Triển vọng mô hình cà phê bền vững ở Đắk Nông

Sau 3 năm triển khai, mô hình sản xuất cà phê hữu cơ bền vững tại Đắk Nông đã có kết quả tích cực, mở ra nhiều triển vọng cho ngành hàng cà phê.

Hội thảo đầu bờ về hiệu quả của mô hình sản xuất cà phê hữu cơ bền vững tại xã Tân Thành, huyện Krông Nô (Đắk Nông)

Thời gian qua, Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông triển khai Dự án Mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ tại Đắk Nông. Mô hình mang lại hiệu quả, hiệu ứng tích cực, giúp lan tỏa tinh thần sản xuất cà phê an toàn, chất lượng cao đến với người dân.

Gia đình ông Lữ Thành Thanh, xã Tân Thành, huyện Krông Nô (Đắk Nông) có hơn 2 ha cà phê. Trước đây, ông canh tác cà phê theo lối truyền thống, bón phân hóa học, phun trừ sâu bệnh nhiều. Điều này dẫn đến đất đai bạc màu, cây cà phê chóng già cỗi, năng suất không ổn định.

Ba năm qua, ông tham gia mô hình canh tác hữu cơ, vườn cà phê phát triển khá tốt. Cụ thể, chiều dài, số cành dự trữ của cây cà phê tăng lên, sâu bệnh hại giảm nhiều. Kết quả này là nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững.

Sản phẩm cà phê hữu cơ được HTX Phát triển nông nghiệp Công bằng Thanh Thái phơi, chế biến theo phương pháp honey

Còn gia đình bà Nông Thị Phíp, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô (Đắk Nông) cũng tham gia mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, bền vững. Bà Phíp cho hay, những năm trước, mỗi ha cà phê bà thu được 2,5 tấn. Sau khi tham gia mô hình, sản lượng cà phê tăng hơn 1 tấn/ha. Hạt cà phê đồng đều, lớn hơn, nên bán giá cao.

Theo ông Đặng Văn Dũng, xã Tân Thành, sản phẩm cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ được HTX Phát triển nông nghiệp Công bằng Thanh Thái thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 5.000-7.000 đồng/kg. Hiện nay, HTX thu mua toàn bộ sản phẩm cà phê của các nông hộ tham gia mô hình do WASI triển khai.

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông triển khai Dự án Mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, bền vững tại Đắk Nông , với diện tích 10 ha, gồm 10 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 322 triệu đồng.

Ông Phạm Tấn Minh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông cho biết, người dân tham gia dự án đã cung cấp sản phẩm cà phê chất lượng an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Điều này, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê sau thu hoạch, phát triển bền vững ngành hàng cà phê tại địa phương.

Cũng theo ông Minh, việc triển khai dự án canh tác cà phê hữu cơ, bền vững có nhiều thuận lợi. Các hộ tham gia dự án đều có đầy đủ nguồn lực để sản xuất cà phê bền vững.

HTX Phát triển nông nghiệp Công bằng Thanh Thái sơ chế vỏ cà phê để làm trà khô

Sản phẩm cà phê hữu cơ được phục vụ cho chế biến cà phê chất lượng cao. Vì thế, hiệu quả kinh tế đối với người sản xuất cà phê tăng lên rất nhiều. Sản xuất hữu cơ, bền vững sẽ giúp uy tín, sức cạnh tranh của sản phẩm cà phê Đắk Nông được cải thiện.

Đặc biệt, hiện nay HTX Phát triển nông nghiệp Công bằng Thanh Thái đang thử nghiệm sản xuất vỏ cà phê hữu cơ để tạo sản phẩm trà khô. Nếu thành công sẽ góp phần giúp Đắk Nông đa dạng hóa sản phẩm cà phê, tăng thu nhập cho người dân.

Hiện nay, ngành cà phê Đắk Nông đang xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích tập hợp thành nhóm hộ, câu lạc bộ, HTX để thực hiện liên kết sản xuất cà phê hữu cơ, bền vững. Do đó, việc WASI triển khai mô hình sản xuất cà phê hữu cơ, bền vững sẽ phù hợp với xu hướng phát triển ngành hàng cà phê của Đắk Nông hiện nay.

Theo Sở NN-PTNT, Đắk Nông đang có 140.000 ha cà phê, sản lượng đạt 240.000 tấn/năm, đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạ trên 400 triệu USD, chiếm 80% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Sản xuất cà phê đóng góp gần 35% GDP của tỉnh, tạo công ăn việc làm cho 105.000 lao động.

Văn Tâm

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/trien-vong-mo-hinh-ca-phe-ben-vung-o-dak-nong-190222.html