Triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học

Năm học 2023 - 2024, 2/3 cấp THPT học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những đòi hỏi về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, yêu cầu chuyển đổi từ dạy học theo hướng tiếp cận nội dung kiến thức sang tổ chức hình thành, phát triển năng lực cho người học trở nên rõ rệt hơn.

Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa trong một chuyên đề liên môn: Hóa - Sinh - Giáo dục địa phương, thực hành tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trước đó, Sở GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng đại trà Mo-đun 6, 7, 8 cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên cấp THPT theo hình thức bồi dưỡng trực tiếp.

Kết quả, đã có 360 cán bộ quản lý và 8.419 giáo viên tham gia bồi dưỡng với hơn 90% học viên đủ điều kiện cấp chứng nhận.

Năm học 2023-2024, học sinh lớp 10 và 11 cấp THPT học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; do đó, việc nâng cao chất lượng dạy học đáp ứng yêu cầu của chương trình được tích cực đẩy mạnh.

Từ kinh nghiệm của năm học trước, trong học kỳ I, Sở GD&ĐT đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến ở tất cả các môn học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Đã có 14 chuyên đề sinh hoạt tổ chuyên môn với các tiết dạy minh họa thuộc các môn: Tin học, Ngữ văn, Toán, Lịch Sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ nông nghiệp, Âm nhạc, tiếng Anh, Địa lý, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thực hiện.

Trong số các chuyên đề đó, có những chuyên đề được thực hiện bằng việc đưa giáo viên từ trường nội thành dạy cho học sinh trường ngoại thành, đồng thời kết hợp vừa dạy trực tiếp trên lớp vừa kết nối trực tuyến với học sinh một số trường khác trên địa bàn TP.

Cùng với các chuyên đề sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học do Sở GD&ĐT tổ chức, việc triển khai các chuyên đề đổi mới dạy học tại các cụm trường cũng đã có được những kết quả đáng trân trọng.

Về số lượng, đã có 38 chuyên đề cấp cụm, 287 chuyên đề cấp trường. Các chuyên đề đã đáp ứng được định hướng dạy học theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tiêu biểu như các cụm: Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng, Ba Đình - Tây Hồ.

Một điểm nổi bật trong việc thực hiện đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục là việc dạy học các môn học theo phương pháp giáo dục STEM và tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục STEM.

Theo Sở GD&ĐT, tính đến hết học kỳ I đã có 65 trường đưa STEM các hoạt động giáo dục một cách thường xuyên. Các trường THPT như: Tạ Quang Bửu, Lô-mô-nô-xốp, Khương Hạ, Bình Minh, Tân Lập, Hoàng Long, Chu Văn An, Kim Liên, Hoàng Cầu, Olympia, Phan Huy Chú - Đống Đa- là những đơn vị quan tâm và tổ chức được khá nhiều các tiết dạy theo định hướng STEM.

Cùng với đó, nhiều câu lạc bộ STEM trong các trường đã được hình thành và có sự phát triển mạnh mẽ, thu hút được sự tham gia của đông đảo học sinh; Ngày hội STEM - Công nghệ thông tin cũng được tổ chức thành công ở một số cụm trường. Đây là những minh chứng rõ nét cho việc tích cực đưa giáo dục trải nghiệm theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào trường học.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/trien-khai-nhieu-giai-phap-nang-cao-chat-luong-day-va-hoc.html