Triển vọng nông thôn mới Cư K'nia

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bằng cách đa dạng cây trồng đồng thời thúc đẩy liên kết để sản xuất hàng hóa thông qua HTX đang giúp xã Cư K'nia (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) khơi dậy được sự hưởng ứng của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Thay vì trồng hoa màu, bà Nguyễn Thị Mai (thôn 12, xã Cư K’nia) đã chuyển đổi gần 3 sào đất sang trồng mướp đắng rừng. Điều làm bà Mai yên tâm nhất là thông qua HTX Thương mại cung ứng vật tư nông nghiệp của xã, những hộ trồng mướp đắng rừng như gia đình bà đã được hỗ trợ về giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Chỉ tính riêng từ tháng 6/2023 đến nay, bà Mai đã thu được 47 triệu đồng từ vườn mướp đắng rừng.

Khai thác tiềm năng thế mạnh

“Mướp đắng rừng rất hợp với điều kiện của địa phương. Nếu chăm sóc tốt, mỗi vụ trồng sẽ cho thu hoạch cả 6-7 tháng. Loại quả này lại được bao tiêu phục vụ chế biến thành trà dược liệu nên giá cả ổn định, không bấp bênh như những cây khác”, bà Mai chia sẻ.

Từ một vài mô hình ban đầu cho hiệu quả kinh tế, nhiều người dân trên địa bàn xã Cư K’nia đã liên kết với HTX để chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng mướp đắng rừng. Diện tích trồng mướp đắng rừng của xã hiện là 30ha và được đánh giá là cây có giá trị kinh tế cao, giúp người dân nâng cao thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.

Không chỉ phát triển trồng mướp đắng rừng, xã Cư K’nia còn phát triển trồng cà phê theo chuỗi giá trị hàng hóa. Trong đó, nổi bật là mô hình sản xuất của HTX Nông nghiệp Tiến Thành. Hiện, HTX sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn GAP và kết hợp đầu tư máy móc chế biến cà phê bột. Nhờ tích cực tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đến nay, HTX có hơn 100 ha cà phê mỗi năm thu hoạch hơn 300 tấn.

Ngoài ra, sản phẩm cà phê bột của HTX đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Mỗi năm, HTX sản xuất khoảng 3 tấn cà phê bột bán ra thị trường. Để bảo đảm chất lượng ở mức cao, HTX cũng áp dụng việc thu hái cà phê chín 100%. Các công đoạn như rang, xay, đóng gói cũng được áp dụng theo quy trình nghiêm ngặt.

Theo ông Bùi Xuân Nghĩa, Giám đốc HTX Tiến Thành, thành viên và người dân đã áp dụng nhuần nhuyễn việc chăm sóc không lạm dụng thuốc, phân bón và thu hái chín, phơi đúng cách. Tất cả các kỹ thuật trong sản xuất được HTX chủ động thực hiện nhằm đưa cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê thành đặc sản của địa phương. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của HTX nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và khẳng định giá trị nông đặc sản địa phương trên thị trường.

“Mục tiêu của HTX là xây dựng và tiếp tục phát triển sản phẩm cà phê sạch của xã Cư Knia trở thành thương hiệu riêng, và là sản phẩm OCOP để mang lại giá trị kinh tế cho nhiều người dân trên địa bàn xã”, ông Nghĩa cho biết.

Thu hoạch cà phê chín 100% là cách làm của HTX Tiến Thành nhằm xây dựng những sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Không chỉ dừng ở phát triển cà phê, xã Cư K’nia cũng rất quan tâm đến phát triển sản xuất lúa hàng hóa. Trong đó, việc thành lập tổ hợp tác lúa gạo Cư K’nia để chuyển đổi các giống lúa cũ sang trồng giống ST25 và sản xuất theo quy trình đồng bộ đã giúp việc tiêu thụ lúa của người dân được thuận lợi hơn. Hiện, tổ hợp tác này đang kết hợp cùng HTX Tiến Thành hỗ trợ bà con tiêu thụ lúa thông qua hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.

Thành quả ngọt ngào

Việc hình thành được các tổ hợp tác, HTX và đưa các mô hình này hoạt động hiệu quả đã chứng minh sự thành công trong liên kết sản xuất, phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới ở Cư K’nia.

Bởi theo định hướng của lãnh đạo xã, xây dựng nông thôn mới cần sức mạnh của tập thể. Nếu áp đặt người dân thì làm rất khó, nên phải làm sao để người dân hiểu được việc xây dựng nông thôn mới chính là từ những việc gần gũi, gắn liền với sản xuất sinh hoạt hàng ngày và họ chính là đối tượng trực tiếp hưởng lợi thì mới đạt được hiệu quả và sự đồng thuận cao.

Chẳng hạn như việc đoàn kết trong sản xuất nông nghiệp đã giúp người dân hiểu ra ý nghĩa của liên kết hàng hóa, hiểu ra vai trò của việc tham gia phát triển sản phẩm OCOP. Và khi có được hiệu quả từ phát triển kinh tế, người dân sẽ có nguồn tài chính để cùng địa phương hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.

Ông Lê Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã Cư K'nia, cho biết trên địa bàn xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên trước đây rất khó để họ hiến đất, bỏ thêm các nguồn lực khác làm đường, hoàn thiện hệ thống chiếu sáng, thu gom rác thải, xây dựng cơ sở hạ tầng... Nhưng nay khi các HTX phát triển, kinh tế hàng hóa thu được những hiệu quả tích cực, người dân có nguồn thu nhập ổn định, họ sẽ chủ động đóng góp công sức, tiền bạc, vật chất để cùng xã hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.

Tiêu biểu như nhận thấy làm đường là cần thiết để vận chuyển hàng hóa, thu hút doanh nghiệp về liên kết, không ít hộ đã hiến đất, đóng góp ngày công nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông. Đến nay, các con đường trong xã đã được bê tông hóa đồng bộ. Nhiều tiêu chí trong nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội của xã cũng được đánh giá cao như: giao thông, thủy lợi, điện, trường học, nhà ở dân cư...

Ông Lê Xuân Cường cho biết dù biết xây dựng nông thôn mới là nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh nhưng đó sự hỗ trợ cũng chỉ dừng ở mức độ nào đó. Địa phương vẫn cần huy động nguồn vốn xã hội hóa (doanh nghiệp và nhân dân địa phương) thì mới hoàn thiện được nhiều tiêu chí đòi hỏi về chi phí lớn, sức dân cao.

Tập trung vào du lịch nông thôn

Chính nhờ khơi dậy được sự hưởng ứng của người dân mà từ một xã nghèo với xuất phát điểm thấp, đến 4/2021, Cư K'nia đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt 43 triệu đồng/năm. Sản xuất nông nghiệp từ chỗ mang tính thuần nông nay đã chuyển sang theo hướng hàng hóa gắn với thị trường. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống dưới 3%.

Không dừng lại ở việc giữ vững các tiêu chí nông thôn mới, hiện xã tập trung nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao. Để làm được điều này, chính quyền địa phương xác định, xã có đặc thù là người dân tộc thiểu số sinh sống đông. Đa phần người dân là di cư từ phía Bắc vào, mang theo nhiều bản sắc văn hóa cộng với việc xã có điều kiện tự nhiên (có hồ đẹp, các chợ phiên...) nên có điều kiện thuận lợi để phát triển về du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.

Hiện hàng tuần, bà con có phiên chợ của người Mông thu hút nhiều người tham quan. Ngoài ra, xã cũng đang thành lập các câu lạc bộ đàn Tính, hát Then,… của nhiều đồng bào dân tộc khác nhằm tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Việc bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trong xã sẽ góp phần phát triển hình thức du lịch cộng đồng, tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc tại địa phương. Chính vì vậy, xã đang tích cực kết hợp với huyện đẩy mạnh đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch cho người dân. Đồng thời hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ số vào giới thiệu hình ảnh quê hương, dịch vụ du lịch, tiếp cận khách du lịch...

Cách làm này của Cư K'nia nhằm hướng đến thực hiện Quyết định số 922/QĐ-TTg về Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu hướng đến Cư K'nia sẽ là một trong những điểm du lịch hấp dẫn trong huyện, từ đó giúp huyện Cư Jút có ít nhất một chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù trong thời gian tới.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/trien-vong-nong-thon-moi-cu-k-nia-1095187.html