Trinh sát cơ Mỹ ngày đêm quần thảo bầu trời Ukraine nhưng vẫn 'tay trắng'

Trước tình hình căng thẳng ở Ukraine, Mỹ đã cử những máy bay trinh sát hiện đại nhất bay liên tục trên bầu trời Ukraine để theo dõi mọi hành động của Nga.

Trong tháng 2/2022, mức độ căng thẳng xung quanh Ukraine đã lên tới mức cao nhất và liên tục được công bố trên báo chí phương Tây. Thậm chí các phương tiện truyền thông Anh còn chỉ ra thời điểm cụ thể cho cuộc xâm lược của Nga là vào đêm và rạng sáng ngày 16/2.

Tất nhiên là vẫn chưa có hành động quân sự nào xảy ra. Tuy nhiên, chính xác vào những ngày này các hoạt động của lực lượng hàng không trinh sát Mỹ đạt đến kỉ lục trong khu vực. Máy bay không người lái trinh sát chiến lược RQ-4 Global Hawk bay lơ lửng trên bầu trời Ukraine gần như suốt ngày đêm.

Máy bay không người lái đã bay theo các vòng tròn dọc theo biên giới Nga-Ukraine và Ukraine-Belarus, máy bay ở độ cao khoảng 16-17 km. Và đã có tới 20.000 người dùng từ khắp nơi trên thế giới, đã theo dõi các chuyến bay của máy bay không người lái Mỹ trực tuyến tại trang web Flightradar24.com.

Cùng lúc đó, một trong những máy bay trinh sát chiến lược lâu đời nhất của Mỹ Boeing RC-135V cũng đã thực hiện các chuyến bay do thám ở Biển Đen dọc theo bờ biển Crimea và bờ biển của vùng lãnh thổ Krasnodar. Rõ ràng là các máy bay của Mỹ đang theo dõi các cuộc tập trận quy mô lớn của Hải quân Nga.

Máy bay không người lái trinh sát chiến lược RQ-4 Global Hawk là vũ khí trinh sát trên không tiên tiến nhất của Mỹ. Phương tiện trinh sát không người lái chiến lược được thiết kế bởi các kỹ sư của tập đoàn Northrop Grumman.

Chuyến bay đầu tiên của nguyên mẫu RQ-4 Global Hawk diễn ra vào ngày 28/2/1998 và việc sản xuất hàng loạt máy bay không người lái bắt đầu vào nửa đầu những năm 2000. Lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ hiện đang vận hành hàng chục máy bay như vậy trong các phiên bản cải tiến RQ-4A và RQ-4B, chúng đã trải qua nhiều giai đoạn hiện đại hóa khác nhau.

Máy bay không người lái chiến lược được chế tạo theo sơ đồ khí động học thông thường. Thân máy bay không người lái được làm bằng hợp kim nhôm nhẹ và chắc chắn, nhưng cánh hoàn toàn bằng vật liệu composite. Đuôi hình chữ V dễ nhận biết của Global Hawk cũng được làm bằng vật liệu composite.

Máy bay Global Hawk có khả năng bay ấn tượng, máy bay có thể ở trên bầu trời hơn 30 giờ, thực hiện các chuyến bay ở chế độ hoàn toàn tự động. Độ cao tiêu chuẩn của máy bay không người lái là 16-18 km, mang lại tầm nhìn tuyệt vời cho thiết bị trinh sát UAV. Phạm vi bay của phiên bản cải tiến RQ-4B là 22.780 km.

Ngày nay, RQ-4 Global Hawk là máy bay không người lái sản xuất lớn nhất trên thế giới, có kích thước tương đương với máy bay có người lái. Sải cánh của RQ-4 là 39,9 mét, trọng lượng cất cánh lên tới 14 tấn.

Vào ngày 23/4/2001, một máy bay trinh sát chiến lược không người lái RQ-4 đã lập kỷ lục khi trở thành UAV đầu tiên vượt qua đại dương lớn nhất thế giới. Máy bay không người lái đã bay từ Mỹ đến Australia, mất 23 giờ 20 phút để băng qua Thái Bình Dương.

Máy bay trinh sát không người lái RQ-4 Global Hawk được trang bị một bộ thiết bị trinh sát tiên tiến. Hệ thống này bao gồm một radar SAR/MTI khẩu độ tổng hợp, các cảm biến quang học và hồng ngoại.

Radar SAR/MTI cho phép thu được hình ảnh radar về bề mặt trái đất và các vật thể nằm trên đó, bất kể điều kiện khí tượng và mức độ ánh sáng tự nhiên. Trong một ngày, máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk với radar SAR/MTI có thể xử lý một khu vực rộng 138 nghìn km vuông, lớn hơn diện tích của Hàn Quốc hoặc Iceland.

Trên các sửa đổi của máy bay không người lái RQ-4 Block 40, hệ thống radar đa nền tảng MP-RTIP đã được đưa vào trang bị. Giúp máy bay có thể theo dõi các mục tiêu di động trên mặt đất và trên không. Đặc biệt, nó có thể được sử dụng để theo dõi các phương tiện mặt đất và tên lửa hành trình bay thấp.

Máy bay trinh sát chiến lược Boeing RC-135V là một thiết bị cũ của hàng không quân sự Mỹ. Chiếc máy bay đầu tiên của dự án này đã được đưa vào hoạt động từ năm 1961, lần đầu ra mắt quân đội của nó là trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Trong Chiến tranh Lạnh, những chiếc máy bay này được người Mỹ tích cực sử dụng để giám sát các vụ phóng tên lửa liên lục địa của Liên Xô và hoạt động của các hệ thống phòng không.

Ngày nay, RC-135 là một dòng máy bay trinh sát lớn của Boeing. Bản thân chiếc máy bay này được chế tạo trên cơ sở máy bay vận tải bốn động cơ Boeing C-135 Stratolifter, trên cơ sở đó máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 Stratotanker cũng được chế tạo. Cả hai máy bay tiếp tục được sử dụng tích cực bởi Không quân Mỹ.

Chiếc Boeing RC-135V bay qua Ukraine và Biển Đen, cất cánh từ các căn cứ không quân ở Đức và đảo Crete. Không giống như máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk, có kích thước tương đương với máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát Boeing RC-135V, có nguồn gốc từ máy bay vận tải, là loại máy bay lớn. Trọng lượng cất cánh của các trinh sát này có thể vượt quá 146 tấn.

Hiệu suất bay của máy bay RC-135V khiêm tốn hơn đáng kể so với RQ-4 Global Hawk. Boeing RC-135V có phạm vi bay thực tế là 9.100 km, trần bay xấp xỉ 12.000 mét. Máy bay có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 930 km/h. Thông thường máy bay thực hiện trinh sát vô tuyến điện từ 4-5 giờ, thời gian của các phi vụ trực tiếp phụ thuộc vào khoảng cách từ các căn cứ.

Boeing RC-135V/W là một máy bay trinh sát điện tử, được trang bị nhiều ăng-ten khác nhau. Một tính năng đặc biệt của máy bay là phần mũi kéo dài hơn hai mét, là nơi chứa thiết bị liên lạc và trinh sát AN/AMQ-15. Phi hành đoàn của máy bay gồm 3-4 người, ngoài ra có tới 12-16 người vận hành hệ thống trinh sát làm việc trên máy bay.

Với những chiếc máy bay trinh sát hiện đại, Mỹ có thể theo dõi “nhất cử, nhất động” của Quân đội Nga, làm cơ sở để dự đoán tình huống có thể xảy ra và có các phương án đối phó. Tuy nhiên mọi hành động của Quân đội Nga vẫn rất kín đáo, khiến cho tình hình ở Ukraine vẫn rất phức tạp và khó lường. Nguồn ảnh: Pinterest.

Thái Hòa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/trinh-sat-co-my-ngay-dem-quan-thao-bau-troi-ukraine-nhung-van-tay-trang-1666793.html