Triển vọng phục hồi của nền kinh tế trong năm 2024 sẽ ra sao?

Rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, hậu quả của Covid-19 vẫn còn dai dẳng, lạm phát ở một số nền kinh tế lớn nhiều khả năng vẫn ở mức cao nên kinh tế Việt Nam dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức năm 2024.

Tiêu dùng được kỳ vọng là một trong những đông lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024. Ảnh: N.K

Những hệ lụy từ quá khứ

TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, coi 2023 là năm “họa vô đơn chí” với thiên tai, dịch bệnh (tàn dư của dịch Covid-19), chiến tranh vừa cũ lại vừa mới xuất hiện. Ngoài ra, bối cảnh kinh tế năm 2023 có nhiều thách thức từ các yếu tố địa chính trị, thiên tai.

Ngoài ra, lạm phát, lãi suất, tỷ giá vẫn còn nhiều rủi ro và thách thức. Còn tài chính, bất động sản, kinh tế thế giới còn rất nhiều rủi ro, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Thậm chí, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây từng đưa ra nhận xét kinh tế thế giới rất thú vị: “Kinh tế thế giới hiện nay rất ‘đa cực’ và ‘phân mảnh’, đặc biệt là trong hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu”.

Xu thế phân mảnh này, the ông Lực, có thể khiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm từ 0,3% đến 0,7% trong thập kỷ này.

“Như vậy, có thể thấy kinh tế thế giới sẽ còn rất nhiều biến động và rủi ro”, ông Lực nói tại một tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam.

Thực tế, trong bối cảnh hầu hết các tổ chức quốc tế đánh giá tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 suy giảm hơn năm trước khi ở mức dưới 3%, việc tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng 5,05% được xem là điểm sáng về tăng trưởng của khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Hữu Thọ – đại diện nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 như thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động trầm lắng, với 51 doanh nghiệp phát hành lượng trái phiếu trị giá 123.000 tỉ đồng trong 9 tháng năm 2023, giảm 60,4% so với cùng giai đoạn 2022. Thị trường bất động sản cũng không lạc quan hơn khi cơ cấu hàng hóa chưa phù hợp, tức thừa sản phẩm ở những phân khúc cao, nhưng thiếu sản phẩm ở phân khúc thấp.

Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Với bối cảnh trên, ông Thọ đánh giá tăng trưởng kinh tế cả năm của Việt Nam tuy cao, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra là 6,5%, gây ảnh hưởng đến lộ trình phát triển đến năm 2025 và 2030.

Lý giải nguyên nhân, chuyên gia này cho rằng ngoài những yếu tố khách quan bên ngoài như địa chính trị thế giới phức tạp, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm và lạm phát toàn cầu gây áp lực cho điều hành chính sách tiền tệ, giá cả hàng hóa… kinh tế Việt Nam vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố bên trong như công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế còn bất cập.

Theo đó, hiện tượng thiếu thống nhất, chồng chéo giữa một số quy định pháp luật vẫn hiện hữu. Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp còn chậm, chưa quyết liệt, kịp thời.

Bổ sung, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, cũng cho rằng đại dịch Covid-19 đã được khống chế, nhưng hậu quả đại dịch để lại vẫn rất nặng nề, tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng.

Mặt khác, căng thẳng về địa chính trị và tăng cường rào cản kỹ thuật từ phía các thị trường quan trọng của Việt Nam liên quan đến các sản phẩm xanh, sản xuất xanh đã đặt ra những khó khăn, thách thức to lớn cho nền kinh tế Việt Nam năm 2023, cũng như trong những năm tiếp theo.

Nhận diện động lực tăng trưởng năm 2024

Với bối cảnh nền kinh tế tồn tại nhiều khó khăn, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) thuộc ĐHQG Hà Nội, nhận định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 trong khoảng 6-6,5% được Quốc hội giao là thách thức lớn, nhưng có thể đạt được.

Theo ông Việt, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy khu vực dịch vụ, đặc biệt là tiêu dùng nội địa, có đóng góp lớn vào tăng trưởng năm 2023. Do đó, tiêu dùng nội địa vẫn là động lực chính cho tăng trưởng năm 2024, bên cạnh kỳ vọng về sự lan tỏa của đầu tư công.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng bốn yếu tố tổng cầu rất quan trọng của nền kinh tế, gồm: tiêu dùng của các hộ gia đình, đầu tư tư nhân, chi tiêu của Chính phủ và xuất khẩu ròng. Và nền kinh tế chỉ khởi sắc khi 4 yếu tố này được cộng hưởng.

Về tiêu dùng hộ gia đình, ông Tuấn cho biết các hộ gia đình đã bị bào mòn thu nhập sau Covid-19 và cần nhiều năm nữa mới phục hồi, nên khó tạo ra cú hích mạnh cho nền kinh tế. Tương tự, đầu tư khu vực tư nhân cũng khó có đột phá khi họ cũng bị suy kiệt sau những năm ảnh hưởng của dịch.

Còn đầu tư nước ngoài có những điểm sáng, nhưng không tránh khỏi tác động của kinh tế thế giới.

“Không có động lực nào quá nổi bật cho kinh tế 2024, nhưng nếu tích hợp các động lực này thì sẽ tạo ra sự cộng hưởng đáng kể”, ông Tuấn nói và cho rằng “ngòi tháo” cho động lực tăng trưởng trong năm 2024 vẫn là đầu tư công, chi tiêu công.

Với đầu tư công, nếu lĩnh vực này được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch thì sẽ tạo ra sự kích hoạt với đầu tư tư nhân và tiêu dùng. Cụ thể, đầu tư công được thực hiện trên thực tế sẽ giúp hình thành thu nhập của người lao động, nhà cung ứng, qua đó lan tỏa thu nhập cho nền kinh tế và tạo được sức cầu ở hộ gia đình.

“Chỉ nghĩ đến con số chi tiêu Chính phủ khoảng 700.000 tỉ đồng là chưa đủ. Cần tính toán cả tác động lan tỏa từ số vốn này”, ông Tuấn lưu ý.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý các động lực trên cũng phụ thuộc vào công cụ chính sách của Chính phủ, bao gồm chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Về chính sách tài khóa, muốn tăng sức cầu, tiêu dùng của hộ gia đình thì Chính phủ phải đồng bộ giảm thuế cho người dân để họ có thu nhập, tăng niềm tin tiêu dùng. Còn với người bị mất thu nhập, phải có chính sách trợ cấp chi tiêu cho họ.

Theo ông Tuấn, hiện Việt Nam có chính sách đánh thuế lũy tiến, nhưng lại không có chính sách tín dụng thuế.

“Thu nhập dưới 11 triệu đồng là ngưỡng chịu thuế theo quy định. Vậy những người dưới ngưỡng này nên có khoản thuế tín dụng hay còn gọi là thuế âm, là phúc lợi do Nhà nước trả cho người lao động thông qua hệ thống thuế, nhằm giúp tăng thêm thu nhập ròng”, ông Tuấn lý giải.

Với nhóm thu nhập cao và siêu giàu, vị này cho rằng nhu cầu chi tiêu của đối tượng này thấp và thường chỉ chi tiêu vào các mặt hàng cao cấp, xa xỉ, hàng nhập khẩu, nên không cần có chính sách hỗ trợ. Do đó, đối tượng cần kích cầu là nhóm thu nhập thấp và trung lưu do nhóm này chi tiêu nhiều trong xã hội và đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế.

Về chính sách tiền tệ, ông Tuấn cho rằng Chính phủ cần có giải pháp để khôi phục động lực sản xuất của nền kinh tế. Theo đó, các chính sách tín dụng đã có, vấn đề hiện nay là phải thực hiện quyết liệt hơn để khu vực kinh tế tư nhân có thể cận vốn vay.

Về giải pháp ngắn hạn, các chuyên gia và đại diện một số cơ quan quản lý đều nhận định tiêu dùng nội địa là động lực trước mắt để bổ sung cho tăng trưởng giai đoạn cuối năm 2023 và lan tỏa đến những tháng đầu năm 2024.

Theo đó, các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội đều sớm sớm triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể, giúp thương mại – dịch vụ tại địa phương phục hồi những tháng cuối năm.

Tại TPHCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết doanh số bán – buôn bán lẻ năm 2023 đạt 707.000 tỉ đồng, tăng gần 12% so với năm 2022. Chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố cũng tăng cao hơn cả nước. Còn xu hướng thương mại điện tử tăng trưởng mạnh khi doanh thu năm 2023 tăng khoảng 60%.

Tính chung, doanh thu thương mại dịch vụ trên địa bàn tăng trên trong đó doanh thu bán buôn bán lẻ đóng góp đáng kể. Một trong những giải pháp khác của TPHCM để hỗ trợ doanh nghiệp là tổ chức hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu, tạo cầu nối cho doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp, nhà mua hàng quốc tế.

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết từ quí 4-2023, sở đã chủ động tham mưu, trình UBND thành phố ban hành 28 chương trình, kế hoạch để tập trung triển khai nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn năm 2024.

Trong đó, về thương mại – dịch vụ, Sở Công Thương thành phố Hà Nội tập trung thực hiện nhiều giải pháp, như: tăng sức mua gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; khuyến mãi tập trung; tổ chức các phiên chợ Việt; phát triển các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm); thúc đẩy các hoạt động liên kết vùng; hỗ trợ quảng bá, kết nối cung – cầu với các tỉnh, thành phố trong cả nước; phát triển các mô hình kinh tế ban đêm…

Còn ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc thương mại và chiến lược của MM Mega Market Việt Nam, nêu thực tế khách hàng hướng đến sản phẩm có giá thấp hơn và tập trung vào giá trị sản phẩm. Ngược lại, nhà sản xuất không có kế hoạch sản xuất rõ ràng, thiếu dự báo sản xuất cụ thể và thông tin về các chương trình doanh nghiệp phân phối. Ngoài ra, sự thẩm thấu từ chính sách kích cầu, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm tiền sử dụng đất đến doanh nghiệp, người tiêu dùng vẫn chưa rõ ràng.

” Tất cả doanh nghiệp sản xuất chúng tôi tiếp xúc đều nói đến bài toán giảm chi phí kinh doanh và chấp nhận chương trình giảm giá kích cầu, đặc biệt là chương trình khuyến mãi tập trung giảm giá đến 100% của Sở Công Thương TPHCM đang triển khai. Riêng với MM, một trong những chiến lược trong năm nay là mong muốn hợp tác với nhà cung cấp, khách hàng để tăng trưởng tiêu dùng nội địa mạnh mẽ hơn, qua đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng, vực dậy thương mại nội địa trong Tết Nguyên đán và năm 2024″, ông Toàn nhấn mạnh tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2024.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trien-vong-phuc-hoi-cua-nen-kinh-te-trong-nam-2024-se-ra-sao/