Triển khai bảo hiểm nông nghiệp ra diện rộng

Theo đề xuất mới nhất của liên bộ Tài chính - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), việc tiếp tục triển khai bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) ra diện rộng đang dần trở thành hiện thực trên nguyên tắc tự nguyện, cơ sở sản xuất nào đủ điều kiện thì đều được tham gia bảo hiểm; yêu cầu cao nhất là phải kiểm soát được rủi ro và trục lợi bảo hiểm, được các nhà tái bảo hiểm chấp nhận…

Ngóng chờ bảo hiểm

Đã ba năm trôi qua kể từ ngày nhận được tiền bồi thường bảo hiểm cho vụ tôm thất bát năm 2013, chị Nguyễn Thị Đẹp ở xã Lương Thế Chân cùng với người dân huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, vẫn ngày đêm ngóng chờ chủ trương của Nhà nước cho phép thực hiện tiếp tục bảo hiểm thủy sản. Ba năm - khoảng thời gian đủ cho gần mười vụ nuôi tôm đã trôi qua, xen giữa những vụ nuôi thành công là những vụ mất trắng vì dịch bệnh, vì thiên tai địch họa. Trong sự phập phù, phụ thuộc nhiều vào thời tiết ấy, chị Đẹp chỉ biết hy vọng chương trình BHNN sớm được áp dụng trở lại với con tôm, con cá, bởi hơn ai hết, chị thấu hiểu những lợi ích mà loại hình bảo hiểm này mang lại cho người nông dân vùng đất Mũi. Mà không chỉ riêng người nuôi tôm công nghiệp tại Cà Mau, tại các địa bàn trọng điểm nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long, mùa mưa kéo dài bất thường đã khiến người nuôi tôm đứng ngồi không yên. Trong nỗi lo "mất mùa" nước nổi, người nuôi tôm thấp thỏm mong chờ được nối lại chương trình BHNN mà Chính phủ đã thực hiện thành công.

Theo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), sau ba năm thực hiện thí điểm (2011 - 2014), chương trình BHNN đã thu hút các hộ dân ở các địa phương được chỉ định tham gia nhiệt tình. Trong đó, bảo hiểm cây lúa có 236.396 hộ nông dân tham gia; bảo hiểm vật nuôi thu hút 60.133 hộ nông dân tham gia; bảo hiểm thủy sản có 7.487 hộ nông dân tham gia. Quá trình thí điểm đã thực hiện bồi thường bảo hiểm kịp thời cho các hộ khi xảy ra tổn thất do rủi ro thiên tai, dịch bệnh, qua đó góp phần giúp các hộ dân ổn định đời sống, tiếp tục sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền hơn 700 tỷ đồng. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện chính sách BHNN, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mở rộng đối tượng BHNN cho những vùng có điều kiện khó khăn nhưng có lợi thế đối với sản phẩm cụ thể - Phó Cục trưởng Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Phạm Thu Phương cho biết.

Thực hiện sự chỉ đạo này, liên bộ Tài chính - NN-PTNT tổ chức làm việc với một số địa phương để thảo luận, làm rõ những điều kiện, yêu cầu cần thiết để có thể tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm trong lĩnh vực thủy sản. Sau thời gian thí điểm, chính sách tài chính trong chương trình BHNN đã được hoàn chỉnh như: cơ chế chính sách tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), các quy định hồ sơ, thủ tục và quy trình hỗ trợ thực hiện thí điểm BHNN; bộ quy tắc, biểu phí về các sản phẩm bảo hiểm… đã được hoàn chỉnh. Chính vì thế, những hộ dân tham gia thí điểm BHNN đã nhận được tiền đền bù thiệt hại tương đối kịp thời, sát thực, giúp họ khắc phục khó khăn, tiếp tục sản xuất.

Doanh nghiệp lỗ nặng

Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình thí điểm BHNN cũng đã đặt ra những vướng mắc, khó khăn cần giải quyết. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, số lượng hộ dân tham gia bảo hiểm chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo (chiếm 76,8%), số hộ thường tham gia còn ít. Hộ nghèo và cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 90% đến 100% phí bảo hiểm cho nên nhiệt tình tham gia vì không mất chi phí mà vẫn được hưởng lợi từ chương trình; nhưng đối với hộ thường, tỷ lệ tham gia còn ít vì đây là sản phẩm còn mới đối với Việt Nam. Phạm vi bảo hiểm thực hiện tại mỗi tỉnh là ba huyện, mỗi huyện là ba xã do Bộ NN-PTNT thôn lựa chọn. Phạm vi này chưa bảo đảm nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm là lấy số đông bù số ít, thí dụ, tỉnh Bạc Liêu có 1.465 hộ tham gia bảo hiểm, tổng phí bảo hiểm là 56,8 tỷ đồng, trong khi đó số tiền bồi thường là 190,3 tỷ đồng.

Ngay như việc chăn nuôi, nuôi thủy sản cũng có những quy trình mang tính khoa học, kỹ thuật cao, tuy nhiên thực tế không đáp ứng được, thí dụ như quy trình nuôi trồng thủy sản yêu cầu phải có cống cấp và thoát nước riêng biệt, bảo đảm chắc chắn không rò rỉ; khử trùng nước trước khi thả con giống; bổ sung vi sinh có lợi và gây màu nước; kiểm tra độ kiềm, PH, độ mặn, nhiệt độ thích hợp; hàm lượng ô-xy hòa tan và các chỉ tiêu của nguồn nước đạt tiêu chuẩn... Tuy nhiên, trong thực tế, khó khăn nhất là tất cả các đìa nuôi tôm, cá đều chung một đường nước vào, ra - Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.

Đồng quan điểm này với Bộ NN-PTNT, đại diện các DNBH cũng cho biết thêm, ngay cả việc công bố bệnh dịch và xác nhận bệnh dịch làm căn cứ để bồi thường cũng có khó khăn. Theo quy định của Bộ NN-PTNT, UBND cấp tỉnh công bố bệnh dịch theo quy định của pháp luật nhưng nhiều địa phương quy mô bệnh dịch chưa đến mức phải công bố; mặt khác các địa phương đều e ngại công bố bệnh dịch, vì vậy chủ yếu là xác nhận bệnh dịch. Việc xác định bệnh dịch gặp khó khăn do có một số bệnh dịch mới, chỉ căn cứ vào triệu chứng lâm sàng để công bố, không phải xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Đây là điểm rất khó để nhà tái bảo hiểm quốc tế chấp thuận bồi thường, và thực tế là nhà tái bảo hiểm bị lỗ gần 15 triệu USD (chưa tính chi phí quản lý của DN). Với cơ chế như hiện tại, các nhà tái bảo hiểm sẽ khó có thể tiếp tục nhận tái bảo hiểm. Trường hợp họ nhận tái bảo hiểm thì phải điều chỉnh mức phí bảo hiểm rất cao, điều này sẽ làm tăng chi phí hỗ trợ của ngân sách nhà nước và tăng chi phí đối với hộ dân (hộ thường). Mặt khác, công tác chỉ đạo có nơi chưa quyết liệt, trong một số trường hợp, các DNBH và các hộ dân đã thống nhất mức bồi thường, song các hộ dân vẫn có đơn thư khiếu kiện đòi bồi thường cao hơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Bảo Minh Phạm Xuân Phong thẳng thắn.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt Nguyễn Quang Hưng cũng nhận xét, kết quả kinh doanh bảo hiểm thủy sản là rất xấu với tổng số tiền bồi thường (bao gồm cả dự phòng bồi thường) lên tới gần 690 tỷ đồng, gấp hơn ba lần so với tổng số phí bảo hiểm thủy sản thu được. Nguyên nhân là do không quản lý và kiểm soát được rủi ro bảo hiểm. Thêm vào đó, do triển khai bảo hiểm đại trà cho tất cả các hộ nông dân đã dẫn tới việc nhiều hộ không tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi trồng đã ban hành, và các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như các cơ quan chức năng liên quan không thể kiểm soát được việc này - ông Hưng chia sẻ.

Giao quyền tự quyết cho doanh nghiệp

Thí điểm thực hiện bảo hiểm trong nông nghiệp có mục đích chính là hình thành các sản phẩm để triển khai ra diện rộng. Đây là loại hình bảo hiểm mới, rất phức tạp, lần đầu làm thí điểm, nên chưa có nhiều kinh nghiệm. Địa bàn triển khai rất rộng, trải dài hơn 20 tỉnh, thành phố,… cùng với tần suất rủi ro thiên tai, dịch bệnh xảy ra dày đặc, đa dạng, mỗi nơi mỗi khác, diễn biến bất thường, nguồn nước rất dễ bị ô nhiễm, gây phát sinh bệnh dịch... là những nguyên nhân khách quan tác động tới hiệu quả của chương trình thí điểm. Tuy nhiên, về chủ quan, mặc dù đã có điều chỉnh nhưng chính sự phối kết hợp giữa các cơ quan ở các địa phương chưa chặt chẽ, đặc biệt trong công tác giám sát các hộ dân tuân thủ quy trình, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng… đã là rào cản chính khi mở rộng cả quy mô lẫn địa bàn. Bên cạnh đó, cách thức triển khai thí điểm còn mang tính bao cấp cũng khiến việc triển khai sau giai đoạn thí điểm gặp khó khăn.

Chính vì vậy, các chuyên gia, DNBH và cơ quan quản lý nhà nước đều cho rằng, để tiếp tục triển khai ra diện rộng, việc cần làm đầu tiên là kết thúc giai đoạn thí điểm, thực hiện theo cơ chế thị trường, tự nguyện giữa người tham gia bảo hiểm và DNBH. DNBH tự cân đối tài chính, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh, Nhà nước không bù lỗ cho DNBH mà chỉ cần có chính sách hỗ trợ người được bảo hiểm là hộ nghèo nhưng không nên theo tỷ lệ 100% để tránh tâm lý ỷ lại. Người được bảo hiểm phải đóng góp một phần phí bảo hiểm để tăng trách nhiệm kiểm soát rủi ro. Với cách làm này, BHNN sẽ được triển khai theo nguyên tắc tự nguyện, không giới hạn phạm vi địa bàn và đối tượng bảo hiểm, bảo đảm công bằng, minh bạch cho người tham gia bảo hiểm trên địa bàn cả nước. Bởi, nếu không thực hiện nguyên tắc này mà tiếp tục triển khai bảo hiểm thủy sản đại trà cho tất cả các hộ nông dân như trước đây thì DNBH chỉ có thể bảo hiểm rủi ro thiên tai, không bảo hiểm được rủi ro dịch bệnh. Hoặc nếu tiếp tục bảo hiểm rủi ro dịch bệnh thì chỉ bảo hiểm cho những rủi ro dịch bệnh kiểm soát và xác định được, đồng thời sẽ xem xét lại thang bảng tỷ lệ bồi thường. Khi đó, người thiệt hại vì không đủ điều kiện tham gia bảo hiểm lại chính là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, trong khi bảo hiểm tôm nước lợ đang là vấn đề rất nóng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng như vấn đề đối phó với khả năng trục lợi bảo hiểm.

Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước năm 2016 và dự kiến năm 2017 rất khó khăn, Vụ Ngân sách nhà nước đề nghị cần quy định các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ hộ nghèo mua phí BHNN, mức hỗ trợ thấp nhất không thấp hơn 20% và cao nhất không quá 50% phí BHNN.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31394102-trien-khai-bao-hiem-nong-nghiep-ra-dien-rong.html