Triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó với khô hạn

Hạn hán kéo dài với nền nhiệt độ cao diễn ra trong những ngày qua, cộng với lượng mưa đạt thấp hơn trung bình nhiều năm đang khiến hơn 1.400 ha lúa vụ hè thu trên địa bàn toàn tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nước.

Thiếu nước khiến nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng nặng. Ảnh: T.T

Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh Quảng Trị gieo cấy được hơn 22.000 ha lúa. Từ đầu vụ đến nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, gió Tây Nam xuất hiện sớm và có cường độ mạnh. Đợt nắng nóng cục bộ đã xuất hiện ở vùng đồng bằng vào giữa tháng 2, từ tháng 3 nắng nóng phát triển diện rộng và tính đến nay đã xuất hiện 10 đợt. Trong đó đáng chú ý nhất là 4 đợt kéo dài gần như liên tục trong tháng 5 sang nửa đầu tháng 6 làm cho nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân. Đợt nắng nóng từ ngày 5-13/5 ở vùng đồng bằng, trong đó có nhiều ngày nắng nóng xảy ra đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất lên tới trên 40 độ C. Với tình hình thời thời diễn biến phức tạp đã gây hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn toàn tỉnh.

Đến thời điểm hiện tại, dung tích hữu ích các hồ chứa còn lại khoảng 27,12% so với dung tích thiết kế. Một số hồ chứa dung tích rất thấp như: Triệu Thượng 1: 13,32%, Triệu Thượng 2: 13,71%, Ái Tử 31,45%, Nghĩa Hy 28,12%, Đá Mài 35,82%, Kinh Môn 29,20%, Trúc Kinh 32,35%, La Ngà 16,72%, Bảo Đài 21,30%, Bàu Nhum 20,03%.... Các kênh tiêu nội đồng như kênh tiêu Vĩnh Sơn thuộc hệ thống tưới La Ngà khô cạn không đủ nước cho các Trạm bơm Phan Hiền 1, Phan Hiền 2, Phan Hiền 3 bơm đồng thời nên phải bơm luân phiên. Kênh tiêu Tân Bích thuộc hệ thống Kinh Môn cũng đã cạn kiệt nước không đủ nước cho Trạm bơm Kinh Môn bơm tưới. Ông Trần Hữu Chính, ở thôn Huỳnh Xá Hạ, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh cho biết, thông thường khoảng 15-20 ngày sau khi gieo, ruộng đã được cấp nước thì vụ hè thu này, tròn một tháng, nước tưới mới được cấp về đến chân ruộng khu vực này. “Mọi năm, với vụ hè thu thì vào thời điểm này lúa đã có thể tỉa dặm và đẻ nhánh, năm nay hạn hán kéo dài, nước tưới khó khăn nên nhiều nơi lúa không sinh trưởng được. Giai đoạn này rất quan trọng, ảnh hưởng nặng như thế này thì sau đó người dân phải tốn công, sử dụng nhiều phân bón may ra mới vực được cây lúa đạt năng suất”, ông Chính nói.

Với tình hình khí hậu, thời tiết và nguồn nước bất lợi như trên đã gây hạn hán, thiếu nước với diện tích bị ảnh hưởng là khoảng 1.484 ha lúa. Trong đó huyện Vĩnh Linh 541ha, tập trung ở các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Hiền Thành, Vĩnh Hòa; huyện Gio Linh 847,1 ha, tập trung ở các xã Gio Mỹ, Gio Thành, Gio Phong, Trung Sơn; huyện Cam Lộ 75 ha, tập trung ở các xã Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Chính.

Trưởng Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Vĩnh Linh Nguyễn Đình Lục cho biết: “Giải pháp cấp bách trước mắt để cứu lúa là các xã tăng cường phối hợp với Xí nghiệp thủy nông Vĩnh Linh cân đối nguồn nước tưới, lịch tưới phù hợp, đồng bộ hơn. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp tưới khoa học, tưới tiết kiệm trên cây trồng, sử dụng tiết kiệm nước. Sử dụng các loại phân bón lá chuyên dùng nhằm kích thích lúa đẻ nhánh tập trung, rút ngắn thời gian sinh trưởng và tăng sức chống chịu của cây trồng đối với thời tiết bất lợi”.

Để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây lúa giai đoạn làm đồng, đẻ nhánh và vào cuối vụ, hạn chế thấp nhất diện tích bị khô cháy, mất trắng, thời gian qua Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi, các địa phương liên quan kiểm tra, rà soát, xây dựng và triển khai thực hiện ngay các giải pháp chống hạn từ nay đến cuối vụ sản xuất năm 2020. Đó là các hồ đập tiếp tục thực hiện tưới luân phiên để tiết kiệm nước, xả nước Bảo Đài xuống Sa Lung để hỗ trợ nước tưới cho hệ thống La Ngà. Các trạm bơm cuối nguồn tăng cường hoạt động luân phiên bơm tưới, nạo vét bể hút các trạm bơm, đắp chặn các trục tiêu để giữa nước bơm tưới. Tập trung điều tiết tối đa nước hồ Ái Tử, Trung Chỉ để tưới hỗ trợ cho Trạm bơm Vĩnh Phước, xả nước hồ Trúc Kinh xuống sông Cánh Hòm để tạo nguồn bơm tưới. Một giải pháp quan trọng khác để giải quyết tình trạng thiếu nước vụ hè thu hằng năm đối với nhiều diện tích trồng lúa ở các địa phương là vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 719,7ha đất trồng lúa sang cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao đối với những vùng thiếu nước.

Trong điều kiện diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, dự báo thời gian tới tiếp tục xảy ra nắng nóng, nguy cơ thiếu nước sản xuất và sinh hoạt rất cao nên việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chống hạn là yêu cầu cấp bách nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với vụ sản xuất hè thu 2020.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=149702