống của Như hàng ngày là theo ba đi đóng xuồng và thú vui duy nhất cũng là bơi qua, bơi lại ở rãnh nước giữa 2 chiếc xuồng ấy. Một hôm nọ, có một bà chị thấy Như bơi khá, thách đố nếu lội qua sông được thì thua một nồi chè. Lần ấy, Như thắng được một nồi chè nhỏ nhưng "ăn" một trận chửi lớn của ba mẹ vì cái máu liều nơi sông nước. Cũng chính con sông, dòng nước đưa Như đến với con chữ. Sau khi bơi rành, Như bạo dạn xin ba cho bơi xuồng đi học. Dù khá lo lắng nhưng cũng muốn con mình có cái chữ, ông Trịnh Văn Bảy bấm bụng để con đi.

Hàng ngày đi học với bao ánh mắt nghi ngại của những bạn học nhỏ bởi một cô bạn học lớn tuổi hơn rất nhiều lại còn đi theo kiểu chồm hổm, nhấc cả cơ thể trên đôi tay. Tuy nhiên học đến lớp 5, ba mẹ Như không cho con đi học nữa vì lên cấp 2, trường xa hơn nhiều.

Như nhớ lại qua dòng nước mắt: "Ngày ba mẹ kêu thôi học, tôi khóc quá chừng. Lúc đó giận ba mẹ nhiều lắm. Giờ lớn khôn hiểu được rồi, tôi giận ngược lại mình".

Kỷ niệm buồn nhất với cô gái quê Kiên Giang là lần đầu bị người ta đuổi việc không một lý do: "Sau khi nghỉ học, tôi xin đi làm nghề đan lục bình với mức thu nhập hơn 150.000đồng/tháng. Từ nhà đến chỗ làm cũng 30km nhưng đâu bỏ buổi nào. Ấy vậy mà có lần đám cưới chị mình, tôi xin nghỉ một buổi về vậy mà người ta thẳng tay đuổi luôn".

Bộ bikini đáng nhớ

Mang trong mình một ý chí tự lập, năm 23 tuổi, Như quyết tâm một mình khăn gói lên TPHCM học may vá. Thuyết phục được sự lo lắng, can ngăn của ba mẹ, cô gái giàu nghị lực nuốt ngược không biết bao nhiêu nước mắt chốn thị thành.

"Ngày ấy để có đủ tiền sinh sống, tôi nhận hàng gia công về làm thêm, thức tới 3 giờ sáng để làm. Lúc đó cực quá lại nhớ nhà không có điện thoại gọi về, tôi khóc nhiều và có cả hối hận. Thân con gái một mình trên đất khách quê người mà", Như chia sẻ.

Thế rồi khi Như buồn bã nhất, cái duyên giữa bơi lội và Bích Như một lần nữa tìm đến nhau.

Đến giờ, Như vẫn đỏ mặt mỗi khi nhớ lại kỷ niệm lần đầu đến với hồ bơi: "Lúc đó cuộc sống tại trung tâm dạy nghề khá tù túng nên tôi xin một anh trong đội bơi lội khuyết tật cho theo chơi. Chính thầy Phạm Đình Minh dạy bơi lúc ấy cũng bất ngờ bởi mình chưa từng có học trò nữ. Dù vậy, thầy vẫn thuê một bộ đồ bơi 2 mảnh cho tôi. Mặc xong, tôi ngồi nhìn hơn nửa tiếng đồng hồ không dám ra ngoài vì mắc cỡ. Thầy và các anh trong đội phải năn nỉ, dỗ lắm mới dám bỏ áo khoác để xuống hồ".

Lần đầu chạm nước ấy đã làm mắt người thầy đáng kính sáng lên vì cô gái quá có năng khiếu. Từ đó thuyết phục Như vào đội tập luyện với lời hứa là một bộ đồ bơi kín đáo hơn.

Nữ hoàng đường đua xanh

Tới giờ phút này, Bích Như không thể nào quên những cơn đau nhức triền miên ngày đầu tập luyện mà cô hình dung là đau đến không tưởng tượng nỗi. Lúc đó, động lực của Như để vượt qua khó khăn giản dị không ngờ: "Tôi nghĩ với đôi chân thế này biết bao giờ được đi du lịch, thôi thì ráng tập để được một lần ra đời với người ta".

Lần đầu "ra đời" sau 3 tháng tập luyện ở giải thể thao NKT toàn quốc tại Đà Nẵng ấy, Như giành luôn 1 HCV và 1 HCB. Vài tháng sau đó, cô tiếp tục mang về chiếc HCV ở Para Games tại Myanmar. Mừng vì biết rằng bản thân vẫn có thể đóng góp cho Tổ quốc và cơ hội thay đổi cuộc sống của mình đang thật sự mở ra. Lúc ấy ở quê nhà, ba mẹ Như cũng khóc mừng cho cô con gái.

Ngồi cạnh Như, ông Trịnh Văn Bảy tâm tư: "Tôi hãnh diện lắm, đâu nghĩ đứa con gái tật nguyền của mình làm được nhiều điều như vậy. Con đi nhiều vậy cũng nhớ lắm nhưng buồn ít vui nhiều. Tôi chỉ lo lắng cho tương lai sau này khi con không còn thi đấu thể thao được sẽ làm nghề gì vì ba mẹ không ở cả đời với con mình được. Chỉ mong nó có một tương lai ổn định thôi".

Giờ đây, Bích Như cùng các đồng đội tập luyện với mục tiêu làm nên lịch sử cho thể thao người khuyết tật nước nhà tại kỳ Paralympic 2016 ở Brazil.

Bích Như đã làm nên lịch sử với tấm HCB đầu tiên của thể thao người khuyết tật (NKT) Việt Nam ở cấp độ thế giới. Thông số 1 phút 57 giây 14 của Như không chỉ vượt xa chuẩn A (2 phút 04 giây 13) mà còn ngang ngửa mức HCB Paralympic. Điều này đem đến hy vọng rất lớn cho thể thao Việt Nam về việc làm nên điều kỳ diệu ở sân chơi thế giới vào năm sau

T

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/cac-mon-khac/trinh-thi-bich-nhu-moi-tinh-dinh-menh-voi-boi-loi-372-175142.html