Trí tuệ nhân tạo đem lại nhiều thành tựu đột phá trong y tế

Chương trình KC 4.0 đã tạo ra nhiều đề tài trong lĩnh vực y tế như dùng trí tuệ nhân tạo tầm soát trước sinh, công nghệ thực tế ảo hỗ trợ thực hành tiền lâm sàng Nhi khoa, hệ thống thông minh hỗ trợ chẩn đoán ung thư vú...

Chiều ngày 11/11, Bộ Khoa hoc và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hội thảo khoa học Đánh giá Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia "Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghệ 4.0".

Hội thảo nhằm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia: "Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0", mã số KC-4.0/19-25. Tính đến thời điểm hiện tại, Chương trình đã triển khai hoạt động được hơn 5 năm.

Toàn cảnh hội thảo khoa học Đánh giá Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia "Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghệ 4.0".

Toàn cảnh hội thảo khoa học Đánh giá Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia "Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghệ 4.0".

Tại hội thảo, PGS.TS Trần Danh Cường, Trường Đại học Y Hà Nội trình bày những ứng dụng của hệ thống trí tuệ nhân tạo hỗ trợ tầm soát trước sinh cho một số bất thường hay gặp ở Việt Nam. Theo đó, hiện nay, các phương pháp sàng lọc truyền thống, phổ biến, chi phí thấp gồm có siêu âm độ mờ da gáy và siêu thai kết hợp sinh hóa máu mẹ. Mặc dù giá trị sàng lọc cao song chưa đạt hiệu quả tối đa do chưa kết hợp nhiều phương pháp.

Trí tuệ nhân tạo (AI) dẫn đầu xu thế ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực y tế , hỗ trợ đưa ra các quyết định lâm sàng. Mô hình trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong y tế có độ tin cậy cao, ứng dụng trong đào tạo. Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Danh Cường đã xây dựng được cơ sở dữ liệu hình ảnh siêu âm định kỳ, bộ kết quả xét nghiệm sinh hóa định kỳ và dữ liệu di truyền của thai nhi. Xây dựng được cơ sở tri thức chuyên gia về tầm soát trước sinh cho một số bất thường hay gặp ở Việt Nam. Phát triển được hệ thống phần mềm hỗ trợ tầm soát trước sinh cho một số bất thường hay gặp ở Việt Nam và ứng dụng tại một số cơ sở y tế.

Các nhà khoa học Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu phát triển hệ thống hỗ trợ thực hành tiền lâm sàng Nhi khoa dựa trên công nghệ thực tế ảo". Xây dựng được nguyên mẫu mô hình cơ thể Nhi có tham số cơ bản về chức năng sống: nhiệt độ, nhịp thở, mạch, huyết áp, chuyển động và có khả năng hỗ trợ thực tế ảo và thực tế tăng cường; có khả năng tương tác và kết nối với mô hình cơ thể Nhi ảo 3D. Xây dựng được Mô hình cơ thể Nhi ảo 3D có khả năng tương tác, kết nối và tích hợp với nguyên mẫu mô hình cơ thể Nhi, mô phỏng được 8 trường hợp cấp cứu Nhi khoa thường gặp.

Đề tài Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông minh hỗ trợ chẩn đoán ung thư vú dựa trên ảnh X-quang tuyến vú và ảnh giải phẫu bệnh được TS.BS Đào Văn Tú, Viện Nghiên cứu phòng chống Ung thư, Bệnh viện K thực hiện. Nhóm tác giả đã xây dựng phương pháp chẩn đoán ung thư vú bằng X-Quang và Giải phẫu bệnh và trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chẩn đoán ung thư.

PGS.TS Nguyễn Thị Trang, Trường Đại học Y Hà Nội trình bày "Những ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị một số bệnh di truyền hay gặp".

PGS.TS Nguyễn Thị Trang, Trường Đại học Y Hà Nội trình bày "Những ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị một số bệnh di truyền hay gặp".

Một số đề tài đáng chú ý được trình bày tại hội thảo như "Những ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị một số bệnh di truyền hay gặp", PGS.TS Nguyễn Thị Trang, Trường Đại học Y Hà Nội; "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 vào quản lý sản xuất sản phẩm mật ong phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước"; "Hệ thống giám sát và dự báo, cảnh báo chất lượng không khí trên cơ sở thu thập, tích hợp dữ liệu đa nguồn, thí điểm cho một đô thị lớn"; "Hệ thống trí tuệ nhân tạo tích hợp dữ liệu địa chất dầu khí đánh giá triển vọng dầu khí"...

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nếu vấn đề cần giải quyết để Chương trình KC 4.0 giai đoạn tới hoạt động có hiệu quả hơn. Đó là làm rõ trọng tâm của Chương trình cho giai đoạn tới theo hướng tới làm chủ, phát triển các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tập trung nghiên cứu ứng dụng các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 mà Việt Nam có lợi thế.

Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cần nghiên cứu về các bộ quy tắc đạo đức và trách nhiệm trong việc phát triển, ứng dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0, các công cụ hỗ trợ thực hành và đánh giá việc áp dụng các bộ quy tắc đạo đức và trách nhiệm…

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tri-tue-nhan-tao-dem-lai-nhieu-thanh-tuu-dot-pha-trong-y-te-169231111162405867.htm