Triển khai toàn diện, hiệu quả hoạt động đền ơn đáp nghĩa và chính sách hậu phương quân đội

Xác định chính sách hậu phương quân đội và phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa' có vai trò quan trọng, trong suốt 75 năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong quân đội đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả hoạt động đền ơn đáp nghĩa và chính sách hậu phương quân đội, coi đây là trách nhiệm, tình cảm thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ toàn quân.

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/07/1947 – 27/07/2022), ngày 19/7, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Gặp mặt đại biểu người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang công tác trong quân đội.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi gặp mặt. Cùng dự có Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam… Đặc biệt, tham dự còn có các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và 150 đại biểu người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang học tập, công tác, lao động sản xuất ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.

 Đại tướng Phan Văn Giang trao quà của Bộ Quốc phòng tặng các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. (Ảnh: ĐT)

Đại tướng Phan Văn Giang trao quà của Bộ Quốc phòng tặng các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. (Ảnh: ĐT)

75 năm qua, dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội quan tâm thực hiện ngày càng tốt hơn. Quán triệt chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, công tác chính sách quân đội, hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ trong toàn quân, đạt hiệu quả thiết thực, trực tiếp góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và các đối tượng chính sách, người có công. Đồng thời, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc và sự trường tồn của dân tộc.

Xác định, chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” có vai trò quan trọng trong xây dựng hậu phương quân đội vững mạnh; tác động trực tiếp đến các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng, những người đã, đang công tác trong quân đội và lực lượng làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương, vì vậy, trong suốt 75 năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong quân đội đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả hoạt động đền ơn đáp nghĩa và chính sách hậu phương quân đội, coi đây là trách nhiệm, tình cảm thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ toàn quân.

Hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong quân đội những năm qua được triển khai cả bề rộng và chiều sâu, phát huy được trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; góp phần giáo dục truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Các hoạt động được thực hiện với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, như: Phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; hỗ trợ xây dựng “Nhà tình nghĩa”; thăm, tặng quà đối tượng chính sách và người có công với cách mạng nhân dịp lễ, Tết; tặng sổ tiết kiệm; thăm viếng, tu sửa, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí…

Tính riêng từ năm 2017 đến nay, các đơn vị trong toàn quân đã vận động cán bộ, chiến sĩ và huy động các nguồn đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 402 tỷ đồng; xây dựng hơn 4.028 Nhà tình nghĩa, số tiền hơn 302 tỷ đồng; phụng dưỡng 2.879 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, số tiền hơn 101 tỷ đồng; hỗ trợ gia đình quân nhân hy sinh, bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng số tiền hơn 8,4 tỷ đồng; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 400.000 lượt đối tượng chính sách, số tiền gần 20,4 tỷ đồng; tặng 2.849 sổ tiết kiệm cho đối tượng chính sách, số tiền hơn 10,8 tỷ đồng; tham gia tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ với 69.105 ngày công, số tiền hơn 12,5 tỷ đồng; tặng trang thiết bị y tế, trang thiết bị dùng chung cho các trung tâm nuôi dưỡng người có công và một số trung tâm điều dưỡng người có công; đỡ đầu Làng Hữu nghị Việt Nam; hỗ trợ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam số tiền hơn 54,8 tỷ đồng; đón 78 lượt đoàn người có công với cách mạng của các tỉnh đến thăm Bộ Quốc phòng; tuyển dụng, giải quyết và tạo việc làm cho 1.099 trường hợp là vợ, con liệt sĩ, con thương binh.

 Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng Tổ quốc ghi công tặng thân nhân các liệt sĩ. (Ảnh: ĐT)

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng Tổ quốc ghi công tặng thân nhân các liệt sĩ. (Ảnh: ĐT)

Để thân nhân của các đồng chí đã hy sinh anh dũng trong các cuộc kháng chiến chưa tìm kiếm quy tập được hài cốt yên lòng, những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chủ trương, giải pháp về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, sớm ban hành, bổ sung, hoàn thiện các chính sách về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Với tinh thần tích cực, chủ động, trách nhiệm cao, từ năm 1975 đến 2012, các đơn vị, địa phương trong toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập hơn 939.000 hài cốt liệt.

Đặc biệt, năm 2013, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 24; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1237 phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và Quyết định 150 phê duyệt Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, do vậy, công tác này được triển khai bài bản, đồng bộ, quyết liệt hơn; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách, công tác bảo đảm với nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, góp phần bảo đảm cho nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin thực hiện ngày càng hiệu quả hơn. Các địa phương, đơn vị đã tìm kiếm, quy tập được gần 18.000 hài cốt liệt sĩ. Bằng phương pháp thực chứng, phương pháp giám định ADN, các cơ quan chức năng đã thực hiện lấy hơn 38.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ; phân tích được 23.000 mẫu, góp phần phục vụ tích cực cho công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, được Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/07/1947 – 27/07/2022), toàn quân đã phát động đợt thi đua cao điểm “Uống nước nhớ nguồn, tri ân người có công với cách mạng”, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Ngoài một số hoạt động thường xuyên như hằng năm, kế hoạch hoạt động đền ơn đáp nghĩa dịp này tập trung vào các nội dung cơ bản: Tiếp tục tham gia phụng dưỡng, chăm sóc Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; hỗ trợ xây nhà tình nghĩa tặng người có công với cách mạng; tặng sổ tiết kiệm cho đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn; tặng quân phục, áo ấm cho thương bệnh binh; xem xét, tuyển dụng, giải quyết việc làm đối với thân nhân các đồng chí hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng, đấu tranh phòng, chống tội phạm; tổ chức gặp mặt, biểu dương người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang công tác trong quân đội.

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp măt. Ảnh: ĐT

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp măt. Ảnh: ĐT

Tại buổi gặp mặt, thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, thân nhân liệt sỹ và người có công đang học tập, công tác lao động sản xuất ở các đơn vị trong toàn quân, đặc biệt là 150 đại biểu người có công trong buổi gặp mặt.

Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh: Quán triệt, thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác chính sách đối với người có công và thân nhân liệt sỹ, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất với Đảng, nhà nước ban hành và triển khai thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công và chính sách hậu phương quân đội.

Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu các cán bộ, chiến sỹ trong toàn quân cần có nhận thức sâu sắc, đầy đủ về công tác chính sách quân đội, hậu phương quân đội và người có công. Coi đây là một nội dung quan trọng của cấp ủy Đảng, chỉ huy các cấp, để từ đó lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất, coi đó vừa là nhiệm vụ, vừa là tình cảm của cán bộ, chiến sỹ toàn quân.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Bằng Tổ quốc ghi công tặng 10 thân nhân liệt sĩ; Đại tướng Phan Văn Giang và đồng chí Võ Thị Ánh Xuân trao quà của Bộ Quốc phòng tặng 5 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; 10 thân nhân liệt sĩ.

Tại buổi lễ, Đại tướng Phan Văn Giang và Đại tướng Lương Cường trao Bằng khen của Bộ Quốc phòng tặng 150 đại biểu người có công, thân nhân liệt sĩ có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc./.

Đỗ Thoa

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/trien-khai-toan-dien-hieu-qua-hoat-dong-den-on-dap-nghia-va-chinh-sach-hau-phuong-quan-doi-615532.html