Trẻ đón tết thiếu nhi với đồ chơi Trung Quốc

Tết thiếu nhi 1.06 đang đến gần, tại nhiều siêu thị, các cửa hàng… đều tổ chức nhiều chương trình khuyến mại lớn với các mặt hàng như: đồ chơi, quần áo, đồ ăn cho trẻ nhỏ. Đồ chơi cho trẻ chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, mặc cho những thông tin về sự độc hại của hàng hóa này.

Hầu hết là đồ chơi Trung Quốc

Tại một số tuyến phố của Hà Nội như Hàng Mã, Lương Văn Can… để chuẩn bị cho Tết thiếu nhi 01.06 các cửa hàng đã nhập nhiều loại đồ chơi với màu sắc, chủng loại đa dạng. Đồ chơi năm phần lớn vẫn là các mô hình siêu nhân, gấu bông, ô tô, súng… Giá thành đồ chơi từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng tùy bộ.

Theo một chủ cửa hàng tại phố Lương Văn Can cho biết: “Hiện tại nhiều bố mẹ cũng bắt đầu đi mua đồ chơi cho các bé. Con gái thì mua búp bê, gấu bông, bộ đồ nấu bếp, con trai thì mua siêu nhân, ô tô, súng…” Khi được hỏi về tình hình bán hàng chủ cửa hàng cho biết: vẫn khá chậm.

Theo khảo sát của phóng viên, dù thú nhún chứa chất Phthalates cao và có nguy cơ gây ung thư, vô sinh không được các chủ cửa hàng bày bán nhưng khi người mua hỏi thì vẫn có.

Tại TP.HCM, những cửa hàng chuyên doanh đồ chơi trẻ em trên đường Hai Bà Trưng (Q.1), Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận) đồ chơi khá da dạng. Năm nay, thị trường đồ chơi có thêm mô hình “nhân vật Gangnam Style” nhiều kích cỡ, giá 35.000 - 138.000đ được trẻ chuộng.

Có một điều đáng lưu tâm là dù ở Hà Nội hay Tp.HCM thì đồ chơi được bày bán chủ yếu cũng đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Mặc dù, những thông tin về đồ chơi Trung Quốc chứa chất độc hại đã được đưa nhiều trên báo chí và truyền hình, và được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Chủ cửa hàng tại phố Lương Văn Can cho biết: “Đồ chơi Trung Quốc chủng loại đa dạng, màu sắc bắt mắt giá thành lại rẻ nên dễ bán. Đồ chơi Việt Nam thì chưa có nhiều, đơn điệu trẻ không thích.”

Tại những nhà sách, siêu thị tình trạng cũng tương tự. Đồ chơi có xuất xứ từ Việt Nam chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, nếu có thì chủ yếu là các loại đồ chơi lắp ráp, xếp hình, học chữ bằng gỗ, nhựa. Còn lại, các mặt hàng như gấu bông, búp bê, mô hình siêu nhân… bắt mắt chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo một nhân viên bán hàng tại siêu thị Thành Đô-Hồ Tùng Mậu cho biết: “Trẻ con chủ yếu thích thú nhồi bông, búp bê hay mô hình siêu nhân nên bố mẹ các bé cũng hay chọn loại này (của Trung Quốc-PV). Những hàng đồ chơi Việt bằng gỗ bán chậm hơn hẳn”.

Tại một số cửa hàng bán đồ chơi nhập khẩu từ Châu Âu, mức giá nhiều loại đồ chơi cao gấp nhiều lần và không hợp túi tiền của nhiều người tiêu dùng Việt. Đơn cử, bộ đồ chơi lego cỡ nhỏ có giá 250.000 đồng/bộ, sản phẩm cùng loại của Trung Quốc chỉ 40-50.000 đồng/bộ, hình siêu nhân bằng nhựa của châu Âu có giá 45.000 đồng/túi trong khi hàng Trung Quốc chỉ có giá 10.000-15.000 đồng.

Chính vì giá rẻ và màu sắc bắt mắt nên đồ chơi Trung Quốc lại càng ẩn chưa nhiều chất độc hại. Nhưng do những mặt hàng do Việt Nam sản xuất còn ít, đơn điệu, những mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài lại có giá thành quá cao nên đồ chơi Trung Quốc vẫn chiếm thế thượng phong.

Tại nhiều siêu thị, cửa hàng quần áo trẻ em cũng đang triển khai các chương trình khuyến mại. Tuy nhiên, sản phẩm giảm giá chủ yếu là những mẫu mã cũ, mẫu mới giá giảm chỉ từ 5-15%. Những hàng hóa có mức giá trung bình từ 80.000- 150.000 được khách hàng lựa chọn nhiều hơn.

Nghèo nàn khu vui chơi cho trẻ

Tại Hà Nội năm nay các khu vui chơi cho trẻ em vẫn là vườn thú, công viên Thủ Lệ, công viên nước Hồ Tây… Nhìn chung các khu vui chơi cho trẻ nhỏ còn thiếu và đơn điệu về mô hình giải trí. Các bậc cha mẹ có thể có một số lựa chọn khác như đưa con cái đến các rạp chiếu phim, xem xiếc tại Rạp xiếc trung ương, xem múa rối tại Nhà hát múa rối Việt Nam, 361 Trường Chinh – Thanh Xuân – Hà Nội hoặc mua vé xem ca nhạc tại Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội.

Tại TP.HCM sân chơi giải trí cho trẻ dịp 1/6 cũng kém sôi động, chỉ xoay quanh những chương trình theo “mùa vụ” tại các điểm Đầm Sen, Suối Tiên, rạp phim, sân khấu kịch thiếu nhi… Bên cạnh đó, có thêm một vài chương trình vui chơi cho trẻ do các siêu thị tổ chức như: thi vẽ tranh, thi làm bánh mì, thi hát karaoke, thi nặn tượng và xem xiếc thú, ảo thuật… Nhìn chung, so với mọi năm, các chương trình không hấp dẫn, nhiều nơi “ăn theo” môtíp cũ, các trò chơi lặp lại nên trẻ dễ nhàm chán.

Việc thiếu những sân chơi bổ ích và được duy trì thường xuyên cho trẻ không chỉ nóng lên trong thời gian gần đây ở những đô thị lớn. Dường như quá mải mê với những dự án Kinh tế và các vấn đề vĩ mô mà nhiều địa phương không đầu tư đầy đủ và xứng đáng cho trẻ em, những thế hệ được coi là tương lai của đất nước.

Đồ chơi lậu tăng mạnh

Ngày 24-5, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phát hiện và tạm giữ hơn 1.600 loại đồ chơi Trung Quốc nhập lậu như xếp hình, bông vụ, đĩa bay, lục lạc dây, ráp hình, xe, hơn 500 con thú nhồi bông. Trong khi đó ở Hà Nội, lực lượng liên ngành giữa Đội Quản lý thị trường số 2 và Công an quận Hoàn Kiếm, đã thu giữ gần 5.000 đồ chơi các loại không có hóa đơn chứng từ hợp pháp tại 4 điểm kinh doanh trên các phố Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Cân, Lương Văn Can (đều thuộc quận Hoàn Kiếm).

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/kinh-te-san-pham/tre-don-tet-thieu-nhi-voi-do-choi-trung-quoc