Triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông xuân 2023-2024

Ngày 22/11, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất vụ Đông xuân 2022-2023 và triển khai kế hoạch, những giải pháp chính sản xuất vụ Đông xuân 2023-2024.

Các đại biểu dự hội nghị.

Vụ Đông xuân 2022-2023, toàn tỉnh gieo trồng được gần 46.800 ha cây hàng năm. Trong đó, lúa trên 39.600 ha, năng suất đạt 66,8 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha so với vụ Đông xuân 2021-2022.

Đặc biệt, diện tích lúa cấy đã tăng đáng kể (chiếm 50% diện tích gieo cấy), riêng diện tích cấy máy trong vụ đạt 4.200 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Yên Khánh, Hoa Lư, Yên Mô, Tam Điệp.

Điều này đã giúp khống chế lúa cỏ, giảm đáng kể việc sử dụng thuốc trừ cỏ, giảm chi phí sản xuất. Về cơ cấu giống lúa cũng có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, tỷ lệ lúa chất lượng cao chiếm 77% tổng diện tích.

Cùng với cây lúa, vụ Đông xuân vừa qua, do thời tiết tương đối thuận lợi nên các cây rau màu, hoa quả cũng sinh trưởng, phát triển tốt, hầu hết năng suất đều tăng.

Thực hiện Nghị quyết 32/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, nhiều dự án, chương trình phát triển sản xuất trọng điểm được triển khai đem lại hiệu quả cao như: Dự án sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với tổng diện tích thực hiện hơn 2.000 ha; với chương trình cơ giới hóa trong sản xuất, 30 máy cấy có người lái, 300 máy cấy dắt tay, 12 máy bay không người lái đã được đưa vào ứng dụng trong sản xuất.

Ngoài ra còn có các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng như: Mô hình sản xuất rau quả tại xã Đồng Phong (Nho Quan); mô hình trồng sen Nhật ở huyện Hoa Lư; mô hình sản xuất rau, hoa ứng dụng cộng nghệ cao ở thành phố Ninh Bình

Hiện đã hình thành nhiều mối liên kết giữa HTX với các công ty cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV, doanh nghiệp thu mua sản phẩm tạo ra chuỗi giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Vụ Đông xuân 2023-2024, dự báo thời tiết sẽ có những diễn biến phức tạp, sâu bệnh, chuột hại phát sinh nhiều, trong khi lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục giảm do vậy sản xuất sẽ gặp không ít khó khăn.

Để đảm bảo giành thắng lợi, ngành Nông nghiệp xác định phải chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu vụ. Trong đó, phải đảm bảo tốt về cơ cấu trà lúa, giống lúa; tiếp tục đưa các giống mới triển vọng vào sản xuất; mở rộng diện tích gieo mạ khay, cấy máy, sản xuất theo hướng hữu cơ; thực hiện bón đúng, bón đủ và cân đối các loại phân bón; diệt chuột đồng bộ, theo dõi phòng trừ sâu bệnh kịp thời…

Toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 45.000 ha cây trồng hàng năm, trong đó cây lúa là trên 39.000 ha.

Tại hội nghị, Sở Nông nghiệp & PTNT cũng đưa ra Danh mục giống lúa mới, tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa khuyến cáo áp dụng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2024 để các đại biểu góp ý.

Ngoài ra, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để thảo luận về thời vụ, công tác làm đất, lấy nước, diệt chuột cũng các giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 32/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Nguyễn Lựu - Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/trien-khai-ke-hoach-san-xuat-vu-dong-xuan-2023-2024/d20231122095340518.htm