Triển lãm 'Đang xác thực': Những hiện vật từ bàn thờ

Hôm qua 4.11, tại Trung tâm Văn hóa Seong Dong (TP.Seoul, Hàn Quốc) diễn ra lễ khai mạc cuộc triển lãm đặc biệt mang cái tên gợi tò mò: 'Đang xác thực'. Triển lãm trưng bày các hồ sơ tư liệu về những vụ thảm sát lính Đại Hàn gây ra tại miền Trung trong chiến tranh Việt Nam.

Không gian cuộc triển lãm “Đang xác thực” diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Seong Dong (TP. Seoul, Hàn Quốc).

Hàng trăm hiện vật được thu thập từ gia đình, thân nhân của nạn nhân trong các vụ thảm sát, do các thành viên của Quỹ Hòa bình Hàn - Việt sưu tầm.

Một trong những hiện vật được người xem chú ý là cuốn hồi ký của ông Nguyễn Niệm, nạn nhân còn sống sót trong vụ thảm sát Bình Hòa, Quảng Ngãi vào 3.5 và 6.12.1966, trong đó có những vần thơ xót thương người vợ hiền và 3 đứa con đều bị lính Đại Hàn giết hại: “Trời ôi thật cảnh thảm đau/ Triều quân dùng cối phóng mau vào người/ Mẹ hiền đành phải chết tươi/Trẻ thơ mất mặt máu người hòa chung/ Thê lương mấy tiếng não nùng/ Trung liên lựu đạn nã đùng vào đây/ Chết mà xác chẳng toàn thây/ Người vùi dưới ruộng người thây ven rào…”. Sau vụ thảm sát, nhà cửa xóm làng bị đốt hết, ông Niệm không còn giữ được giấy tờ tùy thân hay một tấm ảnh nào của vợ con. Ngày hòa bình, ông tự vẽ một bức phác họa chân dung người vợ đã chết để làm ảnh thờ. Bức ảnh vẽ người phụ nữ 26 tuổi, da trắng, khuôn mặt trái xoan hiền lành, bên dưới đề “Nam Triều Tiên thảm sát ngày 25.10 Bính Ngọ” cũng có mặt trong triển lãm.

Một hiện vật khác là tấm thẻ căn cước của bà Trần Thị Nữ, nạn nhân vụ thảm sát Diên Niên - Phước Bình, Quảng Ngãi. Khi bà Nữ bị giết, người làng tìm thấy cái gói đựng thẻ căn cước trong túi áo bà. Gạt nước mắt đưa thi thể người mẹ xuống huyệt mộ, chị Nguyễn Thị Dương con gái bà chỉ còn một chiếc chăn rách đắp lên thi thể mẹ. Chị đã giữ tấm thẻ ấy như kỷ vật quý giá duy nhất về mẹ, để sau này con cái chị biết tên tuổi bà ngoại. Tấm thẻ ấy luôn được đặt trên bàn thờ bà.

Trong lịch sử nhân loại, con người và bản chất con người trở nên suy thoái không phải do ký ức mà do sự lãng quên. Chúng tôi nhận thức rõ rằng những nỗ lực để tránh sự lãng quên đã góp phần phát triển lịch sử loài người. Triển lãm lưu trữ lần này là một phần của những nỗ lực đó.
(Nhà văn Su Hae Sung- người lập kế hoạch cuộc triển lãm).

Và đặc biệt, 5 viên đạn còn lại từ thi thể người thân của ông Nguyễn Hữu Cả ở thôn Thọ Lâm, phường Hòa Hiệp Nam, Đà Nẵng gây xúc động mạnh đối với người xem. Ngày 4.5.1966, ông Cả cùng mẹ và 2 anh em ở lại trong làng, cha ông đã cùng những người đàn ông khỏe mạnh trốn ra biển hoặc ra đồng vì nghe tin có trận càn. Lúc 12h trưa, lính Đại Hàn tràn vào làng, một quả lựu đạn ném trúng người thông dịch khiến người này chết tại chỗ. Mẹ con ông Cả bỏ trốn trong đống rơm cách nhà 500m, những ai không kịp chạy trốn đều bị giết hại. Gia đình bên nội ông đã mất 12 người, nhà cửa bị thiêu rụi. Lúc chôn cất, 5 viên đạn trên thi thể những người đã chết được ông giữ lại đến ngày hôm nay.

Hàng trăm hiện vật, cũng là kỷ vật cuối cùng của những nạn nhân, đi thẳng từ bàn thờ người quá cố đến triển lãm. “Đang xác thực” - cái tên mang ý nghĩa đây là hồ sơ của các vụ thảm sát đang tiếp tục được công luận Hàn Quốc làm rõ, với mong muốn rằng một lịch sử sáng tỏ sẽ giúp các thế hệ sau không lặp lại sai lầm trong quá khứ, nhằm thiết lập một nền hòa bình vĩnh viễn với Việt Nam. Triển lãm là một trong nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam”, sẽ kéo dài đến ngày 21.11.2019.

PHÚC NGUYÊN

Nguồn Quảng Nam: http://baoquangnam.vn/xa-hoi/201911/trien-lam-dang-xac-thuc-nhung-hien-vat-tu-ban-tho-880116/