Triển khai nghị quyết về hoạt động giải trình

Sáng 19/3, tại Nhà Quốc hội diễn ra Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng để nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý nhà nước, quản trị xã hội và thực thi pháp luật nhằm làm rõ những vấn đề, vụ việc cụ thể, có tính chất thời sự bức xúc nổi lên trong thực tiễn đời sống xã hội.

Từ đó tăng cường trách nhiệm giải quyết của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Qua đó, đánh giá đúng, hiệu quả cơ chế phân công phối hợp, kiểm soát quyền lực Nhà nước của các cơ quan Nhà nước.

Tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, các cơ quan Quốc hội đã thực hiện được 33 phiên giải trình và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó có một số Ủy ban đã tổ chức được nhiều phiên giải trình như Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, việc tổ chức các phiên giải trình ngày càng có nhiều đổi mới, nâng cao trách nhiệm giải trình của các Bộ, ngành cũng như việc tổ chức thực hành, thực thi pháp luật và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, giúp làm rõ những vấn đề bất cập, bức xúc, những vấn đề nóng được cử tri và xã hội quan tâm, tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, đối tượng chịu sự giám sát trên các lĩnh vực. Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, quản lý Nhà nước, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giải trình của các cơ quan Quốc hội còn một số tồn tại, vướng mắc nhất định do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân của các quy định của luật mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa quy định cụ thể.

Nhiều nội dung cần thiết còn thiếu, gây khó khăn cho việc triển khai hoạt động giải trình, chưa có những quy định về trình tự, thủ tục thống nhất trong việc tổ chức triển khai nên chưa tạo được tính chủ động cho các chủ thể yêu cầu giải trình, người được yêu cầu giải trình và cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức hoạt động giải trình.

Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin mang tính phản biện, thiếu sự tham gia của các chuyên gia và các đối tượng chịu sự tác động của chính sách nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực của hoạt động giải trình.

Các phiên giải trình chưa tạo ra sự tác động lớn đến việc thay đổi, điều chỉnh chính sách, cách thức điều hành, quản lý, tổ chức thi hành pháp luật. Việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện các kết luận giải trình cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Để kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, giải trình tại phiên họp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 25/1/2024. Nghị quyết được ban hành có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát Quốc hội, là văn bản hướng dẫn, là cẩm nang trong hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Tại hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo một số nội dung chính của Nghị quyết; đại diện các bộ, ngành, các Ủy ban của Quốc hội thảo luận về việc triển khai thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh, năm 2024 là năm đầu tiên áp dụng các quy định của Nghị quyết 969. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giải trình theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng bộ, thống nhất, chủ động trong việc tổ chức hoạt động, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các nội dung Nghị quyết 969, chủ động nắm chắc tình hình, thu thập, tổng hợp thông tin trên cơ sở triển khai các hoạt động giám sát thuộc lĩnh vực phụ trách hoặc được Ủy ban thường vụ Quốc hội phân công để lựa chọn nội dung giải trình trong chương trình giám sát hàng năm của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Trong trường hợp các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, cần tổ chức giải trình mà chưa đưa vào kế hoạch đầu năm, phải tổ chức khẩn trương, bảo đảm tính thời sự với yêu cầu khắc phục ngay những bất cập, làm rõ hơn các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật, khắc phục hiệu quả, để đưa pháp luật đi vào cuộc sống với tinh thần giám sát nói chung và giải trình nói riêng để kiến tạo phát triển.

Nhấn mạnh giải trình cũng là một kênh để làm tốt sự phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, người tham gia giải trình làm rõ những vấn đề có liên quan, cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc thu thập đầy đủ thông tin nhiều chiều về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước.

Bên cạnh đó, vấn đề được lựa chọn, giải trình phải là những vấn đề nóng, bức xúc cần sớm giải quyết hoặc vấn đề mới phát sinh mang tính cấp thiết mà dư luận, cử tri và nhân dân quan tâm.

Lê Tuyết/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/trien-khai-nghi-quyet-ve-hoat-dong-giai-trinh-post1083529.vov