Trị ngộ độc thức ăn bằng y học cổ truyền

Ngộ độc thức ăn là chứng viêm cấp tính đường tiêu hóa do ăn thức ăn bị lên nấm mốc hoặc nhiễm độc tố gây hại cho đường ruột và dạ dày.

Biểu hiện của ngộ độc thức ăn

Cây hoắc hương.

Khi bị ngộ độc thức ăn bệnh nhân đột ngột nôn mửa, đi ngoài, đau bụng nôn ra thức ăn, đại tiện ra nước vàng; một số trường hợp bệnh có lẫn máu và niêm dịch, có kèm theo sợ lạnh, sốt, đau đầu ở mức độ khác nhau.

Khám thực thể: Bụng trên và giữa nổi gồ, bụng dưới khó chịu, ấn đau quanh rốn, nôn mửa, đi tả kịch liệt; nếu có các triệu chứng da thịt nhão, hốc mắt lõm xuống, lòng buồn bực, miệng khô, tiểu ít là dấu hiệu mất nước.

Nếu xuất hiện các triệu chứng sắc mặt trắng bệch, đổ mồ hôi, chân tay lạnh, nhiệt độ cơ thể hạ thấp, mạch nhỏ yếu là dấu hiệu suy kiệt tuần hoàn ngoại biên.

Xét nghiệm:

Máu: Số lượng bạch cầu và bạch cầu trung tính ưa acid tăng cao.

Vị thuốc đậu xị trị ngộ độc thức ăn.

Phân: Có ít bạch cầu và hồng cầu, ở người bị nặng có thể xuất hiện hồng cầu với số lượng lớn, nuôi cấy các chất bài tiết từ dạ dày và ruột có thể thấy vi khuẩn, nhưng thông thường đến ngày thứ 2 thì chuyển âm tính.

Điều trị: Theo Y học hiện đại, ngộ độc thức ăn cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý như giảm đau bụng; chống nôn, chống tiêu chảy; chống mất nước và trụy tim mạch.

Theo Y học cổ truyền, ngộ độc thức ăn có ở ba dạng bệnh:

Dạng hàn thấp: Lợm giọng, nôn mửa, đi ngoài phân loãng, sôi bụng, người mệt, nặng nề, đau đầu, đầu nặng, tứ chi lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch nhu.

Dạng thử thấp: Nôn ra thức ăn thối rữa, bụng tức, đau bụng là đi tả, tả xong thì rát hậu môn, phân vàng nâu, nóng ruột, miệng khát, tiểu tiện đỏ ngắn, rêu lưỡi vàng dày dính, mạch nhu sác.

Dạng tích trệ: Nôn ra thức ăn vữa và dịch vị, bụng trướng, ợ nấc, chán ăn, phân thối, sau khi đi tả thì giảm đau bụng, rêu lưỡi dày dính, mạch hoạt,

Các bài thuốc trị ngộ độc thức ăn

Vị thuốc hậu phác trị ngộ độc thức ăn.

Bài 1: Hoắc hương 10g, tía tô 6g, bạch chỉ 6g, quất 5g, bạch truật 10g, hậu phác 6g, bán hạ chế 10g, đại phúc bì 10g, phục linh 10g, trần bì 6g. Sắc đặc, chia uống 2 - 3 lần. Thích hợp với dạng hàn thấp.

Bài 2: Hoàng liên 3g, hậu phác 3g, đậu xị 10g, chi tử 10g, bán hạ chế 10g, lô căn 30g, hoắc hương 10g, hoạt thạch 12g. Sắc uống. Thích hợp với dạng thử thấp.

Bài 3: Sơn tra 15g, thần khúc 10g, lai phục tử 10g, mạch nha 15g, trần bì 6g, bán hạ chế 10g, liên kiều 10g, phục linh 12g. Sắc uống. Thích hợp với dạng tích trệ.

Bài 4: Hoắc hương tươi 1 nắm; giã nát, thêm nước, ép lấy nước cho uống. Hoặc hoắc hương khô 15g. Sắc uống. Thích hợp với 3 dạng bệnh.

Bài 5: Gừng tươi 1 củ; giã nát, thêm nước ép lấy nước cho uống. Thích hợp với 3 dạng.

Bài 6-Tích lịch tán: phụ tử 90g, hoàng thổ 60g, đinh hương 30g, ngô thù du 90g, mộc qua 45g, ty qua lạc 15g. Tán bột mịn. Mỗi lần uống 6 – 10g, ngày uống 2 - 3 lần. Dùng nhân sâm 3 – 6g, hãm nước cho uống.

Có thể làm thang sắc với liều lượng thuốc phù hợp. Chữa đau bụng thổ tả, chuột rút, chân tay lạnh, mồ hôi nhỏ giọt, không khát, rêu lưỡi trắng, mạch nhỏ muốn đứt.

Bài 7 - Thuần dương chính khí hoàn: Hoắc hương 30g, thương truật 30g, đinh hương 30g, bạch truật 30g, bạch linh 30g, trần bì 30g, khương bán hạ 30g, quan quế 30g, mộc hương 30g. Tán bột, dùng nước sắc hoa tiêu 15g làm hoàn. Mỗi lần uống 1 – 2g; trẻ em giảm một nửa; uống với nước ấm.

Có thể làm thang sắc với liều lượng thuốc phù hợp. Ôn hóa hàn thấp, ấm bụng cầm đi tả. Chữa đau bụng tiêu chảy.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//tri-ngo-doc-thuc-an-bang-y-hoc-co-truyen-169210903085829067.htm