Triển khai Đề án 06: Kết nối từ xa, tiện ích nhiều mặt

Là cơ quan thường trực thực hiện Đề án 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030'(gọi tắt là Đề án 06), Công an tỉnh thể hiện vai trò tiên phong trong tổ chức thực hiện, đem lại những tiện ích cho người dân.

Thực hiện thủ tục cấp hộ chiếu nhanh gọn

Đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh không còn thấy cảnh người dân xếp hàng chờ đợi để làm hồ sơ cấp hộ chiếu như trước. Chỉ có lác đác vài người luống tuổi đến nhận hộ chiếu tại đây. Trò chuyện với ông Phạm Thành An ở phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) đang ngồi xem điện thoại, ông bảo: “Các con tôi bảo hè này đưa bố đi du lịch nước ngoài nên đã hướng dẫn tôi làm hộ chiếu, khai hồ sơ, thủ tục trên mạng Internet tại nhà. Hộ chiếu được chuyển phát đến tận nhà nếu đăng ký nhận qua bưu điện nhưng nhà tôi gần đây, tiện thì ra lấy trực tiếp, không phiền hà gì đâu”.

Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh hướng dẫn người dân gửi hồ sơ trực tuyến.

Thượng tá Nguyễn Thế Cường, Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thông tin: Công dân có căn cước công dân gắn chíp, số điện thoại chính chủ, chỉ với chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nối mạng Internet, ở bất cứ đâu cũng có thể làm được thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông. Năm 2023, Phòng làm thủ tục cấp hộ chiếu trực tuyến cho khoảng 60.000 người. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số công dân đến làm trực tiếp, nếu không cẩn trọng dễ bị "cò" dẫn dụ mất tiền oan.

Để nâng cao hiệu quả công tác cấp hộ chiếu, giúp người dân tiết kiệm thời gian đi lại và kinh phí không cần thiết, từ ngày 1/3 đến 31/5/2024, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh triển khai đợt cao điểm tuyên truyền, hướng dẫn công dân đăng ký cấp hộ chiếu qua Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trung bình mỗi ngày Phòng tiếp nhận khoảng 300 hồ sơ trực tuyến, trong đó có nhiều sinh viên quê Bắc Giang đang học tập tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Một sinh viên cho biết: “Chúng em đi học không được nghỉ giờ hành chính nên việc về quê làm hộ chiếu là rất khó. Vào Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, chỉ cần đăng ký tài khoản, đăng nhập theo hướng dẫn, điền đủ thông tin đề nghị cấp hộ chiếu theo mẫu tờ khai, địa chỉ Email, tải ảnh chân dung, nhận hộ chiếu chuyển qua dịch vụ bưu điện là đến được tận nhà trọ nên rất thuận lợi”.

Trao đổi với Đại úy Giáp Thị Cẩm Vân, cán bộ tiếp nhận hồ sơ được biết, trong quá trình thao tác có thể gặp sai sót, lỗi kỹ thuật, số điện thoại không chính chủ, chụp ảnh sai quy cách hoặc những trường hợp người có tuổi không thạo công nghệ thông tin, khi liên hệ qua điện thoại, cán bộ sẽ hướng dẫn người thân, con cháu làm giúp, hỗ trợ tại nhà. Điều này vừa tránh phải đi lại phức tạp, có thể làm vào bất kể thời gian nào trong ngày. Bởi nếu công dân đến cơ quan vẫn phải chờ đợi, nhập dữ liệu vào máy. Khi làm hồ sơ trực tuyến, người dân có thể nắm bắt được hồ sơ của mình đã được xử lý đến đâu và biết rõ thời gian nhận được kết quả. Ngoài ra, việc thực hiện thủ tục làm hộ chiếu qua dịch vụ công trực tuyến còn được ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại và bảo mật.
Cắt giảm nhiều loại giấy tờ

Trong số 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu triển khai theo Đề án 06 phục vụ người dân và doanh nghiệp, lực lượng Cảnh sát Quản lý về trật tự xã hội thực hiện 10/10 thủ tục. Cụ thể là: Xác nhận số chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ căn cước công dân; Cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân; Đăng ký thường trú; Đăng ký tạm trú; Khai báo tạm vắng; Thông báo lưu trú; Thủ tục làm con dấu mới và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; Thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu; Liên thông đăng ký khai sinh đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú -Trợ cấp mai táng phí.

Người dân quét mã QR thực hiện các thủ tục hành chính tại Công an thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động).

Riêng 2 dịch vụ công liên thông: “Đăng ký khai sinh – Đăng ký thường trú – Cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” được thực hiện đã cắt giảm tối thiểu 9 loại giấy tờ, người dân chỉ khai báo thông tin một lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính.

Năm 2023, toàn tỉnh có 314.921 trường hợp thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến lực lượng công an . Riêng hai dịch vụ công liên thông: “Đăng ký khai sinh – Đăng ký thường trú – Cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” đã thực hiện cắt giảm tối thiểu 9 loại giấy tờ, người dân chỉ khai báo thông tin một lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính.

Được biết, năm 2023, toàn tỉnh có 314.921 trường hợp thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến lực lượng công an thì có đến 303.638 trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến, bằng 96,41%. Ông Lương Ngọc Long ở thôn An Thịnh, xã Tiền Phong (Yên Dũng) có phòng trọ cho công nhân thuê cho biết: “Gia đình tôi thực hiện tích hợp tài khoản định danh điện tử đã giúp cho việc hỗ trợ thông báo lưu trú nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định; bảo đảm các yêu cầu về an ninh, an toàn theo quy định của Bộ Công an. Chỉ vài thao tác đơn giản trên máy tính hay thiết bị di động, hồ sơ đã được gửi tới cơ quan công an tiếp nhận giải quyết. Việc thực hiện không phát sinh thêm giấy tờ, thủ tục như cách làm truyền thống; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm công sức và thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho gia đình”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai phần mềm ASM cung cấp các tiện ích giúp các cơ sở kinh doanh lưu trú, cơ sở khám chữa bệnh tự động thông báo trực tuyến thông tin người lưu trú đến cơ quan công an cấp xã. Hệ thống ASM được kết nối, thông suốt dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp cho dữ liệu quản lý được thống nhất, xuyên suốt tới từng cơ sở lưu trú. Đồng thời hỗ trợ nhanh chóng, chính xác cho cán bộ công an trong việc quản lý cơ sở, khách lưu trú, giảm thời gian nhập liệu. Thống kê cho thấy công an các địa phương đã thực hiện tiếp nhận thông báo lưu trú qua dịch vụ công trực tuyến đối với 100% cơ sở cho thuê lưu trú trên địa bàn.

Công an tỉnh tập huấn, triển khai cho các cơ sở kinh doanh lưu trú thực hiện phần mềm ASM với tổng số 610 tài khoản. Đến ngày 14/3/2024, toàn tỉnh đã phát sinh 44.051 trường hợp thông báo lưu trú qua phần mềm này. Tương tự, các cơ sở y tế đã phối hợp với cơ quan công an thực hiện việc khai báo lưu trú trên ứng dụng định danh quốc gia VNeID, phần mềm ASM. Hiện có 24/31 bệnh viện trong và ngoài công lập, trung tâm y tế các huyện thực hiện khai báo lưu trú trên ứng dụng định danh quốc gia VNeID để phục vụ công tác phòng ngừa tội phạm, quản lý cư trú; với tổng số gần 20 nghìn lượt khai báo.

Tỉnh Bắc Giang được Bộ Công an đánh giá là địa phương tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, triển khai có hiệu quả Đề án 06 vào thực tiễn. Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cấp căn cước công dân gắn chíp, định danh điện tử, tạo tiền đề triển khai các dịch vụ công vụ trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu về dân cư; đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, nhiệm vụ của Đề án 06 cũng như xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình trong triển khai, thực hiện đối với nhiệm vụ của ngành.

Bài, ảnh: Tuấn Minh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/trien-khai-de-an-06-ket-noi-tu-xa-tien-ich-nhieu-mat-085208.bbg