Trẻ em điều khiển phương tiện gây tai nạn: Người lớn chưa tròn trách nhiệm

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, thời gian gần đây, trên cả nước đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan thanh, thiếu niên điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe.

Hầu hết trẻ em được "cấp" xe đều tự đi, tự lái và cũng "tự lo" lúc ra đường. Trách nhiệm của người lớn không đơn thuần chỉ là trả tiền mua xe. Phanh (thắng) xe đóng vai trò quan trọng nhất nhưng không được kiểm tra thường xuyên, lúc cần giảm tốc độ mới biết bị hỏng từ trước đó, "thắng không ăn" thì đã quá muộn. Thông cảm với những phụ huynh vì mưu sinh nên đành để con em tự túc đi xe đến trường. Thế nhưng, "tính mạng con người là trên hết", đừng để lợi bất cập hại, bởi vì với tai nạn giao thông sẽ không có cơ hội sửa sai, ân hận.

Người dân ở huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) hôm 02/9 hoảng hốt khi chiếc ôtô tông vào 5 xe máy dừng đèn đỏ trên địa bàn huyện, khiến 5 nạn nhân thương tích. Theo Công an huyện Tuy Phong, 5 xe máy bị tai nạn thiệt hại hơn 42 triệu đồng. Theo nhận định ban đầu từ Trung tâm Pháp y tỉnh Bình Thuận, tổng tỉ lệ thương tích của cả 5 nạn nhân khoảng 50% (người có tỉ lệ thấp nhất 1 - 3%, người cao nhất từ 19 - 27%). Điều đáng chú ý, tài xế gây tai nạn là N.C.H, mới 16 tuổi. Theo lời khai của những người liên quan, hôm đó, ông N.C.T - bố của H. do mệt mỏi nên giao cho con điều khiển ôtô. Dư luận quan tâm việc người bố giao xe cho con trai chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, cùng với thiếu niên này không có giấy phép lái xe, cơ quan chức năng sẽ xử lý ra sao?

Theo Công an huyện Tuy Phong, hiện chưa đủ cơ sở khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với N.C.H (người lái xe gây tai nạn) về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo khoản 2, điều 260 BLHS và ông N.C.T về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo khoản 1, điều 264 BLHS. Cũng theo đơn vị này, phải chờ quá trình điều trị vết thương của các bị hại, sau khi bình phục tiếp tục giám định, nếu tổng tỉ lệ thương tật của các nạn nhân từ 61% đến 121% theo điều 260 Bộ luật Hình sự, sẽ tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy Phong đã đưa vụ tai nạn giao thông trên vào tin báo tố giác tội phạm, tiến hành điều tra theo quy định.

Hiện trường vụ tai nạn do học sinh điều khiển xe máy ở Vĩnh Phúc làm một chiến sĩ cảnh sát giao thông bị thương

Trên thực tế, đã có nhiều vụ liên quan đến việc giao phương tiện cho người chưa đủ 18 tuổi điều khiển, gây tai nạn đã bị khởi tố. Liên quan đến vụ giao xe máy cho con trai chưa đủ 16 tuổi, trước đó, ngày 10/8, Công an huyện Đăk Đoa (Gia Lai) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Văn T. về hành vi "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ". Theo hồ sơ, ông T. giao xe máy cho con là L.N.H (15 tuổi) điều khiển. Thiếu niên này đã gây tai nạn làm em H.Đ.N tử vong.

Trước đó, ngày 31/5, Công an TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đã ra quyết định khởi tố bị can Trần Hoàng V (18 tuổi) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ". Theo điều tra, ngày 07/9/2022, dù biết em P. chưa đủ 18 tuổi, không có giấy phép lái xe nhưng Việt vẫn giao xe máy cho học sinh này điều khiển dẫn đến xảy ra tai nạn nghiêm trọng khiến 4 người bị thương, trong đó có nữ sinh bị chấn thương sọ não nặng, thương tật 97%.

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ngày 12/3/2021 tại Hải Phòng cũng do 2 học sinh (SN 2005, chưa có giấy phép lái xe) điều khiển xe gắn máy va chạm với ôtô làm hai thiếu niên tử vong. Hay vụ tai nạn giao thông ngày 11/3, tại Vĩnh Phúc, do 2 học sinh (SN 2004) điều khiển xe môtô, không đội mũ bảo hiểm, phóng với tốc độ cao đã cố tình đâm vào lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, hậu quả làm một chiến sĩ cảnh sát giao thông bị thương.

Từ những vụ việc nêu trên, để hạn chế các vụ việc học sinh, người chưa đủ tuổi điều khiển xe môtô, chưa có giấy phép lái xe, điều khiển phương tiện gây ra tai nạn, các cơ sở giáo dục, các trường học trên địa bàn phối hợp cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông. Đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe môtô, xe gắn máy, không điều khiển xe môtô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe phù hợp; phối hợp các cơ quan đơn vị liên quan tăng cường tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn học sinh kỹ năng tham gia giao thông an toàn với xe máy điện, xe đạp điện, xe đạp.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông yêu cầu cha mẹ học sinh ký và thực hiện cam kết với nhà trường về việc bảo đảm an toàn giao thông cho con, em mình; không giao xe môtô, xe gắn máy cho con, em mình điều khiển khi chưa đủ tuổi hoặc khi chưa có giấy phép lái xe phù hợp; cha, mẹ và gia đình có trách nhiệm phổ biến kiến thức pháp luật, hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn trước khi cho phép con, em mình điều khiển xe gắn máy, xe đạp điện.

Hiện trường vụ tai nạn do tài xế 16 tuổi gây ra ở Bình Thuận

Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong các nhà trường trong việc giữ gìn trật tự, an toàn giao thông; đẩy mạnh Cuộc vận động "Học sinh, sinh viên với văn hóa giao thông"; thực hiện "Đã uống rượu, bia - Không lái xe"; tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động giúp thanh, thiếu niên hoàn thiện các kỹ năng tham gia giao thông an toàn; cách lựa chọn và sử dụng mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng quy định; cách nhận diện và phòng tránh các tình huống có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Các cơ quan thông tấn, báo chí ở địa phương, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông liên quan đến môtô, xe máy, xe máy điện, xe đạp điện cho thanh, thiếu niên và học sinh.

Theo khoản 9, 10, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, khi người tham gia giao thông chưa đủ tuổi hay chưa có giấy phép lái xe gây tai nạn cho người khác thì chính người lái xe và cả người giao xe cho người chưa đủ điều kiện đều có hành vi vi phạm pháp luật.

Về trách nhiệm hình sự, theo quy định tại khoản 1 điều 12 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà bộ luật có quy định khác, trong đó không có loại trừ tội danh điều 260. Nếu chưa đủ 16 tuổi, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo qui định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

XUÂN MINH

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/giao-thong-24h/nguoi-lon-chua-tron-trach-nhiem_152188.html