Triển khai hoạt động các Trung tâm Đổi mới sáng tạo xanh

Ngày 7/9, tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Sóc Trăng, Ban Quản lý (BQL) Dự án Các Trung tâm Đổi mới sáng tạo xanh (GIC) tỉnh tổ chức triển khai các hoạt động dự án năm 2022. Đến dự có đồng chí Lê Văn Đáng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Giám đốc Dự án GIC; lãnh đạo các đơn vị liên quan trực thuộc sở; lãnh đạo phòng kinh tế, phòng NN-PTNT các huyện, thị xã tham gia dự án.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: THÚY LIỄU

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: THÚY LIỄU

Dự án GIC được tổ chức GIZ (Đức) tài trợ, triển khai thực hiện tại 6 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Sóc Trăng; thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2025. Mục tiêu dự án là tập huấn ứng dụng quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, 1 phải 5 giảm (1P5G), IPM và MRL vào thực tiễn sản xuất. Hỗ trợ thay đổi tư duy của nông dân trồng lúa quy mô vừa và nhỏ từ “sản xuất theo số phận” sang “sản xuất, kinh doanh theo nhu cầu thị trường”.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu dự án đề ra và được triển khai tại tỉnh, UBND tỉnh đã thông qua quyết định thành lập BQL dự án. Tại tỉnh Sóc Trăng, dự án được triển khai tại 4 huyện là Châu Thành, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên và TX. Ngã Năm. Theo đó, trong năm 2022, BQL Dự án GIC tỉnh Sóc Trăng triển khai các công tác trọng tâm là tập huấn sản xuất lúa cho bà con nông dân, như: chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP tại các địa phương tham gia dự án; tập huấn kỹ thuật canh tác lúa 1P5G, IPM, MRP; tập huấn lớp học kinh doanh cho các hộ dân trồng lúa; tập huấn lớp học kinh doanh cho các hợp tác xã; hỗ trợ kèm cặp 5 hợp tác xã; triển khai mô hình trình diễn áp dụng kỹ thuật canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP; tính toán phát khí thải nhà kính và giám sát thu thập thông tin nông hộ.

Đồng chí Lê Văn Đáng thông tin, việc triển khai Dự án GIC trong sản xuất lúa trong năm 2022 tại các địa phương, sẽ góp phần giúp bà con nông dân áp dụng quy trình sản xuất lúa vào thực tiễn; nâng cao năng lực về kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính, quản lý rủi ro và các lựa chọn sản xuất bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã định hướng kinh doanh, liên kết tiêu thụ và quản lý tài chính. Xây dựng mô hình trình diễn áp dụng kỹ thuật canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP, để cung cấp bằng chứng trực quan và thực tiễn về phương pháp sản xuất lúa bền vững cho nông dân và cung cấp dữ liệu thực tế tại hiện trường, để đánh giá tác động, tính toán phát thải khí nhà kính…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/trien-khai-hoat-dong-cac-trung-tam-doi-moi-sang-tao-xanh-59221.html