Triển vọng mở rộng phạm vi hợp tác Trung Quốc-GCC

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Saudi Arabia và quốc gia Trung Đông này là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của Trung Quốc.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman Al Saud (thứ 6, phải) hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 4, trái) tại Riyadh, ngày 8/12/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman Al Saud (thứ 6, phải) hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 4, trái) tại Riyadh, ngày 8/12/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Báo Arab News của Saudi Arabia đăng bài viết đánh giá về triển vọng hợp tác giữa Trung Quốc với Saudi Arabia nói riêng và các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) nói chung trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, năng lượng và đầu tư.

Theo bài viết, chuyến thăm chính thức Saudi Arabia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này để tham dự các hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo GCC-Trung Quốc và Arab-Trung Quốc phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Trong tuần này, Saudi Arabia tổ chức 4 hội nghị quan trọng. Ngoài hội nghị thượng đỉnh thường niên giữa các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), thì có ba hội nghị khác, gồm Hội nghị thượng đỉnh Saudi Arabia-Trung Quốc, Hội nghị thượng đỉnh GCC-Trung Quốc và Hội nghị thượng đỉnh Arab-Trung Quốc.

Củng cố quan hệ đối tác

Việc tổ chức các hội nghị thượng đỉnh ở Saudi Arabia sẽ củng cố vai trò lãnh đạo của Saudi Arabia đối với các mối quan hệ đối tác chiến lược khu vực. Kể từ năm 2015, thời điểm Quốc vương Salman lên ngôi, Saudi Arabia đã tổ chức một số cuộc họp như vậy giữa các nguyên thủ quốc gia. Mới nhất là ba hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Jeddah vào tháng 7/2022, với sự tham gia của Mỹ.

Chuyến thăm chính thức Saudi Arabia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này không phải là chuyến thăm đầu tiên của ông tới Vương quốc Arab vùng Vịnh này và các nhà lãnh đạo Saudi Arabia cũng đã từng đến thăm Trung Quốc trước đó. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo GCC-Trung Quốc và Arab-Trung Quốc lần đầu tiên được tổ chức.

Hội nghị thượng đỉnh Saudi Arabia-Trung Quốc chắc chắn sẽ củng cố quan hệ đối tác đang phát triển giữa hai nước và mở rộng phạm vi hợp tác giữa hai bên. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Saudi Arabia và quốc gia Trung Đông này là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, hai nước đang hướng tới mục tiêu phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương để thúc đẩy các dòng đầu tư lớn theo cả hai hướng.

Chiến lược Đầu tư Quốc gia năm 2021 và Chiến lược Công nghiệp Quốc gia năm 2022 của Saudi Arabia đều nhấn mạnh đa dạng hóa nền kinh tế và thúc đẩy phát triển lĩnh vực sản xuất. Trong kế hoạch "Tầm nhìn 2030", Saudi Arabia đang tìm cách tăng cường xuất khẩu hàng hóa phi dầu mỏ và dẫn đầu các nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Các mục tiêu này có thể được hưởng lợi từ việc hợp tác với Trung Quốc.

Sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực đang làm hồi sinh các mối quan hệ có từ xa xưa và tái định hình chúng trong thế giới hiện đại. Các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Bán đảo Arab cũng như khu vực Arab nói chung ít nhất đã có từ thế kỷ thứ bảy. Các hoạt động thương mại hàng hải tích cực giữa hai khu vực và thế giới Arab đã trở nên nổi bật trong sự phát triển của "Con đường Tơ lụa" cổ đại trên đất liền.

Các tài liệu tham khảo lịch sử đáng tin cậy ghi lại các chuyến thăm của du khách Trung Quốc đến Bán đảo Arab bắt đầu từ năm 650 sau Công nguyên, trong khi hàng chục phái đoàn chính thức của khu vực Arab đã đến Trung Quốc trong thế kỷ thứ tám, hình thành nên các mối quan hệ ngoại giao, thương mại và văn hóa tồn tại hàng thế kỷ.

Hội nghị thượng đỉnh GCC-Trung Quốc về hợp tác và phát triển tại Riyadh cũng sẽ tìm cách củng cố và tăng cường các mối quan hệ cũ và hiện đại. Hội nghị diễn ra gần hai thập kỷ sau khi GCC và Trung Quốc ký kết một thỏa thuận khung tại Bắc Kinh về hợp tác kinh tế, đầu tư và kỹ thuật vào năm 2004, tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán về hợp tác kinh tế và năng lượng.

Năm 2010, cũng tại Bắc Kinh, hai bên đã ký một biên bản ghi nhớ về thiết lập các đối thoại chiến lược thường kỳ ở cấp bộ trưởng ngoại giao và các quan chức cấp cao, bên cạnh các biên bản ghi nhớ riêng rẽ với các cơ quan chuyên môn của GCC.

Trong hai thập niên qua, bên cạnh việc tăng cường quan hệ song phương với các quốc gia thành viên GCC, Trung Quốc đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với tổ chức này. Kể từ năm 2014, hai bên đã thông qua kế hoạch hành động chung trên tất cả các lĩnh vực, từ đối thoại chính trị đến hợp tác kinh tế và giao lưu nhân dân.

Các kế hoạch đó ngày càng trở nên tham vọng và chi tiết hơn, góp phần vào việc thể chế hóa quan hệ đối tác của Trung Quốc với khu vực. Giới lãnh đạo Trung Quốc rất quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với GCC, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ vững chắc đối với vai trò của tổ chức này trong khu vực.

Tiến trình đàm phán về hiệp định thương mại tự do

GCC-Trung Quốc bắt đầu vào năm 2006 nhưng đã bị đình chỉ trong vài năm, do những khác biệt liên quan đến thương mại hóa dầu. Các cuộc đàm phán đã được nối lại trong những năm gần đây và đạt được tiến triển trong các tháng trước khi Hội nghị thượng đỉnh GCC-Trung Quốc diễn ra trong tuần này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trao đổi văn kiện về thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước với Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud (phải) tại Riyadh ngày 8/12/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trao đổi văn kiện về thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước với Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud (phải) tại Riyadh ngày 8/12/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với hầu hết các quốc gia thành viên GCC. Bước tiếp theo của Trung Quốc là nâng cấp mối quan hệ lên mức tương tự với GCC và mở rộng phạm vi hợp tác với tổ chức này ngoài thương mại.

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của GCC. Năm 2021, trao đổi thương mại hai chiều đạt 229 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng thương mại của GCC với thế giới bên ngoài.

Năm 1992, trao đổi thương mại GCC-Trung Quốc chỉ đạt hơn 2 tỷ USD, chiếm chưa đến 2% tổng thương mại của GCC với thế giới vào thời điểm đó. Trong khi đó, cũng trong năm 1992, trao đổi thương mại của GCC với các đối tác truyền thống là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ chiếm khoảng 40%.

Ngày nay, thị phần của Trung Quốc trong thương mại của GCC gần bằng thị phần của cả EU và Mỹ cộng lại. Xuất khẩu của GCC vào thị trường Trung Quốc trong năm ngoái đạt 131 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của GCC. Nhập khẩu của khối này từ Trung Quốc đạt khoảng 98 tỷ USD năm 2021, chiếm 21% tổng giá trị nhập khẩu của GCC.

Dầu mỏ đang chi phối hoạt động giao thương giữa Trung Quốc và GCC, với lượng dầu thô xuất khẩu của GCC sang Trung Quốc đạt 3,5 triệu thùng/ngày. Dầu mỏ chiếm khoảng 83% tổng giá trị xuất khẩu của GCC. Trung Quốc cũng là điểm đến của khoảng 25% tổng khối lượng hóa dầu và hóa chất được sản xuất tại GCC.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang GCC ngày càng đa dạng hơn. Thiết bị điện chiếm khoảng 36%, tiếp theo là ô tô, máy móc và phụ tùng, chiếm khoảng 26% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cả hai nền kinh tế Trung Quốc và GCC đều đang phát triển mạnh mẽ. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc dẫn đầu mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng GCC đã trở thành khu vực ghi nhận tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong năm nay.

Năm 2022, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của GCC sẽ lần đầu tiên vượt 2.000 tỷ USD. Mặc dù nhỏ hơn rất nhiều so với quy mô 18.000 tỷ USD của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng GCC là một thị trường đang phát triển mạnh mẽ.

Sự bổ sung cho nhau giữa GCC và Trung Quốc sẽ mở ra nhiều cơ hội để quan hệ đối tác về kinh tế giữa hai bên ngày càng phát triển, đặc biệt nếu Trung Quốc có thể đóng góp vào nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế và thúc đẩy đầu tư của các quốc gia GCC, nhất là thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất.

Các hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai bên dù còn hạn chế nhưng đang trên đà phát triển nhanh chóng. Lượng khách du lịch Trung Quốc đến thăm các quốc gia GCC được dự báo sẽ tăng lên 2,9 triệu lượt khách vào năm 2022, tăng 81% so năm 2018./.

Nguyễn Trường (P/v TTXVN tại Cairo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/trien-vong-mo-rong-pham-vi-hop-tac-trung-quoc-gcc/271410.html