Triều Tiên nhắm mục tiêu nào sau khi nổ văn phòng liên lạc với Hàn?

Việc Triều Tiên cho nổ văn phòng liên lạc với Hàn Quốc có thể báo hiệu các động thái leo thang căng thẳng mới.

Triều Tiên công bố video văn phòng liên lạc với Hàn Quốc nổ tung Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên vừa công bố đoạn video phá hủy văn phòng liên lạc giữa 2 miền, tại khu công nghiệp Kaesong, nằm gần biên giới với Hàn Quốc.

Lãnh đạo Kim Jong Un nhiều khả năng sẽ tính toán trong khoảng “an toàn”, với những nước đi mà không khiến quân đội Mỹ phải nhảy vào cuộc.

Mỹ có 28.000 lính đóng ở Hàn Quốc và hỏa lực vượt trội so với khí tài từ thời Liên Xô của Triều Tiên. Ông Kim cũng toan tính làm sao để không làm Trung Quốc, đối tác quan trọng nhất, quá giận dữ, theo Bloomberg.

Dù vậy, Bình Nhưỡng vẫn có một số lựa chọn để gây sức ép lên Hàn Quốc. Ông Kim là lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên từng đàm phán trực tiếp với một tổng thống Mỹ đương nhiệm. Giờ ông đang coi Tổng thống Moon là phiền toái khi cố làm trung gian giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã kêu gọi đối thoại trong nhiều tháng nhưng không đạt được đột phá về gỡ bỏ lệnh cấm vận đang làm khó khăn nền kinh tế Triều Tiên.

Cho đến nay, tổng thống Hàn Quốc chưa có dấu hiệu trả đũa, vì sợ sẽ làm hỏng cam kết của mình với cử tri là đưa hai miền Triều Tiên xích lại gần nhau. Thương mại liên Triều, từng chiếm 10% kinh tế của miền Bắc, đã giảm xuống còn 0 do lệnh trừng phạt quốc tế sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa năm 2017.

Lính thủy đánh bộ Hàn Quốc tuần tra gần biên giới liên Triều hôm 16/6. Ảnh: Yonhap.

Tiếp tục phá hủy

Ông Kim từng đe dọa phá các công trình do Hàn Quốc xây ở khu nghỉ mát trên núi Kumgang của Triều Tiên, và từng chê các công trình đó như “các lều tạm ở khu vừa bị thiên tai”.

Khu này do tập đoàn Hyundai xây dựng, với tổng đầu tư 653 triệu USD, nhưng đóng cửa từ năm 2008, sau vụ việc một nữ du khách Hàn Quốc 53 tuổi bước ra khỏi phạm vi và bị một lính Triều Tiên bắn.

Đây từng được coi là biểu tượng hợp tác giữa hai miền, có các khách sạn, nhà hàng, mua sắm, nơi biểu diễn. Ông Moon đã vận động mở lại khu vực này.

Phía Triều Tiên còn cảnh báo vụ nổ và đánh sập văn phòng liên lạc liên Triều ngày 16/6 có thể là "khúc dạo đầu cho thảm họa toàn diện trong quan hệ Bắc - Nam", theo BBC.

Triều Tiên đã cho nổ tung văn phòng liên lạc liên Triều vào chiều ngày 16/6. Ảnh: KCNA.

Di chuyển quân

Ngày 17/6, một ngày sau khi cho nổ văn phòng liên lạc, Triều Tiên đe dọa đưa quân trở lại khu công nghiệp liên Triều ở thành phố Kaesong, nằm gần biên giới bên phía Triều Tiên, cũng gần khu nghỉ mát núi Kumgang. Binh lính từng được rút đi để nhường chỗ cho các dự án trên.

"Các đơn vị cấp trung đoàn và các đơn vị hỏa lực cần thiết sẽ được triển khai tại khu du lịch Núi Kumgang và khu công nghiệp Kaesong”, phát ngôn viên của Bộ Tổng tham mưu nói trên Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA).

Văn phòng liên lạc liên Triều trước khi bị Triều Tiên đánh sập vào ngày 16/6. Ảnh: AP.

Triều Tiên cũng đe dọa sẽ thiết lập lại các đồn biên phòng, mà trước đó đã được rút khỏi khu phi quân sự DMZ.

KCNA cũng cho biết Triều Tiên đã "thẳng thừng" từ chối lời đề nghị gửi đặc phái viên để xoa dịu căng thẳng của Hàn Quốc và gọi đó là đề nghị "vô nghĩa" và "nham hiểm".

Thử tên lửa

Từ năm 2019, Triều Tiên đã thử vài loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng bắn tới mọi điểm ở Hàn Quốc, bao gồm các căn cứ Mỹ. Đây là những vũ khí mới được phát triển dưới thời ông Kim, dễ ngụy trang, dễ triển khai hơn những tên lửa đời trước.

Kho vũ khí của ông Kim bao gồm tên lửa KN-23 có thể né tránh hệ thống phòng thủ của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.

Vì vậy, để gây sức ép lên Seoul, ông Kim có thể đẩy nhanh chương trình tên lửa tầm ngắn của mình, ngay cả khi vẫn hoãn thử tên lửa tầm xa, vốn sẽ làm Mỹ tức giận.

Xung đột vũ trang?

Đây là lựa chọn rủi ro nhất, nhưng vẫn là phương án mà Triều Tiên từng dùng. Nổi bật nhất là một thập kỷ trước, khi nước này bắn ngư lôi làm chìm một tàu chiến Hàn Quốc, làm chết 46 thủy thủ, rồi vài tháng sau bắn đạn pháo lên một đảo của Hàn Quốc, làm chết hai lính, hai dân thường.

Một cuộc tấn công là rất rủi ro vì nếu đi quá xa, có nguy cơ bị leo thang thành một cuộc chiến tranh, với hậu quả vô cùng tàn khốc. Ngoài ra, nếu Bình Nhưỡng tấn công và làm chết người ở Hàn Quốc, chắc chắn những nỗ lực hòa hoãn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sẽ bị phá hỏng.

Vài giờ sau khi Triều Tiên đe dọa sẽ tái triển khai quân đội tới Kaesong, Quân đội Hàn Quốc hôm 17/6 cảnh báo sẽ khiến Triều Tiên phải "trả giá" nếu có hành động quân sự chống lại Seoul.

Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc gần DMZ Bộ Thống nhất Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên vừa giật sập văn phòng liên lạc chung ở Kaesong sau khi khói, tiếng nổ xuất hiện tại khu vực này vào ngày 16/6.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trieu-tien-nham-muc-tieu-nao-sau-khi-no-van-phong-lien-lac-voi-han-post1096683.html