Tri ân người mở cõi

Trong lịch sử mở cõi đất phương Nam, dân tộc mãi ghi ân Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có công định danh hai vùng đất Phiên Trấn, Trấn Biên và giữ vững bờ cõi đất nước ở phía Nam.

Nhà nghiên cứu Dương Công Đức đặt hoa tưởng niệm lên mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Trong lịch sử mở cõi đất phương Nam, dân tộc mãi ghi ân Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có công định danh hai vùng đất Phiên Trấn, Trấn Biên và giữ vững bờ cõi đất nước ở phía Nam.

TỪ BƯỚC CHÂN TIỀN NHÂN

Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (tức Nguyễn Hữu Kính) sinh năm 1650, tại Quảng Bình, là con trai thứ ba của tướng Nguyễn Hữu Dật và phu nhân Nguyễn Thị Thiện, cháu nội ngài Nguyễn Triều Văn, tướng của Thái sư Hưng Quốc công Nguyễn Kim, theo Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa (Huế) lập xứ Đàng Trong.

Bia tưởng niệm đức Lễ Thành hầu nơi ngôi mộ ở phường Gia Bình (thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) có ghi lại, ngài từng giữ chức Cai cơ khi mới ngoài 20 tuổi, đến năm 1692 được phong tước Lễ Thành hầu, thăng chức Thống binh cầm quân dẹp an Chiêm Thành. Năm 1694, ngài giữ chức Chưởng cơ trấn thủ dinh Bình Khang (nay là Khánh Hòa - Ninh Thuận).

Hậu duệ dòng họ Nguyễn cúng tạ mả hoàn công việc trùng tu mộ.

Năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu phong ngài làm Thống suất dẫn binh vào Nam kinh lược đất Chân Lạp, ngài lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, chia đất Đông Phố dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa), lập dinh Phiên Trấn (Sài Gòn), phủ Gia Định, đánh dấu thời kỳ mở rộng cương vực xứ Đàng Trong về phương Nam. Khi này, Tây Ninh là vùng đất nằm một phần ở hữu ngạn thượng lưu sông Tân Bình (Sài Gòn) và một phần lớn nằm trên đạo Quang Hóa, đạo Quang Phong thuộc huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn, phủ Gia Định.

Mùa thu năm Kỷ Mão (1699), ngài được chúa Nguyễn phong làm Thống suất cùng Thống binh Trần Thượng Xuyên đem quân bình định đất Chân Lạp. Thắng trận trở về An Giang, ngài mắc bạo bệnh và qua đời tại Sầm Giang (Rạch Gầm, Mỹ Tho) vào ngày 16.5 năm Canh Thìn (1700). Ban đầu, ngài được an táng tại Trấn Biên (Biên Hòa), sau được cải táng đưa về Lệ Thủy (Quảng Bình). Khi mất, ngài được chúa Nguyễn phong tặng Hiệp tán công thần, đặc tấn Chưởng dinh, thụy Trung Cần.

Từ đầu thế kỷ thứ XVII, lưu dân từ vùng Ngũ Quảng theo cuộc Nam tiến đi khẩn hoang mở cõi. Họ đặt chân đến cửa Cần Giờ, giao thương với Chân Lạp, dựng thôn ấp ở vùng đất Sài Gòn, Đồng Nai, rồi tỏa đi khắp Nam bộ. Cũng từ đây, người Việt đã bắt đầu đặt chân đến Tây Ninh. Lưu dân ngày càng đông. Từ Sài Gòn, họ di dần lên theo hướng Bắc qua vùng Hóc Môn, Củ Chi ngày nay, khai khẩn đất đai từ Trảng Bàng, lên Gò Dầu Hạ đến chân núi Bà Đen. Tây Ninh đã trở thành nơi hội tụ của nhiều tộc người cùng nhau khai phá và phát triển.

Trong những nơi định cư đầu tiên của người Việt trên đất Tây Ninh có ấp Bình Nguyên (nay là khu phố Bình Nguyên 1, phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng). Theo sách “Trảng Bàng phương chí” của tác giả Dương Công Đức, sau khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh qua phần, phu nhân cùng các con theo con sông Quang Hóa (sông Vàm Cỏ Đông) lên vùng đất Bình Nguyên khẩn hoang, định cư, lập nghiệp.

Theo ghi chép trong tộc họ Nguyễn ở Bình Nguyên, thì Đinh phu nhân có người con trai là ông Nguyễn Hữu Đồng và các con gái. Ông Nguyễn Hữu Đồng sinh nhiều con trai, cho đến nay thì dòng họ Nguyễn là tộc họ đông nhất ở Bình Nguyên, góp phần sung túc cho vùng đất nơi đây.

Thiếu nhi Gia Bình tảo mộ, dâng hương ở mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh trong mô hình “Theo dòng lịch sử quê em”.

TUỔI TRẺ TIẾP BƯỚC

Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là đại công thần đứng đầu thời chúa Nguyễn lập công trạng mở mang bờ cõi về đất phương Nam. Với công đức cao dày này, ngài được tôn làm thần, các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn ban tặng nhiều mỹ hiệu và nhiều nơi ở Nam bộ lập đình, đền thờ, tượng đài phụng thờ. Trong dân gian, người dân để tránh phạm húy, chữ “cảnh” được đổi thành chữ “kiểng” và chữ “kính” được đổi thành “kiếng”, dần trở thành phương ngữ của người Nam bộ.

Tại ấp Bình Nguyên, bên cạnh Trường tiểu học Bình Nguyên vẫn còn hai ngôi mộ của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh và đệ tam phu nhân Đinh Liễu Sốt. Ngôi mộ của Đinh phu nhân là thực, còn ngôi mộ của đức Lễ Thành hầu là mộ gió. Theo ghi chép của gia phả và dòng họ, bên dưới mộ táng thanh gươm và bộ giáp của ngài dùng lúc sinh thời, được Đinh phu nhân đem theo cùng các con trong cuộc Nam tiến đến mảnh đất Bình Nguyên (Gia Bình).

Từ buổi đầu là hai ngôi mộ đất do con cháu lập, trải qua hơn 300 năm với bao biến thiên của lịch sử, hai ngôi mộ luôn được sự chăm sóc của dòng họ Nguyễn tại Bình Nguyên. Năm 2000, ông Nguyễn Văn Cạnh- là cháu đời thứ bảy của đức Lễ Thành hầu cải tạo thành hai ngôi mộ đá ong, lập bia bằng đá xanh. Trong tiết thanh minh Giáp Thìn (2024), nhà nghiên cứu Dương Công Đức cùng hậu duệ đời thứ mười của dòng họ Nguyễn đã trùng tu, tôn tạo ngôi mộ gió của đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh và ngôi mộ phu nhân Đinh Liễu Sốt. Hai ngôi mộ được xây lại trang nghiêm, xung quanh có lan can bảo vệ, có tam cấp dẫn lên mộ, lập văn bia ghi công đức và giữ lại kỷ niệm hai bia đá xanh do ông Nguyễn Văn Cạnh lập. Sáng ngày 19.4.2024 (nhằm ngày 11.3 nông lịch), hậu duệ của dòng họ cử hành cúng tạ mả hoàn công việc trùng tu mộ.

Trong năm học 2023-2024, Hội đồng Đội thị xã Trảng Bàng đã triển khai mô hình mới “Theo dòng lịch sử quê em”. Ở chặng thứ 2 với nội dung tìm hiểu các anh hùng trên địa bàn thị xã Trảng Bàng, Hội đồng Đội phường Gia Bình và Liên đội Trường tiểu học Bình Nguyên cho các em đội viên, thiếu nhi tìm hiểu về Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh và phu nhân Đinh Liễu Sốt là các vị tiền hiền có công lớn mở cõi phương Nam và địa phương Gia Bình.

Những nén hương được các em thiếu nhi cắm xuống trước mộ đức Lễ Thành hầu sẽ tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đến mai sau, mà theo nhà nghiên cứu Dương Công Đức: “Mô hình đã giúp các em thiếu nhi hiểu thêm về lịch sử hào hùng của cha ông và thêm tự hào về quê hương Gia Bình”.

Phí Thành Phát

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tri-an-nguoi-mo-coi-a172116.html