Trên bờ vực bị nhấn chìm, Tuvalu tạo ra 'bản sao' của chính mình

Trong bối cảnh cấp thiết về biến đổi khí hậu, Tuvalu không chỉ cố gắng tái tạo đất ở thực tế mà còn tạo ra một 'bản sao' để tồn tại trong tương lai.

Tuvalu dự kiến là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới biến mất hoàn toàn do biến đổi khí hậu.

Ba đảo san hô và sáu đảo san hô vòng tạo thành quốc gia này có tổng diện tích đất rất nhỏ, chưa đến 26 km².

Theo tốc độ nước biển dâng hiện tại, một số ước tính cho rằng nửa diện tích đất của thủ đô Funafuti sẽ bị nhấn chìm trong vòng ba thập kỷ tới. Đến năm 2100, 95% diện tích đất sẽ bị ngập nước bởi các đợt triều cường định kỳ, khiến nơi này trở nên không thể sống được.

Đối mặt với hiện thực này, Tuvalu đang nỗ lực số hóa việc khôi phục đất đai, bảo tồn văn hóa và lịch sử đất nước, trong những kế hoạch đột phát có thể đưa Tuvalu trở thành quốc gia hoàn toàn số hóa đầu tiên tồn tại trong thế giới ảo.

Sự tồn tại bấp bênh

Thủ đô Funafuti nằm trên toàn bộ đảo san hô vòng lớn, với một con đường chính chia ngang đảo, tại một điểm thu hẹp chỉ còn 20 m giữa hai bờ đối diện.

Hầu hết tòa nhà được xây tập trung càng gần tâm đảo càng tốt: Nhà ở, cửa hàng, nhà thờ và hội trường công cộng nằm ngay sát lề đường.

Nếu đi qua, bạn có thể nhìn thẳng vào nhà của người dân, thấy họ nấu ăn, sửa ôtô hay lũ trẻ chơi đùa trong sân.

Đảo Fongafale ở đảo san hô Funafuti, Tuvalu. Ảnh: Sean Gallagher.

Nước biển dâng lên nhanh đến nỗi người Tuvalu nào cũng nói về việc nước ngập đến đầu gối, tràn vào lòng đất xốp ở trung tâm đảo.

Hiện tượng xói mòn và lượng lớn mảnh vụn ngày càng nhiều. Các tàn tích của hạ tầng và những ngôi nhà bị bỏ hoang bỏ rơi xuất hiện dọc theo bờ biển. Nghĩa trang đang bị ăn mòn và cư dân đã phải xây mộ cạnh nhà mình.

Nước biển dâng cao cũng mang đến nguy cơ cực đoan cho nguồn nước uống, an ninh lương thực và năng lượng. Các loại cây lương thực quan trọng như dừa và pulaka không thể phát triển trên đất nhiễm muối; biến đổi khí hậu mang đến nhiều cơn bão, nhiệt độ bất thường và tăng tần suất hạn hán.

Thực phẩm tươi sống gần như không có, khiến người dân phải phụ thuộc vào đồ nhập khẩu, vừa đắt đỏ vừa thiếu giá trị dinh dưỡng.

Buộc phải di cư

Khoảng 1/5 dân số của Tuvalu, tương đương 12.000 người, đã di cư, nhiều người đến New Zealand theo Chương trình Tiếp cận Thái Bình Dương, một cuộc lựa chọn tối đa cho 150 công dân được cấp quyền cư trú tại New Zealand mỗi năm. Nhiều người gặp khó khăn trong việc kiếm sống và lo ngại mất đi bản sắc văn hóa của mình.

Kelesoma Saloa, một cựu nhân viên ngành thủy sản ở Tuvalu, hiện làm hướng dẫn viên và giáo viên tại bảo tàng Chiến tích Chiến tranh Auckland, đã sống ở New Zealand hơn 10 năm và cảm thấy được điều đó.

"Chuyển từ một xã hội tự cung tự cấp đến một xã hội thương mại là rất khó. Nếu không có tiền thì bạn không thể sống sót. Khác với việc sống trên đảo, nếu bạn không có tiền thì bạn vẫn có gia đình, mảnh đất và công việc đánh cá”, ông chia sẻ.

Mặc dù Saloa đã di cư để đảm bảo một tương lai tốt hơn cho gia đình, ông không cho rằng việc di cư là giải pháp.

“Đứa con thứ ba của tôi được sinh ra ở New Zealand nên con bé không biết gì về Tuvalu. Con bé đã mất đi những giá trị tuyệt vời của Tuvalu mà chúng tôi không có điều đó ở đây”, ông nói.

Australia đã đề xuất cung cấp đất đai để di dời nhưng chỉ đổi lấy quyền hải lý và ngư nghiệp, một đề xuất bị chính phủ Tuvalu từ chối.

Đảo Fiji cũng đã đề xuất cung cấp đất đai nhưng cũng đang đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vì không có quy định bảo vệ và hỗ trợ cho người tị nạn khí hậu dưới Hiệp ước Người tị nạn của Liên Hợp Quốc năm 1951, người Tuvalu đang tìm kiếm các hướng đi khác.

Nỗ lực tái tạo đất

Không có nơi cao hơn để sinh sống nhưng nhiều người Tuvalu không muốn rời khỏi quê hương. Các hoạt động đã được thực hiện để tái tạo đất trong khuôn khổ Dự án Tuvalu Coastal Adaptation Project.

Dự án được khởi động vào năm 2017 với sự hỗ trợ từ Quỹ Green Climate Fund, phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, với mục tiêu là giảm thiểu tiếp xúc với các nguy hiểm ven biển và cung cấp một chiến lược thích nghi dài hạn cấp quốc gia, gọi là Dự án L-TAP hay "Te Lafiga o Tuvalu" (tạm dịch: Nơi trú ẩn của Tuvalu).

Đống rác dạt vào bờ biển Tuvalu sau những đợt thủy triều. Ảnh: Guardian.

Việc thu thập và phân tích dữ liệu chất lượng cao về độ cao của đất và độ sâu của đáy biển cho thấy 46% diện tích xây dựng trung tâm của đảo nhỏ nhất của Funafuti, Fongafale, thực tế đã nằm dưới mực nước biển.

Dữ liệu này rất quan trọng đối với sự phát triển của L-TAP. Tầm nhìn của dự án là tạo ra 3,6 km² đất cao và an toàn, với việc di dời người dân và cơ sở hạ tầng trong thời gian dài; cung cấp nguồn nước bền vững; tăng cường an ninh lương thực và năng lượng và tạo không gian cho việc mở rộng các khu vực dân sự và thương mại, bao gồm các cơ quan chính phủ, trường học và bệnh viện.

Quốc gia số hóa

Năm 2021, Bộ trưởng Tư pháp, Truyền thông và Quan hệ ngoại giao của Tuvalu, Simon Kofe, đã thu hút sự chú ý khi đứng trong nước biển ngập đầu gối và phát biểu tại Cop26, hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc. "Chúng tôi đang chìm", ông phát biểu.

Ông Kofe phát biểu tại Cop26 khi đứng trên biển ở Funafuti, năm 2021. Ảnh: Reuters.

Tuvalu đã đề xuất Dự án Future Now Project, một bộ ba các sáng kiến lớn nhằm bảo tồn quốc gia, chính quyền và văn hóa trong trường hợp xấu nhất.

Đầu tiên, khuyến khích cộng đồng quốc tế cùng nhau triển khai các giải pháp biến đổi khí hậu, thể hiện các giá trị văn hóa của Tuvalu.

Thứ hai, bảo vệ chủ quyền của Tuvalu và đường biên giới biển theo luật pháp quốc tế trong trường hợp đất liền của họ biến mất.

Thứ ba, phát triển một quốc gia kỹ thuật số.

Một phần của quá trình số hóa liên quan đến việc chuyển giao quyền truy cập vào các dịch vụ chính phủ và lãnh sự cũng như các hệ thống quản lý hành chính đi kèm vào điện toán đám mây. Điều này sẽ cho phép tổ chức bầu cử và các cơ quan chính phủ tiếp tục hoạt động.

Bài diễn thuyết của ông Kofe trong Cop27 năm ngoái đã được ghi hình trước một bản sao ảo của Te Afualiku, hòn đảo đầu tiên của Tuvalu được tái tạo kỹ thuật số thông qua hình ảnh vệ tinh, ảnh và video quay trên cao, có thể ghi lại từng hạt cát trên bãi biển và hướng dòng nước trong đại dương.

Te Afualiku là kế hoạch mẫu cho việc số hóa tất cả hòn đảo và địa lý của Tuvalu; những cụm san hô và rạn san hô, hồ nước,...

Đối mặt với khả năng mất đi bản sắc văn hóa, chính phủ đang cân nhắc sử dụng thực tế tăng cường ảo cho phép thế hệ bị di tản và tương lai được tiếp tục tồn tại dưới một nền văn hóa và một quốc gia. Nếu ý tưởng này trở thành hiện thực, người dân Tuvalu sẽ có thể tương tác với nhau trong một không gian kỹ thuật số, theo cách mô phỏng cuộc sống thực và giúp bảo tồn ngôn ngữ và phong tục tập quán.

Hiện chưa có chứng minh được các quốc gia có thể được chuyển đổi thành thế giới ảo có thể thành công, với những thách thức kỹ thuật, xã hội và chính trị là khó khăn tột cùng. Ông Kofe nhấn mạnh rằng chính phủ vẫn đang nghiên cứu vấn đề ở giai đoạn đầu. Ông cũng cho biết một số công ty metaverse đã liên hệ với Tuvalu sau diễn thuyết của ông tại Cop27.

Bảo tồn văn hóa

Giống như hầu hết quốc gia đảo Thái Bình Dương, Tuvalu là một đất nước rất mực tín đạo Kitô giáo. Mỗi ngày vào lúc 18h45, tất cả người trên đường phải dừng lại hoàn toàn cho đến 19h, để cầu nguyện. Những bài thánh ca được hát vang, các nhóm thánh nhạc tập trung tại các phòng cộng đồng để ăn mừng và nhảy múa.

Faitele là một điệu nhảy truyền thống, các nghệ nhân trống vỗ tay lên một trống gỗ chung, làm tăng nhịp điệu cho đến khi các vũ công không thể theo kịp và tất cả phá lên cười.

Phụ nữ lớn tuổi truyền lại quy tắc cho các em nhỏ về cách chào hỏi người lớn trong phòng họp truyền thống fale kaupule.

Người dân địa phương khiêu vũ trong lễ kỷ niệm nhà thờ ở Funafuti. Ảnh: Guardian.

Đây là những gì Tuvalu muốn ghi lại và bảo tồn: Những câu chuyện và trải nghiệm trong bối cảnh văn hóa và lịch sử xã hội, cũng như những sự phát triển qua thời gian. Đối với người di cư, một quốc gia kỹ thuật số có thể chứa đựng mọi thứ từ các nghi lễ cưới truyền thống đến ngôn ngữ mà các thế hệ kế tiếp đang bắt đầu mai một dần.

Ông Kofe mô tả Dự án Future Now Project như một phương án B, nhưng nhấn mạnh rằng kế hoạch A là tối ưu khả năng để cứu đảo trong thời gian càng lâu càng tốt.

"Dù đang ở tuyến đầu của thiệt hại vì biến đổi khí hậu, chúng tôi không phải đất nước gây ra khí thải nhiều nhất.Vậy nên trách nhiệm thuộc về các nước phát khí thải lớn”, Bộ trưởng Paeniu nói.

Đức cha Fitilau Puapua, chủ tịch Hội Thánh Kitô giáo Tuvalu, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì văn hóa, giá trị và tôn giáo, dù chuyện gì xảy ra.

Bảo Châu

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/tren-bo-vuc-bi-nhan-chim-tuvalu-tao-ra-ban-sao-cua-chinh-minh-post1445396.html