Trịnh Thanh Nhã xót xa: 'Cặp bài trùng điện ảnh Long Vân - Lê Phương khuất bóng, lạ lùng đều không có sự tưởng thưởng nào'

'Vậy là cặp bài trùng điện ảnh Long Vân - Lê Phương đã cùng khuất bóng. Hơi tiếc và cũng lạ lùng là cả hai người bạn ấy đều không có sự tưởng thưởng nào dù những cống hiến của họ cho điện ảnh Việt một thời là không hề nhỏ', biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ.

Đạo diễn Long Vân - nhà làm phim "Biệt động Sài Gòn" đã qua đời vào sáng 24/12, hưởng thọ 87 tuổi.

Sáng 25/12, bà Trịnh Thanh Nhã - vợ của nhà biên kịch Lê Phương "Biệt động Sài Gòn" - cho biết lễ tang đạo diễn Long Vân sẽ diễn ra vào 7h30 ngày 27/12/2023 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang lúc 8h30 cùng ngày, sau đó hỏa táng Đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển.

Trước đó, trên trang cá nhân, bà Trịnh Thanh Nhã chia sẻ cảm giác choáng váng khi hay tin đạo diễn Long Vân qua đời. Khi bình tĩnh lại và gọi điện hỏi thăm vợ của đạo diễn Long Vân, bà xót xa: "Nghe chị khóc mà lòng mình cũng tan nát".

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ bức ảnh được con trai nhà quay phim Nguyễn Quang Tuấn gửi. Đó là thời sung sức nhất của đạo diễn Long Vân - khi anh quay bộ phim "Biệt động Sài Gòn". Bà cảm thán: "Vậy là cả 3 người bạn - ba nhân sự quan trọng nhất của đoàn phim "Biệt động Sài Gòn" đã khuất bóng"

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã kể, cách đây mấy tháng, bà có dịp đến thăm ông - cũng là lần cuối cùng bà gặp người đạo diễn từng là bạn thân với chồng mình. "Anh ốm đã lâu, cũng đã đến thăm anh ở nhà đôi lần. Rồi biết anh nhập viện, cứ tự hứa sẽ đến thăm nhưng gọi chị mấy lần không được nên chẳng biết đến đâu để thăm. Và bây giờ là tin anh đã đi xa. Vậy là cặp bài trùng trong nghề điện ảnh Long Vân - Lê Phương đã cùng khuất bóng. Trống vắng quá. Hy vọng là họ đã gặp nhau để tiếp tục cãi vã rồi lại cùng tâm đắc tạo nên những tác phẩm chung.

Hơi tiếc và cũng lạ lùng là cả hai người bạn ấy đều không có sự tưởng thưởng nào tôn vinh cá nhân họ, dù những cống hiến của họ cho điện ảnh Việt một thời là không hề nhỏ. Có lẽ họ giống nhau ở sự cống hiến hết mình và cũng giống nhau ở cái kiểu ngất ngưởng vô tư trước mọi danh lợi ở đời. Bởi thế mà họ thân nhau mãi mãi chăng", biên kịch Trịnh Thanh Nhã tiếc nuối.

Nhớ lại cuộc trò chuyện cuối cùng giữa mình và đạo diễn Long Vân, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã bộc bạch: "Trong đầu ông luôn nghĩ đến chuyện làm phim, khi nói đến chuyện làm phim thì ông tỏ ra hứng khởi, còn không chỉ im lặng và buồn buồn. Ông hỏi tôi về câu chuyện của hãng phim truyện Việt Nam. Ông ấy luôn luôn chỉ nghĩ đến phim và thế giới phim, điều đó sôi động đến phút cuối, trong tâm tưởng của ông".

Đạo diễn Long Vân sinh năm 1936 tại Hà Nội, sau đó cùng gia đình theo kháng chiến lên Thái Nguyên. Năm 14 tuổi, ông được gửi sang học tập tại Trung Quốc cùng GS Nguyễn Lân Dũng, GS Hồ Ngọc Đại.

Tên tuổi đạo diễn Long Vân gắn liền với phim "Biệt động Sài Gòn", bộ phim màu đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam được công chiếu năm 1985. Đây được xem là bộ phim huyền thoại của Việt Nam, với những nhân vật anh hùng và những cảnh quay kinh điển đi sâu vào lòng khán giả nhiều thế hệ. Ông còn làm các phim: Hẹn gặp lại Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn, Những đứa con của biệt động Sài Gòn, Tiếng gọi phía trước, Cho cả ngày mai, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Những người không mang họ...

Những năm tuổi già, đạo diễn Long Vân sống cùng vợ ở phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

An Khánh

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/trinh-thanh-nha-xot-xa-cap-bai-trung-dien-anh-long-van-le-phuong-khuat-bong-la-lung-deu-khong-co-su-tuong-thuong-nao-172231225113214007.htm