Trên hành trình trở thành cực tăng trưởng mới – Nhìn thẳng, nói thật: Vì sự phát triển của Thanh Hóa góp phần vào sự phát triển chung của đất nước

Với nhiều nỗ lực, cố gắng, chủ động, sáng tạo, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây viết tắt là NQ số 58), tỉnh Thanh Hóa đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận, từng bước đưa NQ đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực sinh động, minh chứng rõ rệt bằng những con số, những đổi thay, phát triển từng ngày.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45. Ảnh: Hoàng Đông

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 vừa qua, chúng tôi có kết nối với ông Vũ Duy Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa. Ông vừa cáo lỗi vừa hồ hởi khoe việc chuẩn bị đón tiếp một vài người bạn chiến đấu cùng chiến trường xưa ghé thăm, chỗ thân tình không thể bỏ lỡ được. Ông Hòa bộc bạch: “Đợt này, Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng chiều dài hơn 63,37km, đi qua địa phận 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa được thông xe, rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội - Thanh Hóa chỉ còn hơn 2 giờ thay vì hơn 3 giờ như trước. Ông bạn tôi tấm tắc đường về xứ Thanh chưa bao giờ gần như thế nên phải đến thăm nhà bạn ngay. Rút ngắn khoảng cách là mở rộng tương lai. Mở ra nhiều cơ hội cho tỉnh nhà trong thu hút đầu tư, giúp người dân và du khách đến với Thanh Hóa thuận tiện hơn, góp phần phát triển kinh tế và du lịch. Bạn bè tứ phương, nhất là đối với những người bạn già như chúng tôi đây cũng cảm thấy gần nhau biết mấy”.

Là một người lính đã đi qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, nhiều năm giữ cương vị Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đại biểu Quốc hội khóa XII, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, đại biểu HĐND tỉnh... ông Hòa luôn đau đáu, trăn trở với sự phát triển của quê hương. Chính ông cũng đang hân hoan cùng bao đổi thay của tỉnh: Từ miền xuôi đến miền ngược đã thênh thang nhiều tuyến đường rộng mở. Cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An đã thông xe, mở ra những cơ hội mới. Từ Nghi Sơn đã tấp nập những chuyến tàu xuất, nhập; từ Cảng Hàng không Thọ Xuân kết nối muôn phương cùng những đột phá về hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo động lực bứt phá, thu hút các nhà đầu tư. Từ Pù Luông xanh, Sầm Sơn, Hải Tiến lộng gió đến Lam Kinh linh thiêng, di sản Thành Nhà Hồ độc đáo và biết bao danh lam, thắng cảnh, nét đẹp văn hóa di sản... làm nên bức tranh du lịch xứ Thanh hấp dẫn. Khắp đô thị đâu đâu cũng phấn đấu xây dựng “Đô thị văn minh, công dân thân thiện” để phố xá ngày một khang trang, sạch đẹp, hướng đến chuẩn văn minh, hiện đại. Từ bản làng, ngõ xóm đâu đâu cũng đồng lòng góp công, góp sức XDNTM, làm nên những “vùng quê đáng sống”...

Cũng chung niềm vui mừng, phấn khởi trước đổi thay từng ngày của tỉnh Thanh Hóa sau hơn 3 năm thực hiện NQ số 58, hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhà thơ Lê Tuấn Lộc, Chủ tịch Chi hội Nhà văn công nhân (Hội Nhà văn Việt Nam), Chủ tịch Hội Văn nghệ sĩ, nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội cảm nhận từ những điều gần gũi nhất xung quanh cuộc sống của mình: “Đường từ Hà Nội về Thanh Hóa, tôi là người đã quen một con đường. Ấy vậy mà, vừa qua, xe chúng tôi loay hoay, ngơ ngác ngay giữa trước lối rẽ của cao tốc, đi gần đến thị xã Nghi Sơn mới biết đã lạc đường, phải quay xe lại gần 20km. Thật xấu hổ, về quê mà lạ đường. Nhưng trải nghiệm trên đường cao tốc cho mình suy nghĩ khác, mình tự hào bởi sự đổi thay, phát triển của quê hương”.

Lại nói về Nghi Sơn, nhà thơ Lê Tuấn Lộc có bao điều thích thú. Rất gần đây thôi, ông cùng đoàn văn nghệ sĩ, nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội đã có chuyến “về nguồn” ấm nồng tình quê. Ghé thăm Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) – khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm, có chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn nhất trong cả nước, 1 trong 4 tứ giác phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa, ông Lộc choáng ngợp trước quy mô, tầm vóc những công trình, những con số về hoạt động thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã phần nào khẳng định vị trí, vai trò “đầu kéo” tăng trưởng kinh tế của KKTNS và các khu công nghiệp.

Từ câu chuyện về hạ tầng giao thông, KKTNS, ông Lộc cũng rất tâm đắc với công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh. Ông chia sẻ về sự kiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Chính phủ đã thông qua ngày 27-2-2023. Đây là quy hoạch tích hợp đầu tiên được ban hành theo phương pháp tiếp cận mới, với những nội dung hết sức quan trọng, tạo ra khung pháp lý cao nhất, khái quát nhất, là “xương sống” để các ngành, các lĩnh vực của tỉnh phát triển. “Thời điểm đó, Thanh Hóa là địa phương thứ 4 trong cả nước được phê duyệt quy hoạch tỉnh”- một điều quá tuyệt vời, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương dành cho Thanh Hóa, ông Lộc nhận định.

Cùng với Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, ngày 17-3-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Đây cũng là quy hoạch thành phố trực thuộc tỉnh đầu tiên thuộc khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và là thành phố trực thuộc tỉnh thứ 3 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch từ sau khi Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 thực hiện. “Quy hoạch gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, tổng diện tích khoảng 22.821ha; với quy mô dân số, dự báo đến năm 2030 có khoảng 780 - 800 nghìn người, đến năm 2040 có khoảng 1 triệu người. Đó là niềm vui nhưng cũng là bài toán nan giải, thách thức lớn với Đảng bộ, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, điều hành nhỉ” – ông Lộc chia sẻ.

Với những người như ông Vũ Duy Hòa, ông Lê Tuấn Lộc, sự đổi thay, phát triển của quê hương, những ý nghĩa, tác động to lớn của NQ số 58 với tỉnh Thanh được cắt nghĩa một cách gần gũi như thế.

NQ số 58 ra đời kết tinh tầm nhìn chiến lược của Trung ương dành cho Thanh Hóa. Bởi lẽ, sự phát triển nhanh, bền vững của Thanh Hóa góp phần quan trọng vào sự phát triển nhanh và bền vững của cả nước. Với tư cách là một cực tăng trưởng mới, Thanh Hóa sẽ cộng hưởng với Hà Nôi, Hải Phòng và Quảng Ninh có những tác động lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; giảm áp lực cho Hà Nội về cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội; giảm áp lực cho ngân sách Trung ương khi Thanh Hóa cân đối được ngân sách; trở thành hình mẫu cho các tỉnh khác về sự kết hợp giữa phát triển nhanh và bền vững; giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh và về sự phát triển cân đối giữa các vùng miền, cũng như đảm bảo sự đoàn kết giữa các dân tộc.

Nắm bắt thời cơ, vận hội, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, hiện thực sinh động, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 28-2-2021 về thực hiện NQ số 58; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2999/QĐ-UBND ngày 9-8-2021 về Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 3-2-2021 của Chính phủ và Chương trình hành động số 11-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Cả hệ thống chính trị chung sức, đồng lòng với tâm thế sôi nổi, tích cực, chủ động, quyết tâm cao, nỗ lực lớn.

Với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại NQ số 58, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra 6 chương trình trọng tâm và 3 khâu đột phá gồm: (1) Đột phá về phát triển hạ tầng, (2) Đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, (3) Đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ; chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Cùng với việc thể chế hóa NQ số 58 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, đạt kết quả tích cực.

Kinh tế tăng trưởng với tốc độ khá cao; tốc độ tăng GRDP bình quân hàng năm của tỉnh giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9,69%, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của cả nước. Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 282.735 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước 3 năm 2021 - 2023 ước đạt 132.418 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao hằng năm; trong đó, năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước bình quân hàng năm ước đạt 11,3%, cao hơn so với mục tiêu nghị quyết (tăng 10% trở lên)... Công tác an sinh xã hội được chú trọng, văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố vững chắc...

Cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Các chỉ số về cải cách hành chính như: PAPI, SIPAS, PAR, INDEX tăng mạnh thứ hạng so với đầu nhiệm kỳ và đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước. Thanh Hóa là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp...

Thanh Hóa vẫn luôn giữ vững quyết tâm, nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển của Thanh Hóa góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, vươn tới khát vọng thịnh vượng. Và lẽ dĩ nhiên, trên hành trình ấy, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, tỉnh Thanh Hóa cũng đối diện với nhiều khó khăn, thử thách, “điểm nghẽn” cần sớm được tháo gỡ...

Thùy Dương – Hương Thảo

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tren-hanh-trinh-tro-thanh-cuc-tang-truong-moi--nhin-thang-noi-that-nbsp-vi-su-phat-trien-cua-thanh-hoa-gop-phan-vao-su-phat-trien-chung-cua-dat-nuoc/195411.htm