Trẻ em chết sau khi tiêm váccin: Kết luận "mù mịt", giải pháp "tối tăm"

Sau hàng loạt trường hợp trẻ em chết do tiêm vaccin 5 trong 1 Quinvaxem, hết lần này đến lượt khác Bộ Y tế đình chỉ loại vaccin này để kiểm tra chất lượng và đưa ra kết luận...

Loại vacxin nhập khẩu từ Hàn Quốc gây tai họa.

Những ông bố bà mẹ có điều kiện thì sẵn sàng bỏ tiền cho các con của mình tiêm vaccin của Bỉ, bên cạnh đó ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm nơi có trường hợp trẻ bị tử vong do tiêm chủng hay những gia đình có thu nhập thấp khác, các bậc phụ huynh vẫn phải tin tưởng vào những kết luận "mịt mù" về loại vaccin gây tai họa này. Đơn giản vì họ không có đủ tiền, không đủ khả năng kiểm tra chất lượng…

Những tai họa đau lòng

Ngày chủ nhật, Trạm Y tế xã Yên Thường, huyện Gia Lâm vẫn làm việc. Vụ việc cháu Nguyễn Thành Long con của anh Nguyễn Văn Bồi và chị Vũ Thị Hoa Linh ở thôn Yên Khê, xã Yên Thường bị tử vong sau khi tiêm vaccin 5 trong 1 đã xảy ra cách đây hơn 3 tháng nhưng vẫn là nỗi ám ảnh của người dân ở đây, đặc biệt là của các cán bộ Trạm Y tế xã.

Y sĩ Nguyễn Hữu Ngoạn kể lại về buổi tiêm chủng mở rộng hôm ấy có đến hơn 170 cháu đến tiêm. Tất cả các cán bộ y tế xã đều đã được tập huấn về tiêm chủng theo các chương trình thường niên của Bộ Y tế. Quy trình tiêm chủng được thực hiện đầy đủ từ khâu vận chuyển và bảo quản vaccin cho đến khám sức khỏe và phân loại trẻ.

Quy định sau khi tiêm các bé phải ở lại theo dõi 30 phút sau đó mới được về nhà nhưng có thể có những người bế con về sớm là ngoài sự kiểm soát của Trạm Y tế xã với 5 cán bộ. Ông Ngoạn cho biết, từ nhiều đợt tiêm chủng mở rộng trước, thông thường các cháu sau khi tiêm chủng đều có phản ứng với vaccin là sốt nhẹ dưới 38 độ, sau đó chỉ cần cho uống thuốc hạ sốt. Sự việc xảy ra với gia đình cháu Long là trường hợp không may mắn đầu tiên ở đây.

Mẹ bé Nguyễn Thành Long.

Gặp gia đình bé Long vào những ngày này không khí buồn bã đau thương vì sự ra đi đột ngột của cháu vẫn còn. Chị Vũ Hoa Linh- mẹ bé Long 3 tháng nay vẫn thường xuyên tiếp xúc với các báo đài về chia sẻ và phỏng vấn chị về quá trình chăm sóc bé Long và sự việc đau lòng xảy ra với cháu. Gia đình chị cũng yêu cầu các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân tử vong của cháu Long nhưng đến bây giờ vẫn chưa có câu trả lời xác đáng. Nguyên nhân chưa rõ ràng, nỗi buồn gia đình liên tục được khơi ngợi là một mất mát lớn hơn cho những gia đình có trẻ bị tử vong do tiêm vaccin.

Trước đó chỉ trong 3 ngày (7-10/2012) liên tiếp 3 bé 3 tháng tuổi tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An cũng tử vong sau khi được tiêm vaccin Quinvaxem mũi 1 và uống vaccin bại liệt lần 1 tại Trạm Y tế xã. Gần đây Ngày 18/3 Sở Y tế Lâm Đồng đã ghi nhận trường hợp tử vong sau khi tiêm chủng vaccin Quinvaxem của cháu bé 4 tháng tuổi, ngụ tại phường 7, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Bé tử vong ngày 16/3 sau khi tiêm chủng trong đợt tiêm chủng mở rộng toàn thành phố sáng 15/3. Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng, lô thuốc Quinvaxem tiêm chủng tại phường 7 có mã số 1453127. Ngày 16/3, Viện Pasteur TP HCM đã cử người kiểm tra toàn bộ quy trình tiêm chủng, lưu trữ thuốc trên địa bàn TP Đà Lạt và kết luận các quy trình đều đảm bảo. Đồng thời, viện thu gom các vỏ thuốc đã sử dụng để kiểm tra chất lượng vaccin

Theo gia đình cháu bé, sáng 15/3 trước khi tiêm bé vẫn khỏe mạnh. Đến 14g cùng ngày, bé có biểu hiện sốt nhẹ tuy vẫn bú sữa bình thường. Gia đình tự mua thuốc hạ sốt Equimol cho bé uống hai lần vào chiều và tối, mỗi lần 1/6 gói. Đến khoảng 16h thì bé lười bú và vẫn còn tiếp tục sốt. 7h30 ngày 16/3, thấy bé còn say ngủ, gia đình đánh thức thì phát hiện bé đã tử vong.

Y sĩ Trần Thị Hạnh, Trạm trưởng Trạm Y tế phường 7 (Đà Lạt) - nơi bé P.A. tiêm vaccin, cho biết cùng tiêm trong ngày hôm đó có 143 cháu bé cùng độ tuổi trên địa bàn phường, tuy nhiên hiện các bé này vẫn bình thường, không có dấu hiệu phản ứng nặng sau khi tiêm. Tại Đà Lạt, đây là vụ thứ 2 liên tiếp trẻ tử vong sau khi tiêm vaccin Quinvaxem. Loại vaccin này do Hàn Quốc sản xuất dùng tiêm ngừa năm bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ do Hib với một mũi tiêm duy nhất.

Nguyên nhân do đâu?

Ông Nguyễn Hữu Ngoan, Y sĩ Trạm y tế xã Yên Thương.

Ông Nguyễn Hữu Ngoạn, y sĩ Trạm Y tế xã Yên Thường cho biết: Sau vụ việc đau lòng của cháu Long cũng gây nhiều hoang mang cho các bậc phụ huynh của xã nhưng sau khi có kết luận từ Bộ Y tế rằng nguyên nhân không phải do Vac-xin Quinvaxem, tuy hơi ái ngại những cũng không dám không cho các bé tiếp tục tiêm chủng.

Theo kinh nghiệm của ông Ngoạn, các bậc phụ huynh nên theo dõi tình trạng sức khỏe của bé trước và sau khi tiêm thật kĩ. Nếu mắc các bệnh như sốt hay ỉa chảy…thì không nên cho bé tiêm chủng đợt đó mà đợi đến khi sức khỏe bé ổn định trở lại. Riêng đối với các y sĩ tiến hành tiêm chủng như ông cũng không thể có khả năng phán đoán được các tác dụng phụ hoặc sai sót từ những lọ vaccin tiêm vào cơ thể các cháu.

Chị Nguyễn Kim Lan tại Hà Nội nói rằng: dù kinh tế gia đình không mấy khá giả nhưng chị vẫn cho con đến tận Trung tâm Y tế dự phòng tiêm vacxin nhập khẩu từ Bỉ với giá một mũi tiêm là 500 đến 700 nghìn vì cho rằng tiền nào của nấy, đắt một chút nhưng đảm bảm sức khỏe cho con là điều các bậc phụ huynh quan tâm nhất.

Trước những tai họa xung quanh việc tiêm chủng cho trẻ, Chị Lan cho rằng, việc làm thiết thực Bộ Y tế là ngừng sử dụng loại vaccin này một cách triệt để để điều tra nguyên nhân. Với hành động chiẩ rà soát và báo cáo là một cách làm thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng trước hàng loạt hậu quả nghiêm trọng liên quan đến tính mạng của con người liên quan đến loại vaccin 5 trong 1 được nhập khẩu từ Hàn quốc.

Các hội đồng chuyên môn của các Sở Y tế được lập ra kiểm tra chất lượng của các liều vaccin được sử dụng để tiêm cho các trường hợp bé tử vong đều đưa ra kết luận: Vaccin Quinvaxem vô can, quy trình tiêm chủng cũng không có vấn đề gì. Không loại vaccin nào là an toàn 100% Những trường hợp phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng, đau… là các biểu hiện hay gặp phải sau khi tiêm vaccin. Phản ứng sốc nặng cũng có thể qua khỏi nếu được điều trị kịp thời và thích hợp.

Trạm y tế xã Yên Thương.

Các hội đồng đưa ra một số giả thuyết rằng các bé tử vong vì lý do khác như trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh khác của trẻ tại thời điểm tiêm chủng, và cho rằng do từ phía gia đình không cho khám nghiệm tử thi hay trong lúc các em bé có biểu hiện khác thường không đưa ngay đến Trạm Y tế để theo dõi. Những lô vaccin 5 trong 1 được đình chỉ để kiểm tra rồi lại được cho phép dùng trở lại, đến thời điểm hiện tại vẫn còn đến 4 triệu liều vac-xin được tiếp tục cho phép sử dụng với tỉ lệ số ca tử vong tiếp theo là 4 ca nữa.

Trong cuộc họp mới đây bàn về các yếu tố liên quan đến tai biến sau tiêm vaccin Quinvaxem, hội đồng chuyên môn xử lý tai biến sau tiêm của Bộ Y tế đã quyết định ngừng sử dụng các lô vaccin có phản ứng nhiều. Đồng thời đề nghị gửi mẫu độc lập cho WHO và gửi 1 mẫu cho các nước có năng lực về xét nghiệm để xem tính chất các loại vaccin này có vấn đề gì khác thường hay không. Bên cạnh đó Bộ cũng đề nghị một đoàn chuyên gia do Cục Quản lý dược phụ trách đến nhà sản xuất tìm hiểu quy trình sản xuất vaccin này.

Không biết với những kết luận "mịt mờ" và giải pháp " tối tăm" như thế này thì các ông bố bà mẹ sẽ xử trí như thế nào đối với sức khỏe và sử phát triển của các em bé.

Sau những tai họa khủng khiếp xung quanh vaccin Quinvaxem cùng những kết luận sự vô can của loại Vaccin này, tiếp tục có trẻ em bị tử vong. Theo thông tin từ văn phòng Cục Y tế dự phòng chỉ có Đồng chí Cục Trưởng có quyền phát ngôn về vấn đề trên. Chúng tôi đã gọi điện ông Nguyễn Văn Bình Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y Tế nhưng đồng chí Bình không bắt máy. Người dân đặt hết tin tưởng vào mỗi phát ngôn Bộ đưa ra nhưng trong trường hợp cả những người quản lý cũng hoang mang trước sự việc nghiêm trọng trên thì đâu là giải pháp có lợi nhất cho người dân?

Nguồn CAND: http://cstc.cand.com.vn/vi-vn/nguocsang/dendodo/2013/4/184923.cand