Trẻ em xứng đáng được uống sữa chuẩn thay vì uống nước giải khát có chứa sữa

Thị phần thức uống chứa 'sữa' tăng cho thấy nhu cầu uống sữa của người Việt Nam đã tăng lên. Nhưng nghịch lý là dù số lượng trẻ được uống sữa tăng lên nhưng tỷ lệ trẻ em bị thiếu chất vẫn rất cao. Điều này rất khó hiểu.

Trẻ được uống sữa mỗi ngày, nhưng lại có nghịch lý dinh dưỡng

Năm 2022, theo khảo sát dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia công bố, có đến 50% trẻ em Việt Nam chưa đáp ứng được các nhu cầu vi chất thiết yếu.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến con số này đến từ những bữa ăn “lệch chất” của trẻ. Đặc biệt là bữa sáng, khi trẻ được ăn nhiều tinh bột, tạo cảm giác no bụng nhưng thực tế chưa đủ chất. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị, ngoài các bữa ăn chính hàng ngày, cha mẹ có thể bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bằng các thực phẩm bổ sung như sữa.

Nhưng điều này chỉ thực sự xảy ra khi trẻ được uống những hộp sữa chuẩn dưỡng đúng nghĩa. Không phải cứ uống sữa là sẽ đủ chất. Có nhiều khi, con bạn vẫn được uống sữa mỗi ngày, nhưng ngày càng béo phì trong khi cơ thể vẫn thiếu vi chất dinh dưỡng.

Con cháu chúng ta đang uống “sữa” gì?

Theo báo cáo của NielsenIQ về thị trường sữa nước tại Việt Nam, so sánh trong 1 năm (từ tháng 9/2022 đến tháng 8/2023) với khoảng thời gian cùng kỳ của 2 năm trước đó, ngành hàng sữa nước đã giảm 8% về doanh số bán hàng. Trong khi ngành hàng thức uống chứa “sữa” tăng hơn 26%.

Sự sụt giảm doanh số của ngành hàng sữa nước (sữa dinh dưỡng) và sự tăng lên đáng kể của ngành hàng thức uống chứa “sữa” đặt ra những vấn đề quan ngại. Thứ nhất, người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em có đang được cung cấp dinh dưỡng đúng theo khuyến nghị của bộ Y Tế để phát triển đúng mục tiêu dinh dưỡng hay không?

Người tiêu dùng cần phân biệt rõ: Sữa nước (sữa dinh dưỡng) bao gồm các sản phẩm có nguồn gốc động vật như bò, dê,.... có thể có hương vị hoặc không có hương vị, nguyên bản, ngọt hoặc ít đường. Sữa chua uống là đồ uống sẵn lên men do tác động của vi khuẩn, có thể có hương vị hoặc không có hương vị. Còn sữa trái cây bao gồm các sản phẩm sữa nước có chứa nước ép trái cây và không phân biệt tỷ lệ sữa/nước trái cây trong thành phần.

Vậy tức là, số lượng người uống sữa chuẩn để bổ sung dinh dưỡng thì giảm đi, còn số lượng người uống nước giải khát có chứa sữa thì tăng lên. Điều này đã dẫn đến thực trạng thừa cân nhưng thiếu chất.

Tại sao mẹ đã cho con uống sữa nhưng lại không đủ chất?

Người dùng có đang bị nhầm lẫn giữa sữa chuẩn chứa 2,7g đạm/100ml và thức uống chứa sữa?

Câu hỏi thứ hai, liệu người tiêu dùng có đang nhầm lẫn giữa sữa chuẩn dưỡng đúng nghĩa với các sữa thức uống chứa sữa khác? Đáp án là có và sự nhầm lẫn này trước hết là do người dùng đang bị sa vào ma trận bẫy.

Đầu tiên là bẫy trưng bày. Hầu hết các phụ huynh đều đang mặc định tất cả các sản phẩm được xếp ở khu vực sữa đều là sữa chuẩn dưỡng. Nhưng không, đó là là cảm giác, là ngầm hiểu. Cùng có chữ “sữa” trong tên nhưng bản chất lại không hề giống nhau.

Tiếp theo là bẫy nhãn mác. Chỉ cần nhìn thấy chữ “SỮA” thật to trên bao bì sản phẩm thì đều cho rằng đó là sữa. Nhưng sự thật là hàm lượng sữa lại rất ít, protein và canxi thì rất thấp (có thể chưa đạt 20% tiêu chuẩn của Bộ Y Tế).

Văn bản về các chỉ tiêu lý hóa trong sữa dạng lỏng của Bộ Y tế đã quy định rõ về hàm lượng 2,7g đạm/ 100ml

Cuối cùng là bẫy tâm lý. Phụ huynh thường hiểu nhầm sản phẩm có sữa kết hợp những dưỡng chất khác như sữa trái cây, sữa thêm vitamin ABC,… sẽ tốt hơn sữa thông thường. Tuy nhiên, những chất vitamin thêm vào thực chất đã có sẵn tự nhiên trong sữa thật, với hàm lượng có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và vi chất của trẻ em trong tuổi phát triển.

Hậu quả của ma trận bán hàng đó là bạn có ý định mua sữa, nhưng thực tế lại đang cho con uống nhầm nước giải khát có chứa sữa. Những ly/hộp sữa này không giúp con bạn đủ chất dinh dưỡng, chỉ khiến con bạn no bụng, thỏa mãn sở thích và dễ béo phì.

Giữa hàng loạt thức uống đều có chữ “sữa", người tiêu dùng khó mà thoát ra khỏi ma trận

Đừng để người tiêu dùng “đơn thương độc mã”

Không khó hiểu khi người tiêu dùng lại dễ dàng sa vào ma trận bẫy bán hàng như thế này. Một phần nhỏ xuất phát từ tâm lý dễ dãi trong việc mua sắm, nhưng phần nhiều lại do các nhà sản xuất chỉ tìm cách để bán hàng, mà bỏ qua việc cung cấp đầy đủ thông tin minh bạch. Thậm chí còn cố ý để các thông tin gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Thực tế, đã có luật quy định về quảng cáo gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Theo khoản 3 Điều 45 của Luật cạnh tranh năm 2018, cấm cũng như quy định xử phạt đối với doanh nghiệp đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về một trong các nội dung thông tin sản phẩm. Tuy nhiên, luật đã được áp dụng như thế nào đối với những nhà sản xuất đang cố tình gây nhầm lẫn giữa sữa trái cây với sữa chuẩn dưỡng thì vẫn là một dấu chấm hỏi lớn.

Bên cạnh nhà sản xuất, các cơ quan chức năng như quản lý thị trường cũng cần vào cuộc để bảo vệ người tiêu dùng trước thực trạng sản phẩm hỗn loạn như thế.

Tuy nhiên, trước khi chờ các nhà sản xuất có những sự thay đổi hoặc chờ sự can thiệp từ cơ quan chức năng, chính người tiêu dùng cần chủ động nắm rõ: thế nào sản phẩm sữa chuẩn dưỡng đúng nghĩa? Theo quy định của Bộ Y Tế, sữa chuẩn dưỡng phải chứa 2,7g đạm/100ml. Hãy đưa ra lựa chọn sữa chất lượng sẽ cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển lâu dài của con. Tóm lại, đừng vì sự dễ dàng và thiếu hiểu biết của mình, mà để con thay vì được uống sữa dinh dưỡng lại đang uống nước giải khát mỗi ngày.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tre-em-xung-dang-duoc-uong-sua-chuan-thay-vi-uong-nuoc-giai-khat-co-chua-sua-post1597749.tpo