Triển vọng hợp tác giữa Nga và ASEAN

Diễn đàn Kinh tế quốc tế phương Đông lần thứ 8 (EEF 2023) diễn ra tuần qua tại thành phố Vladivostok, Nga đã cho thấy nhiều triển vọng hợp tác giữa Nga và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Quang cảnh phiên họp toàn thể EEF 2023 tại thành phố Vladivostok, Nga, ngày 12/9/2023. Ảnh: Điện Kremlin

Vì lợi ích chính đáng của người dân

Diễn ra từ ngày 10 đến 13/9, EEF 2023 quy tụ khoảng 7.000 đại biểu đến từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trọng tâm xuyên suốt của diễn đàn là các vấn đề hợp tác song phương và đa phương ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong khuôn khổ diễn đàn cũng diễn ra nhiều cuộc đối thoại kinh doanh để tìm ra cách tiếp cận mới và cùng nhau giải quyết những thách thức hiện tại. Tại diễn đàn năm nay, nhiều hợp đồng đầu tư hàng triệu USD đã được ký kết.

Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, EEF 2023 được tổ chức là minh chứng cụ thể cho sự thành công và uy tín quốc tế cao của diễn đàn. Đặc biệt, EEF trên thực tế đã tạo cơ hội quan trọng cho các doanh nhân, chính trị gia, người của công chúng và chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới tham gia đối thoại trực tiếp. Diễn đàn có truyền thống tìm cách giải quyết các vấn đề cấp bách nhất mà sự phát triển kinh tế, xã hội và cơ sở hạ tầng vùng Viễn Đông của Nga cùng nhiều khía cạnh hợp tác và hội nhập trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn đang phải đối mặt.

Truyền thông quốc tế bình luận, EEF là một trong những công cụ quan trọng và hữu hiệu trong việc tập hợp các nhà lãnh đạo, doanh nhân, chuyên gia kinh tế hàng đầu gặp gỡ trao đổi và đưa ra các quyết định có tầm quan trọng không chỉ đối với vùng Viễn Đông, mà còn với toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Con đường dẫn tới quan hệ đối tác, hòa bình và thịnh vượng".

Chủ đề này phản ánh mong muốn của Nga trong việc củng cố mối quan hệ mang tính xây dựng với tất cả các đối tác nước ngoài quan tâm. Đồng thời cho thấy, Nga hoàn toàn cởi mở trong việc đối thoại toàn diện về các vấn đề cấp bách của khu vực và có ý định tiếp tục tham gia tích cực vào các nỗ lực nuôi dưỡng quan hệ giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đóng góp vào một hệ thống dựa trên sự bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng, vì lợi ích chính đáng của mọi người.

Các phiên thảo luận tại diễn đàn đã tập trung vào triển vọng mở rộng hợp tác về thương mại, đầu tư, khoa học và công nghệ, xác định các cách thức để tạo ra các chuỗi sản xuất và hậu cần mới, hiệu quả cao, hiện đại hóa hệ thống giao thông và năng lượng, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực và môi trường trong khu vực.

Đáng chú ý trong khuôn khổ diễn đàn là phiên đối thoại giữa Nga và ASEAN - tổ chức khu vực được cộng đồng quốc tế đánh giá là thành công nhất thế giới. Đặc biệt, sự kiện diễn ra trong năm 2023, thời điểm Nga và ASEAN kỷ niệm 5 năm Quan hệ đối tác chiến lược. Trong quá trình chuyển đổi của hệ thống kinh tế toàn cầu hiện nay, Nga đặc biệt quan tâm đến việc tạo ra các động lực bổ sung để tăng cường và đa dạng hóa thương mại cũng như hợp tác kinh tế với ASEAN.

Các ưu tiên bao gồm đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, kinh tế tuần hoàn, các vấn đề môi trường, số hóa kinh tế, phát triển thành phố thông minh và tăng cường hợp tác trong khoa học và giáo dục. Các khu vực Viễn Đông của Nga có lợi thế cạnh tranh lớn trong nhiều ngành công nghiệp và nhờ vị trí địa lý, có thể biến sự hợp tác chặt chẽ hiện có với các nước Đông Nam Á thành các kết quả kinh tế, khoa học và giáo dục hữu hình.

Tại phiên đối thoại Nga - ASEAN, ông Sergey Katyrin, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga khẳng định, hai bên có rất nhiều tiềm năng phát triển hợp tác. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tỷ trọng thương mại song phương chỉ chiếm chưa đầy 1%. Cùng với đó, các diễn giả Nga tham dự cuộc đối thoại cũng nêu bật nhu cầu cần thiết hiện nay là tăng cường chuyển đổi số, xây dựng các thành phố thông minh, áp dụng các công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh hoạt động du lịch là những lĩnh vực có triển vọng tăng trưởng mạnh giữa Nga với ASEAN. Dù vậy, để các nỗ lực triển khai có hiệu quả, cần giải quyết những hạn chế nhất định như vấn đề thanh toán quốc tế, vận tải, lệnh trừng phạt đối với Nga...

Việt Nam có ảnh hưởng quan trọng đối với Nga

Tiến sĩ Alexander Korolev, chuyên gia về ASEAN của Trường Kinh tế cao cấp (HSE) - trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp nghiên cứu quốc gia - Liên bang Nga chia sẻ, trước sự cạnh tranh, Nga phải đưa một số định dạng, sản phẩm mới để tiếp cận thị trường ASEAN. Tiến sĩ Korolev chỉ ra rằng, trí tuệ nhân tạo và công nghệ cao là những lĩnh vực có thể trở thành động lực hợp tác giữa Nga và ASEAN, đặc biệt là thương mại điện tử, thỏa thuận về thương mại điện tử, các nền tảng giao dịch kỹ thuật số mà Nga phát triển trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á - Âu (EAE) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), hay những sản phẩm như sản phẩm của Công ty Kaspersky ở Nga, các công nghệ mới, các giải pháp đám mây...

Quang cảnh phiên đối thoại Nga - ASEAN tại EEF 2023. Ảnh: TTXVN

Cũng theo Tiến sĩ Korolev, Việt Nam là quốc gia quan trọng trong ASEAN vì chỉ có Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga. Liên quan tới lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, Tổng Giám đốc Công ty Nhà điều hành sinh thái Nga Denis Butsaev cho biết, đơn vị là công ty lớn của Nga chuyên về lĩnh vực này. Theo ghi nhận, một số quốc gia thành viên ASEAN hiện đang dành sự quan tâm đối với nền kinh tế tuần hoàn. Dự kiến trong giai đoạn cuối năm nay, công ty sẽ thảo luận vấn đề nghiên cứu, đánh giá, xây dựng cơ sở xử lý rác thải rắn và rác thải công nghiệp tại các thành phố lớn của Việt Nam.

Tại phiên đối thoại, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng Diễn đàn kinh tế quốc tế phương Đông tập trung vào rất nhiều nội dung là xu thế phát triển chung hiện nay của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Điển hình trong đó là việc sử dụng năng lượng hiệu quả để phục vụ cho phát triển; ứng dụng các mô hình kinh tế mới, như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh... Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, các nước quan tâm rất nhiều đến lĩnh vực chuyển đổi số để phục vụ cho đời sống, dân sinh và phát triển kinh tế.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cũng đánh giá cao việc Nga giới thiệu tiềm năng rất lớn của khu vực Viễn Đông cho các nước ASEAN, trong đó tập trung nhiều về lợi thế khu vực này như có vị trí địa chính trị tốt, hệ thống hạ tầng cơ sở đã được phát triển lâu dài, có thể kết nối rất nhanh với khu vực châu Á và ASEAN, vốn là vùng đất rất rộng lớn, tài nguyên thiên nhiên giàu có. Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, nhu cầu phát triển khu vực Viễn Đông của Nga là rất lớn, đặc biệt tập trung vào các cơ sở hạ tầng chiến lược như hệ thống cảng biển, giao thông, nhà ở, hệ thống vận tải...

Người dẫn đầu đoàn Việt Nam cho biết, qua thăm một số nơi có thể thấy, hàng hóa Việt Nam được bày bán ở rất nhiều siêu thị tại khu vực Viễn Đông của Nga. Đây là minh chứng cho lợi thế lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tăng cường hơn nữa hoạt động đầu tư, thương mại. Cơ hội phát triển kinh tế ở khu vực này không chỉ bó hẹp trong những lĩnh vực mà Việt Nam có truyền thống với Nga mà cả những lĩnh vực khác. Đồng thời, cơ hội không chỉ cho ASEAN, cho Việt Nam mà cả các quốc gia khác.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/trien-vong-hop-tac-giua-nga-va-asean-post466285.html