Trích ý kiến của một số nhà quản lý khoa học về quan điểm của GS. Vũ Cao Đàm

Thay đổi mối quan hệ giữa Nhà nước và nhà khoa học từ chủ - thợ sang quan hệ đối tác; Phải thay đổi cơ chế cứng nhắc và xác định đúng trách nhiệm; Việt Nam thiếu nhân lực và hệ sinh thái cần thiết để các viện có thể tự chủ về tài chín; Đổi mới triết lý và hệ thống quản trị quốc gia.

Thay đổi mối quan hệ giữa Nhà nước và nhà khoa học từ chủ - thợ sang quan hệ đối tác

Có nhiều con đường đưa nền khoa học Việt Nam tới vị trí thua kém so với các nước khác trên thế giới. Trong những nẻo đường đó có một ngả là cách cung cấp tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học không được điều chỉnh và vẫn giữ nếp từ thời kế hoạch hóa tập trung.

Hiện nay chính phủ vẫn đang đóng vai trò như một “ông chủ”, trực tiếp giao kinh phí, nhiệm vụ và đặt ra các yêu cầu cho giới khoa học để thực hiện các mục tiêu chính trị-xã hội của mình. Quan hệ “chủ-thợ” này được xác lập không chỉ trong hoạt động nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu khoa học xã hội, mà cả trong các khoa học ứng dụng, khoa học thực nghiệm. Nguồn tài chính này chủ yếu là để cung cấp cho các tổ chức nghiên cứu khoa học của khối nhà nước sở hữu.

Khi xã hội chuyển sang cơ chế thị trường, quan hệ chủ-thợ đã trở thành lỗi nhịp. Nó không phản ánh người chủ cuối cùng của ngân sách là công dân được chính phủ đại diện để đặt hàng cho các tổ chức nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng nhu cầu của mình về tri thức khoa học. Quan hệ này ôm đồm việc đặt hàng cho giới khoa học kỹ thuật, khoa học ứng dụng có người dùng là giới doanh nghiệp, mà lẽ ra họ phải đặt hàng và trả tiền cho giới nghiên cứu. Quan hệ này cũng tạo nên sự lệ thuộc và tính thụ động của giới khoa học, tạo ra một kho các công trình nghiên cứu được nghiệm thu là ưu tú mà không có địa chỉ ứng dụng, tạo ra một giới khoa học gia yếu sức cạnh tranh và có chỗ đứng thấp trên các diễn đàn quốc tế, và hầu như không có công bố quốc tế.

Hơn một thập niên vừa qua, cho dù đã có chủ chương, cũng dễ hiểu là các cơ quan nghiên cứu khoa học không có động lực để chuyển dịch sang tự chủ nghiên cứu. Lý do là họ không phải và không có nhu cầu phải tự chủ về tài chính, khi thường xuyên được cấp kinh phí để hoạt động mà không phải đua tranh để dành các hợp đồng tài trợ nghiên cứu, cũng như không phải đua tranh về tính mới, tính khả thi hoặc tính thực tiễn khi thiết kế nghiên cứu.

Khi hiểu vai trò của chính phủ cũng giống như công dân và doanh nghiệp, là người mua và sử dụng kết quả nghiên cứu- một loại dịch vụ công đặc biệt-, chính phủ chỉ nên là người đặt hàng, đặt điều kiện, giao tiền rồi nhận sản phẩm đặt hàng cho phần ngân sách dành riêng cho chính phủ. Còn ở vai trò đại diện cho công dân, chính phủ nên đóng vai trò người thu thuế, chuyển kinh phí cho một quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học tự vận hành độc lập tương đối với chính phủ về chiến lược. Quỹ này chủ yếu để bảo đảm kinh phí cho các cơ quan nghiên cứu khoa học, ví dụ các ngành khoa học cơ bản, hay khoa học xã hội, qua cơ chế “thi đấu cạnh tranh” tìm kinh phí cho những đề tài đáp ứng nhiều nhất cho nhu cầu của xã hội, với những phương pháp nghiên cứu xuất xắc nhất được chọn trong một cuộc thi.” Với khoa học thực nghiệm hay khoa học ứng dụng, về cơ bản nghiên cứu cần được chi trả từ các đơn hàng của khối doanh nghiệp, trừ khi chúng thực hiện những chương trình nghiên cứu theo những hướng mũi nhọn mà chính phủ muốn ưu tiên thúc đẩy.

Để bảo đảm tính khách quan, tránh các xung đột lợi ích, Quỹ tài trợ nghiên cứu khoa học cần độc lập tương đối với chính phủ, cần có quyền tự xây dựng chương trình nghiên cứu, hướng ưu tiên tài trợ và mục tiêu tài trợ. Quỹ cần có một Hội đồng Tín thác (Board of Trustees) bao gồm đại diện từ các khối chính quyền, các cơ quan lập pháp, khối các tổ chức nghiên cứu khoa học để giám sát chiến lược hoạt động của Quỹ, tham gia tìm kiếm tài trợ cho các nghiên cứu khoa học từ các nguồn khác nhau, bổ xung cho nguồn từ chính phủ.

Khi chuyển sang cơ chế đấu thầu cạnh tranh bình đẳng thông qua một Quỹ tài trợ cho nghiên cứu khoa học, sẽ không còn những than phiền về tiếp cận tài chính giữa các tổ chức cá nhân nghiên cứu khoa học từ các khối nhà nước, khối lợi nhuận và phi lợi nhuận. Cơ chế mới sẽ đòi hỏi các đề tài nghiên cứu phải được rèn rũa để có chất lượng cao hơn vươn tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế mà vẫn thỏa mãn tốt nhất cho nhu cầu về tri thức của xã hội.

Đặng Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm phát triển dịch vụ nông thôn (RDSC), chuyên gia nghiên cứu phát triển.*

Phải thay đổi cơ chế cứng nhắc và xác định đúng trách nhiệm

Về nguyên tắc, nơi nào cấp tiền họ có toàn quyền xem xét xem tiền của họ có được sử dụng hiệu quả hay không. Vấn đề là phải “định nghĩa” được sản phẩm một cách hợp lý, có cơ chế cấp tài chính và kiểm tra sản phẩm khoa học, phù hợp với từng đối tượng.

Viện Toán học không gặp vướng mắc gì trong quyền tự quyết về khoa học nhưng có gặp khó khăn trong quản trị. Khung cơ chế quá chung, mô hình đánh giá đối với Toán, Lý, Hóa Sinh, Kỹ thuật v.v... quá giống nhau, ít để ý tới đặc thù, dẫn tới thực hiện máy móc, dễ tạo mâu thuẫn giữa nhà quản lý và nhà khoa học. Điển hình là không được tự do lựa chọn hình thức tuyển dụng cán bộ vào biên chế và bắt buộc phải sử dụng một thang đánh giá chung (giống nhau trong tất cả các tiêu chí giữa cả khoa học cơ bản và ứng dụng, tiến sĩ và thạc sĩ). Bên cạnh đó, việc đề xuất kế hoạch và dự toán cho từng nhiệm vụ thường xuyên để xin cấp kinh phí chưa phù hợp với đặc điểm từng ngành. Kế hoạch của một đơn vị, kế hoạch công tác, dự hội nghị, tổ chức hội nghị của từng cán bộ tất nhiên là phải có, nhưng kế hoạch chứng minh xong định lý A hay định lý B thì cũng khó mà lập (nhất là nếu khi lập xong rồi mà chứng minh không được lại bị coi là không hoàn thành nhiệm vụ). Cũng giống như Nafosted vừa qua khi đăng ký đề tài có câu hỏi: có dự định đăng công trình trên “tạp chí ISI uy tín không”, tôi tin chẳng ai dám đăng ký, trừ phi đã có bài sẵn, được nhận đăng rồi, hoặc có một số tạp chí “ISI uy tín” nhưng lại hơi “dễ đăng”.

Các quyền tự chủ cần phải đi đôi với trách nhiệm là điều đương nhiên. Vấn đề là xác định được đúng trách nhiệm. Nếu xác định không đúng, cuộc sống vẫn diễn ra, người ta sẽ luồn lách qua các trách nhiệm đó, giống như tại các ngã tư giờ cao điểm ấy.

GS. Phùng Hồ Hải, Viện phó Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Việt Nam thiếu nhân lực và hệ sinh thái cần thiết để các viện có thể tự chủ về tài chính

Các đơn vị nghiên cứu khoa học (NCKH) cần có một số tự chủ về mặt hành chính trong việc quản lý kinh phí NCKH và nhân sự của đơn vị. Thứ nhất, hiện nay kinh phí được giao trực tiếp cho chủ nhiệm đề tài nhưng theo tôi, kinh phí đề tài nên được quản lý bởi cơ quan chủ quản (một % cố định sẽ được trả cho cơ quan quản lý) và họ sẽ chịu trách nhiệm về việc kiểm soát sử dụng kinh phí đúng mục tiêu và lưu giữ tất cả tài liệu (biên lai, hóa đơn…) để chủ nhiệm đề tài không phải mất thời gian làm các thủ tục giấy tờ mà tập trung vào chuyên môn. Ngoài ra, nhân sự là vấn đề nhức đầu nhất cho các đơn vị NCKH gần đây vì nhà khoa học được coi là công chức, viên chức. Bộ Nội vụ đưa ra quy chế về viên chức mới sẽ “siết cổ” các đơn vị NCKH. Ở TP. HCM, họ đòi hỏi viên chức phải có hộ khẩu ở đây. Trong khi đa số nghiên cứu viên giỏi thì không đáp ứng được điều này. Thêm nữa, một khi viên chức không đáp ứng công việc thì cho nghỉ việc không phải dễ dàng.

Để thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, Chính phủ chủ trương đánh đổi chức năng tự trị hành chính bằng tự chủ tài chính. Thoáng nhìn qua thì đây là một chủ trương có lý. Tuy nhiên mục tiêu của phòng lab NCKH ở các công ty công nghệ cao là khám phá công nghệ mới cho những sản phẩm trong tương lai và do đó nó được đầu tư kinh phí và không yêu cầu phải có khả năng có thu nhập. Nếu chính phủ gây áp lực đơn vị NCKH phải có thu thì khác gì biến mục tiêu của nó trở thành đơn vị sản xuất.

Do đó để thúc đẩy phát triển NCKH và đổi mới sáng tạo, tự do học thuật và tự chủ chuyên môn là điều tiên quyết. Bên cạnh đó, để thúc đẩy bước chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, chính phủ cần có những chính sách khuyến khích và tạo mọi điều kiện cần thiết để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Cần thay đổi mô hình hoạt động của các vườn ươm công nghệ cho hiệu quả hơn. Một ví dụ cho chính sách khuyến khích đó là những đề tài NCKH có kết quả có tiềm năng thương mại hóa sẽ được tự động đầu tư để thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo cầu nối với tập đoàn lớn, nhà đầu tư công nghệ thiên thần, v.v. Đồng thời những đơn vị này sẽ được hưởng một số ưu tiên trong ngân sách NCKH.

GS. Trương Nguyện Thành, Khoa Hóa Đại học Utah, Mỹ và đồng Viện trưởng viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP.HCM.

Đổi mới triết lý và hệ thống quản trị quốc gia

Theo tôi, nên hiểu “Tự chủ, tự chịu trách nhiệm” là một trong những phương thức chứ không phải là duy nhất để tạo ra tính hiệu quả cho tổ chức KH&CN thuộc sở hữu nhà nước. Nếu như vậy, thì cần thúc đẩy vào mấy vấn đề sau:

Xác định rõ đối tượng áp dụng phương thức này. Đây là vấn đề gây nhầm lẫn nhiều nhất. Đối với tổ chức KH&CN tư nhân hay dân lập thì phương thức tự chủ đã có sẵn. Sự cản trở chỉ là cách can thiệp của nhà nước vào việc quản trị của các đơn vị sản xuất. Điều này đòi hỏi sự thay đổi về triết lý và hệ thống quản trị quốc gia chung, chứ không thể riêng lẻ cho một ngành.

Cải tổ hệ thống các tổ chức KH&CN sở hữu nhà nước (công lập) theo xu hướng bỏ chế độ bộ chủ quản, phù hợp theo chiến lược và triết lý phát triển của đất nước; thiết lập mô hình sở hữu của tổ chức KH&CN công lập theo xu hướng sở hữu công cộng, có phương thức quản trị phù hợp với hệ thống quản trị quốc gia hiện đại; có lộ trình tiến tới đa dạng hóa sở hữu (tương tự cổ phần hóa doanh nghiệp).

Có lộ trình và sự gắn kết với cải tổ hệ thống quản trị quốc gia theo cơ chế thị trường.

Nếu các vấn đề trên được giải quyết tốt thì đương nhiên trong tổ chức KH&CN mới sẽ có “Tự chủ, tự chịu trách nhiệm”, và tự chủ về tài chính (tiền) chỉ là một trong những hợp phần của mô hình quản trị tổ chức KH&CN hiện đại.

TS. Nguyễn Trọng Tĩnh, Viện trưởng Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

* Ý kiến này khác so với bản in

Nguồn Tia Sáng: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?CategoryID=36&News=10089&tabid=110