Trẻ dưới 4 tuổi phải có ghế riêng khi đi ô tô, nên chọn loại nào?

Trước đề xuất trẻ dưới 4 tuổi sẽ buộc phải có ghế riêng khi đi ô tô, nhiều phụ huynh phân vân không biết loại ghế nào sẽ phù hợp và chất lượng.

Tràn lan thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô không rõ nguồn gốc

Tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) dự kiến sẽ được góp ý lần đầu vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2023) tới đây, Bộ Công an đề xuất trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.

Trước đề xuất trẻ dưới 4 tuổi sẽ buộc phải có ghế riêng khi đi ô tô, nhiều phụ huynh đang quan tâm đến giá cả, chất lượng sản phẩm này

Trước đề xuất này, nhiều phụ huynh bày tỏ sự quan tâm về việc lựa chọn ghế cho trẻ em trên thị trường Việt Nam thế nào để phù hợp và đảm bảo chất lượng.

Chị Phạm Thị Huyền (trú tại quận Nam Từ Liêm) chia sẻ, chị có con gái nhỏ khoảng 3 tuổi, trước đây, khi đưa con đi học bằng ô tô, chị thường để con ngồi ghế phụ phía trước và thắt dây an toàn của người lớn cho con, có hôm trời nắng, chị lại để bé ngồi phía sau.

“Cách đây một tuần, khi tôi đưa con đi học, đang lưu thông trên đường Cầu Diễn bất ngờ gặp hai bạn sinh viên sang đường đột ngột khiến tôi phải phanh gấp, con gái ngồi ở phía sau chưa thắt dây an toàn, lao về phía trước ngã xuống sàn xe”, chị Huyền kể và cho biết, may mắn, con gái chị không bị thương.

Dù vậy, ngay trong ngày hôm đó, chị Huyền lập tức tìm hiểu về ghế trẻ em trên ô tô để mua và lắp đặt trên xe cho con gái sử dụng.

Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu và đánh giá Thái Bình Dương, tổng chi phí mất đi đối với trung bình 296 trẻ từ 0-4 tuổi tử vong và khoảng 85.800 trẻ bị thương khi tham gia giao thông trên phương tiện cơ giới vượt quá 5,3 tỷ USD, chi phí trung bình cho mỗi trẻ em là khoảng 13.800 USD.

Việc sử dụng TBAT cho trẻ em trên ô tô sẽ giảm được 50% khả năng tử vong hoặc bị thương đối với trẻ khi phương tiện xảy ra va chạm. Nếu TBAT được sử dụng một cách chính xác và đúng cách thì tỷ lệ này tăng lên 58%, tổng chi phi ước tính có thể tiết kiệm được cho xã hội lên tới 1,6 tỷ USD.

“Con gái tôi vốn hiếu động, rất ít khi ngồi yên một chỗ, lúc đầu, tôi cũng lo con không hợp tác khi ngồi ghế riêng trên ô tô. Nhưng sau cú ngã hôm trước, được mẹ hướng dẫn về tác dụng của ghế giúp đảm bảo an toàn cho con, con gái tôi rất thích thú và phấn khởi khi sử dụng.

Tôi cho rằng đề xuất tại dự thảo Luật TTATGT quy định trẻ dưới 4 tuổi phải có ghế thiết kế dành cho trẻ em hoàn toàn phù hợp. Kể cả Luật chưa quy định, cha mẹ cũng nên trang bị để đảm bảo an toàn cho con”, chị Huyền nói.

Theo chị Huyền, ghế cho trẻ em trên ô tô có rất nhiều loại, từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng từ nhiều đơn vị sản xuất cả trong nước và quốc tế.

“Trong lúc hoang mang không biết nên lựa chọn loại nào để đảm bảo chất lượng, tôi được bạn giới thiệu ghế an toàn cho trẻ của Protec, một công ty chuyên sản xuất mũ bảo hiểm cho trẻ em và thường góp mặt trong các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và các dự án giáo dục về ATGT thông qua các chương trình hoạt động của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) tại Việt Nam”, chị Huyền nói và cho biết, chiếc ghế chị chọn phù hợp cho trẻ từ 9 tháng đến 12 tuổi tương ứng với cân nặng 9-36kg, nhờ đó có thể sử dụng lâu dài.

Trong một hội thảo về thiết bị an toàn (TBAT) trên xe ô tô cho trẻ em tại Việt Nam, bà Bùi Thanh Hường, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Thiết bị và Sản phẩm an toàn Việt Nam Protec cho biết, kết quả khảo sát về tình trạng sẵn có và giá bán các sản phẩm TBAT cho thấy hiện nay có tổng cộng 10 nhãn hàng TBAT với 47 sản phẩm tại thị trường Việt Nam, trong đó có 10 hãng có trang web và nhà phân phối chính thức, còn lại một số mặt hàng không có nguồn gốc xuất xứ được bán nhiều trên các trang thương mại điện tử.

Các nhãn hàng bao gồm nhiều sản phẩm dành cho các đối tượng từ 0-54,5kg nhưng phổ biến nhất là dành cho đối tượng từ 0-36kg.

Nếu phân theo kiểu loại, tại thị trường Việt Nam chủ yếu có 3 loại ghế, gồm: ghế nôi sơ sinh, ghế ngồi quay trước, ghế nâng kết hợp. Không có sản phẩm chính hãng đạt tiêu chuẩn nào dưới 1 triệu đồng và có 51,1% số sản phẩm trên 5 triệu, còn lại là sản phẩm từ 1-5 triệu.

Ngoài ra, còn có sản phẩm đệm nâng không lưng tựa hỗ trợ thắt dây an toàn cho trẻ lớn (Booster) giá từ 250.000 – 500.000 đồng, tuy nhiên sản phẩm này không đạt tiêu chuẩn về ghế ngồi ô tô.

Ngoài các sản phẩm chính hãng, trên các sàn thương mại điện tử còn có các sản phẩm không rõ hãng sản xuất đến từ các nước Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông có giá thành rất rẻ, chỉ từ 139.000 - 449.000 đồng.

TS Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, hiện nay tại Việt Nam chưa có quy định, tiêu chuẩn về chất lượng của TBAT cho trẻ em trên ô tô, do đó, cần nghiên cứu để đưa ra quy định phù hợp.

Từ đó, kiểm soát chặt chẽ chất lượng các sản phẩm TBAT trên thị trường, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của TBAT cũng như việc nhận diện các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng để hỗ trợ người dân tìm kiếm, lựa chọn sản phẩm phù hợp đối với trẻ.

Hiện có tổng cộng 10 nhãn hàng thiết bị an toàn với 47 sản phẩm tại thị trường Việt Nam.

Thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ cần đáp ứng tiêu chí nào?

Ths. BS Dương Kim Tuấn, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ giúp đảm bảo trẻ không bị văng ra khỏi chỗ ngồi, ngăn chặn việc trẻ bị va đập vào các bề mặt nội thất của xe hay các vật thể bên ngoài, hướng các lực tác động lên trẻ tới các vị trí có sức chịu lực mạnh nhất trên cơ thể trẻ và phân bố lực tác động trên diện rộng, bảo vệ phần đầu, cổ và cột sống của trẻ sẽ giúp trẻ tránh không bị thương bên trong xe khi xảy ra va chạm.

Về tiêu chí của TBAT, tuy Việt Nam chưa có nhưng theo nhóm nghiên cứu trường Đại học Y tế công cộng, tại châu Âu, các nhà sản xuất phải đảm bảo tuân thủ quy định do Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc tại Châu Âu (UNECE) soạn thảo, bao gồm các quy định về thông số kỹ thuật chung và cụ thể đối với.

Tùy theo từng phân loại, TBAT đều phải được gắn chặt vào cấu trúc xe hoặc cấu trúc ghế ngồi. Đối với TBAT loại đệm nâng (Booster) phải được cố định bằng dây an toàn dành cho người lớn.

Nhà sản xuất phải có văn bản tuyên bố về tính độc hại của vật liệu sử dụng trong sản xuất TBAT và trẻ em có thể an toàn khi tiếp cận, sử dụng.

Thiết bị cho nhóm trẻ dưới 10kg và trẻ dưới 13kg không được sử dụng cho trường hợp quay mặt về phía trước. Khi sử dụng, lắp đặt và tháo gỡ phải dễ dàng, nhanh chóng.

Thiết bị cho nhóm trẻ từ 9-18kg phải giữ được trẻ ở vị trí phù hợp ngay cả khi trẻ đang ngủ.

Đối với nhóm trẻ từ 15-36kg: Tất cả các thiết bị có sử dụng dây đeo đùi, phải đảm bảo rằng lực tải trọng do dây này truyền qua khung xương chậu của trẻ. Đai hình chữ Y chỉ có thể được sử dụng trong trường hợp ghế cho trẻ em quay mặt về phía sau.

Bên cạnh đó, thiết bị an toàn phải tuân thủ đạt các yêu cầu trong thử nghiệm đối với: chống ăn mòn; hấp thụ năng lượng; lật ngược; các bài kiểm tra về động năng.

Hình ảnh minh họa cho trường hợp ghế cho trẻ em quay mặt về phía sau

Yến Chi

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/tre-duoi-4-tuoi-phai-co-ghe-rieng-khi-di-o-to-chon-loai-nao-de-dam-bao-d598730.html