Trẻ học được gì qua lễ hội truyền thống?

Lễ hội dân gian là sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp thế hệ sau nhớ về công lao của những người đi trước, hiểu rõ hơn về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lịch sử và văn hóa dân tộc mình.

Các em nhỏ tham gia hát quan họ tại Hội Lim ngày 20/2 vừa qua (ngày 13 tháng Giêng âm lịch) (Ảnh: Phương Mai).

Việt Nam có khoảng 7.000 lễ hội diễn ra quanh năm, nhưng tập trung nhiều nhất vào mùa xuân.

Giáo dục học sinh qua lễ hội truyền thống

Nhà trường không chỉ là nơi dạy cho các em học sinh những kiến thức khoa học và kỹ năng xã hội để sau này trẻ có thể vững bước vào đời. Nhiều trường học ngày nay rất chú trọng việc dạy cho trẻ hiểu về truyền thống quê hương, đất nước thông qua những chuyến tham quan các di tích lịch sử và các lễ hội trên địa bàn.

Không phải chỉ khi lễ hội diễn ra học sinh mới có cơ hội được tìm hiểu, mà thông qua các tiết học Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn, hoặc hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ, giáo viên có thể giới thiệu các lễ hội tiêu biểu của địa phương cũng như cả nước tới các em.

Giáo viên cũng có thể khuyến khích học sinh tìm hiểu về lễ hội thông qua các cuộc thi, bài tập nhóm, làm clip giới thiệu về lễ hội địa phương, chia sẻ cảm xúc của các em sau khi trực tiếp tham gia lễ hội...

Việc đưa học sinh đến tham quan, trải nghiệm tại các di tích vào dịp lễ hội được tổ chức cũng là một dịp tuyệt vời để giáo dục trẻ về nguồn gốc của lễ hội, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước trong trẻ, hướng trẻ tới các hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa.

Hiện nay, một số nơi cho phép các trường học được nghỉ 1-2 ngày khi lễ hội địa phương diễn ra. “Trăm nghe không bằng một thấy”, được tham gia trực tiếp vào các lễ hội giúp cho các em học sinh có những cảm nhận và hiểu biết sâu sắc hơn.

Tại phường Đình Bảng, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, năm nào cũng tổ chức lễ hội Đền Đô vào ngày 15/3 âm lịch hàng năm. Tương truyền, đó là ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang (ngày 15/3 năm Canh Tuất - 1010).

Ngày thường, học sinh Đình Bảng rất hay ra Đền Đô chơi vì nơi đây vừa thoáng mát lại sạch sẽ, yên tĩnh; trẻ có thể vừa đạp xe hoặc đi dạo quanh hồ, nhiều nhóm học sinh lại chơi cầu lông hoặc đá cầu...

Ai cũng biết Đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý nhưng Đền có từ bao giờ và vì sao chỉ thờ 8 vị vua mà không phải 9 vị vua (thiếu vua bà Lý Chiêu Hoàng), vì sao ngoài lễ rước Lý Bát Đế thì trước đó một ngày lại có lễ rước Lý Thánh Mẫu Minh Đức Hoàng Thái hậu Phạm Thị (người đã sinh ra vua Lý Thái Tổ) thì nhiều em còn chưa rõ.

Vậy nên, lễ hội Đền Đô chính là cơ hội tuyệt vời để các em tìm hiểu thêm về lịch sử triều đại nhà Lý và những thăng trầm của vùng đất Kinh Bắc quê mình.

Nhiều trẻ nhỏ bị lạc tại các lễ hội (Ảnh: Tiến Tuấn).

Những lưu ý khi cha mẹ cho trẻ tham gia lễ hội

Trẻ có thể học được rất nhiều điều về tín ngưỡng, phong tục, tập quán, truyền thống lịch sử và văn hóa vùng miền thông qua các lễ hội.

Tuy nhiên, lễ hội thường tập trung đông người, thậm chí nhiều lễ hội lớn như lễ hội chùa Hương, Yên Tử, Đền Hùng, hội Lim... năm nào cũng rất đông đúc, thường xảy ra tình trạng chen lấn, tắc đường.

Vì vậy, trừ khi gia đình bạn sinh sống ở nơi diễn ra lễ hội, còn là người ở nơi khác thì không nên đưa trẻ nhỏ đến lễ hội, bởi rất khó để đảm bảo an toàn cho trẻ, thậm chí trẻ có thể bị lạc. Để đảm bảo an toàn, thay vì đi vào chính hội, cha mẹ có thể cho con tới các di tích vào những ngày thường hoặc tới trước lễ hội vài ngày.

Cần phải có người lớn đi kèm nếu trẻ em tham gia lễ hội. Khi cùng trẻ tham gia các lễ hội, cha mẹ nên giải thích cho con hiểu về nghi thức rước lễ, rước ai hay vật gì, ý nghĩa của việc rước tế... Khi trẻ đến xem các trò chơi dân gian, hãy kể cho con nghe về nguồn gốc xuất xứ của các trò chơi và ý nghĩa cũng như luật chơi...

Với trẻ khoảng từ 15 tuổi trở lên và là người dân bản địa, cha mẹ có thể để trẻ đi chơi hội cùng các bạn. Tuy nhiên, hãy nhắc nhở trẻ cất giữ tư trang cẩn thận, đề phòng bị kẻ xấu trộm cắp. Không nên cho trẻ quá nhiều tiền, trẻ sẽ phung phí vào các trò chơi và ăn quà vặt.

Tại nhiều lễ hội thường xuất hiện những trò chơi đỏ đen, cần dặn trẻ không tham gia vào các trò chơi này. Cha mẹ cũng cần đặt ra quy định về thời gian trẻ được đi chơi là bao nhiêu, mấy giờ phải có mặt ở nhà...

Có thể thấy, thông qua lễ hội, các gia đình, nhà trường cũng như cộng đồng có thể giáo dục cho trẻ em nhiều điều bổ ích về truyền thống văn hóa, lịch sử, cũng như ý thức và trách nhiệm bảo tồn các di sản văn hóa.

Khánh Linh

.

Dân sinh

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/tre-hoc-duoc-gi-qua-le-hoi-truyen-thong-20240307162156833.htm