Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại

Năm 2019 khép lại, đây được xem là năm Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh An Giang có nhiều nỗ lực, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ nền sản xuất trong nước. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những vấn đề vừa nêu, phóng viên Báo An Giang đã phỏng vấn ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389 tỉnh.

Thường trực Ban Chỉ đạo 389 đi thực địa tại huyện Tịnh Biên

Ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang

Lực lượng công an bắt thuốc lá nhập lậu trong năm 2019

Phóng viên (P.V): xin ông cho biết, năm 2019, hoạt động đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được BCĐ 389 tỉnh triển khai, thực hiện như thế nào ?

Ông Huỳnh Ngọc Hồ: BCĐ 389 tỉnh xác định, hoạt động đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (PCBL, GLTM&HG) là công tác thường xuyên, lâu dài, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn cùng tham gia. Theo đó, các ngành chức năng và BCĐ 389 địa phương đã xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh và mở các đợt cao điểm hoặc theo từng mặt hàng nổi cộm khi có phát sinh.

Đơn cử như kế hoạch mở cao điểm đấu tranh CBL, GLTM&HG trên tuyến biên giới của Công an và Bộ đội Biên phòng; kế hoạch kiểm tra chuyên đề mặt hàng đường cát của Cục Quản lý thị trường; kế hoạch phối hợp chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về buôn lậu của BCĐ 389 TP. Châu Đốc; kế hoạch chống buôn lậu mặt hàng đường cát và thuốc lá của BCĐ 389 TX. Tân Châu.

Ngoài những kế hoạch, BCĐ 389 đã tiếp nhận thông tin và chỉ đạo xử lý các điểm nóng về buôn lậu qua phản ánh của các cơ quan thông tin đại chúng như: tình trạng phế liệu nhập lậu trên địa bàn xã Khánh An, huyện An Phú (báo Tuổi Trẻ); chỉ đạo BCĐ 389 huyện Tịnh Biên, TP. Châu Đốc có kế hoạch, giải pháp đấu tranh ngăn chặn ngay không để hình thành tụ điểm nóng, phức tạp (báo Người Lao động); có giải pháp xử lý, ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ trên địa bàn huyện Tịnh Biên, TP. Châu Đốc; chỉ đạo thực hiện các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng xe gắn máy vận chuyển thuốc lá phóng nhanh, vượt ẩu; xử lý, giải quyết kịp thời điểm nóng buôn lậu tại địa bàn xã Khánh Bình (An Phú); kiểm tra làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu đường cát; xử lý tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện An Phú...

P.V: từ những chỉ đạo kịp thời đó, xin ông chia sẻ những kết quả nổi bật của hoạt động này trong năm qua?

Ông Huỳnh Ngọc Hồ: các lực lượng chức năng từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố đã phát hiện 1.484 vụ vi phạm mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu (tăng 5,5% so cùng kỳ). Tổng trị giá hàng hóa bắt giữ trên 58,25 tỷ đồng (tăng 51% so cùng kỳ), trong đó: thuốc lá nhập lậu bắt giữ 802.439 gói (giảm 5% so cùng kỳ), đường cát nhập lậu bắt giữ 371.250kg (tăng 22,7% so cùng kỳ). Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu 11,43 tỷ đồng. Lực lượng chức năng khởi tố 22vụ/22 đối tượng (giảm 5 vụ/5 đối tượng), về hành vi “Mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu”, trị giá tang vật bị khởi tố trên 2 tỷ đồng.

Trong công tác chống sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại, các lực lượng đã kiểm tra phát hiện 27 trường hợp sản xuất - kinh doanh hàng giả (gồm giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, giả về chất lượng, công dụng). Hàng hóa vi phạm gồm: thuốc bảo vệ thực vật, giày dép, quần áo, bột ngọt, đồng hồ. Xử phạt vi phạm hành chính số tiền 516 triệu đồng và tịch thu tiêu hủy đối với hàng hóa vi phạm.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện và xử lý 28 trường hợp vi phạm về chất lượng ở mặt hàng phân bón, lúa giống, xăng dầu và 3 trường hợp sử dụng phụ gia ngoài danh mục trong chế biến thực phẩm (chất tạo màu và Tinopal). Xử phạt vi phạm hành chính, số tiền 790 triệu đồng.

P.V: có được kết quả vừa nêu, ông đánh giá thế nào về vai trò tham gia, giúp đỡ của quần chúng nhân dân đối với các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ?

Ông Huỳnh Ngọc Hồ: hoạt động đấu tranh PCBL, GLTM&HG được xác định là nhiệm vụ đầy khó khăn, phức tạp và lâu dài. Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ của mình, các lực lượng chức năng của tỉnh luôn xác định vai trò tham gia, giúp đỡ của quần chúng nhân dân là nhân tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả, kết quả của công tác này. Thực tế chỉ ra rằng: nếu không có sự tham gia phối hợp, giúp đỡ của quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh PCBL, GLTM&HG thì các lực lượng chức năng sẽ gặp nhiều khó khăn và khó có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bởi, phương thức và thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả rất tinh vi, phức tạp, tổ chức thành đường dây...

Do đó, khi chúng ta làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào công tác đấu tranh PCBL, GLTM&HG, nhân dân sẽ cung cấp kịp thời các thông tin liên quan có giá trị, tố giác các hành vi vi phạm, giám sát các hoạt động thương mại trên địa bàn cũng như hoạt động công vụ của các lực lượng thực thi, tạo được mạng lưới rộng khắp giúp công tác quản lý nhà nước nói chung, quản lý địa bàn, quản lý thị trường nói riêng của các cơ quan chức năng hoạt động hiệu quả hơn, tạo ra môi trường sản xuất - kinh doanh lành mạnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Tuy nhiên, thời gian qua, vai trò tham gia của quần chúng nhân dân vào công tác đấu tranh PCBL, GLTM&HG trên địa bàn chưa rộng khắp, chưa nhiều. Vì vậy, rất mong các cấp, ngành, nhất là từng hộ gia đình và mọi người dân tích cực tham gia nhiều hơn, sâu rộng và toàn diện hơn trong lĩnh vực này để giúp các cơ quan chức năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

P.V: An Giang là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác chống buôn lậu, vậy hệ thống này có tầm quan trọng như thế nào trong công tác PCBL, GLTM&HG?

Ông Huỳnh Ngọc Hồ: xuất phát từ thực tiễn của hoạt động đấu tranh PCBL, GLTM&HG, các hoạt động như: tra cứu, xác minh các đối tượng liên quan đến hoạt động buôn lậu, sản xuất - kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại (để phục vụ cho công tác quản lý, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, điều tra, xử lý...) thời gian qua gặp nhiều bất cập, mất nhiều thời gian do việc tra cứu thực hiện thủ công, chưa ứng dụng công nghệ thông tin nên thường chậm trễ, tính chính xác không cao, dễ bỏ sót các đối tượng có hành vi tái phạm, tội phạm... Do đó, cần khắc phục những hạn chế, bất cập về phương pháp trao đổi thông tin, tăng khả năng kết nối dữ liệu chung giữa các lực lượng trong toàn tỉnh, đáp ứng việc tra cứu để giúp công tác kiểm tra, xử lý được chính xác, nhanh chóng, kịp thời và khắc phục tình trạng chồng chéo về đối tượng kiểm tra trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm giữa các sở, ngành cũng như giảm áp lực cho các doanh nghiệp khi phải tiếp nhiều đoàn thanh tra...

Từ những mục đích, ý nghĩa quan trọng nêu trên, được sự chấp thuận của UBND tỉnh, BCĐ 389 tỉnh An Giang phối hợp Trung tâm Tin học (Sở Thông tin và Truyền thông) phối hợp xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu. Đến nay, Hệ thống cơ sở dữ liệu đã cơ bản hoàn chỉnh, đã tổ chức triển khai tập huấn và lấy ý kiến các ngành liên quan, để hoàn chỉnh và đưa vào vận hành.

P.V: xin ông chia sẻ những định hướng lớn trong công tác đấu tranh PCBL, GLTM&HG năm 2020 và những năm tiếp theo?

Ông Huỳnh Ngọc Hồ: Thường trực BCĐ 389 tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các ngành chức năng, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, UBND tỉnh về công tác PCBL, GLTM&HG; trong đó lưu ý các sở, ngành và BCĐ 389 các huyện, thị xã, thành phố khu vực biên giới có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc, các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, chủ động tổ chức lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới; phát hiện và xử lý các trường hợp kinh doanh, tàng trữ hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, giả mạo xuất xứ, hàng kém chất lượng; tuyệt đối không để phát sinh, tồn tại các điểm nóng trên địa bàn, các tổ chức, đường dây buôn lậu xuyên biên giới, xuyên tỉnh, xuyên huyện gây bức xúc trong nhân dân;...

Quan tâm đến công tác bảo vệ nội bộ, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, công chức thực thi nhiệm vụ; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho buôn lậu; thực hiện quy định việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa bàn nếu xảy ra vi phạm.

Đồng thời, BCĐ 389 tỉnh thường xuyên khảo sát các địa bàn dễ phát sinh điểm nóng, kiểm tra, giám sát và đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ PCBL, GLTM&HG tại các sở, ngành, địa phương; tổ chức khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất xuất sắc và nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm khi có sai phạm.

P.V: xin cám ơn ông !

MINH HIỂN (thực hiện)

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/trien-khai-dong-bo-cac-bien-phap-nghiep-vu-de-kiem-soat-ngan-chan-xu-ly-kip-thoi-hieu-qua-cac-hoa-a262922.html