Trình diễn 56 nồi cháo trong Liên hoan nấu cháo se xã Hạ Mỗ

Trong khuôn khổ Festival nông sản - văn hóa - ẩm thực - du lịch huyện Đan Phượng năm 2023, ngày 19-11, UBND huyện Đan Phượng tổ chức Liên hoan nấu cháo se xã Hạ Mỗ.

Các đội nhào bột thật dẻo chuẩn bị để se vào nồi cháo.

Gọi là cháo se bởi người dân Đan Phượng khi nấu cháo dùng tay se bột vào nồi.

Tham gia liên hoan có 280 người, được chia thành 8 đội. Mỗi đội nấu 7 nồi cháo dung tích 100 lít. Để nấu một nồi cháo, các đội sử dụng 5kg gạo tẻ, xương và thịt lợn. Nguyên liệu sử dụng để nấu cháo có nguồn gốc rõ ràng, dụng cụ nấu bếp bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm…

Theo ông Nguyễn Xuân Việt, công chức văn hóa - xã hội xã Hạ Mỗ, một nồi cháo se ngon được đánh giá bằng các tiêu chí: Độ đặc của cháo; độ đồng đều của các con se; mức độ chín, dẻo của con se (chín tới); màu sắc của nước cháo, con se trắng đẹp; mùi vị khi ăn, nổi vị ngọt của nước hầm xương, thịt; bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, các đội thi cũng có phần giới thiệu ngắn gọn về món cháo của đội mình. Toàn bộ số cháo nấu tại liên hoan được phát miễn phí cho nhân dân và du khách tham dự lễ hội thưởng thức.

Cháo se đặc nên người dân Hạ Mỗ vẫn ăn cháo bằng đũa thay vì thìa...

Cháo se gắn với câu chuyện lịch sử Hoàng tử Lý Bát Lang (thế kỷ VI) mở tiệc khao quân. Người dân Hạ Mỗ dùng gạo tẻ nghiền thành bột mịn, rồi nhào bột với nước ấm để tạo ra nắm bột vừa độ dẻo, dùng hai bàn tay se (xoe) bột thành sợi nhỏ vào nồi nước ninh xương.

Bột se vào nồi nước ninh xương đang sôi tạo thành những sợi bột dài như những con chạch quấn quyện xen vào những miếng xương lợn được chặt miếng nhỏ, phần thịt còn dính ở xương lợn được ninh nhừ bung ra thành những sợi nhỏ theo thớ như hoa văn trang trí cho món ăn, sau đó hòa bột thành nước cho thêm vào nồi tạo độ sánh, cho món ăn trông rất ngon miệng.

Cháo được phát miễn phí cho người dân và du khách thưởng thức khi tham gia lễ hội.

Ngày nay, người dân Hạ Mỗ vẫn giữ truyền thống nấu cháo se phổ biến ở các dịp tập trung ăn liên hoan, như: Hội hè, việc xóm, việc làng. Nồi cháo se còn được nấu trong bữa tổng kết sau mỗi công việc như việc hiếu, việc hỷ của từng gia đình.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng, Liên hoan nấu cháo se Hạ Mỗ nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa ẩm thực đặc sắc truyền thống của xã Hạ Mỗ thông qua cách chế biến và cách thưởng thức món cháo se ăn bằng đũa. Đây cũng là hoạt động tạo thêm không gian vui chơi, thưởng thức ẩm thực cho nhân dân và du khách trong khuôn khổ các hoạt động Festival nông sản - văn hóa - ẩm thực - du lịch huyện Đan Phượng năm 2023.

Đồng thời, hoạt động này tạo điểm ấn tượng đặc biệt với du khách về số lượng nồi cháo nhiều nhất, số người tham gia nấu cháo đông nhất, số lượng nguyên liệu sử dụng nhiều nhất trong chương trình liên hoan.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/trinh-dien-56-noi-chao-trong-lien-hoan-nau-chao-se-xa-ha-mo-648492.html