Trẩy hội Đền Hùng 2024: Chiêm ngưỡng bức phù điêu bằng đồng đỏ lớn nhất cả nước

Bức phù điêu có nội dung mô phỏng cuộc nói chuyện của Bác Hồ với Đại đoàn quân Tiên Phong năm 1954 tại Đền Giếng (Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, Phú Thọ) sẽ được tổ chức khánh thành sáng 8/4/2024.

Toàn cảnh khu vực bức phù điêu. Ảnh: Tùng Duy.

“Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong” - tên bức phù điêu, với câu nói nổi tiếng của Bác "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước” - lời căn dặn từ ngôi đền thiêng Đất Tổ đối với những người lính trước ngày về tiếp quản Thủ đô năm 1954, đã trở thành câu nói bất hủ của Bác dành cho toàn quân, toàn dân và hậu thế mai sau về cội nguồn dân tộc và trọng trách xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Quần thể phù điêu được xây dựng tại ngã Năm rẽ vào Đền Giếng ven chân núi Nghĩa Lĩnh, Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, với diện tích khu vực hàng nghìn mét vuông. Đây là nơi thường xuyên có nhiều du khách ghé đến khi hành hương về Đền Hùng. Riêng bức phù điêu dài 27 m, cao 9,9 m, đúc và ghép từ 36 tấn đồng đỏ, do Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng công đức xây dựng (tặng). Công trình được thi công trong 8 tháng liên tục với giá trị 50 tỷ đồng.

Được biết, nguyên liệu đồng đỏ nguyên chất (tỷ lệ đồng 99,9%) do Công ty Đông Phương cung cấp, được luyện đúc tại xưởng ở phường Đông Ngạc, Hà Nội của nghệ nhân đúc đồng, họa sỹ điêu khắc Vũ Xuân Chương, và thợ lắp ghép trực tiếp tại công trường là nghệ nhân Vũ Xuân Đạt. Nhóm tác giả nghệ thuật bức phù điêu là hai nhà điêu khắc Nguyễn Đức Thọ và Vũ Văn Bình (Hà Nội).

Du khách ấn tượng với bức phù điêu vừa mới hoàn tất thi công. Ảnh: Tùng Duy.

Nói về công trình này, ông Phạm Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, cho biết giai đoạn 2017-2020 tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều hạng mục, công trình trong Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khi xuất hiện nhiều yếu tố cần phải nghiên cứu tu bổ, tôn tạo. Đây cũng là việc quan trọng để tổ chức thành công Lễ hội Đền Hùng hàng năm, đồng thời rất có ý nghĩa giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc.

Năm 2001, bức Phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong” tại khu vực Ngã Năm đền Giếng đã được Bộ Quốc phòng xây dựng (bằng đá gắn keo chuyên dụng). Bức phù điêu sau 20 năm đã xuất hiện lão hóa do thiên nhiên, thời tiết, không còn phù hợp cảnh quan khu vực, ảnh hưởng chất lượng mỹ thuật. Việc xây dựng lại bức phù điêu hiện nay nhằm hoàn thiện xứng tầm là Khu di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia.

Lời căn dặn nổi tiếng của Bác Hồ với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong được khắc bên góc trái cao của bức phù điêu. Ảnh: Tùng Duy.

Không chỉ là điểm nhấn đón hàng triệu du khách, hàng năm tại vị trí này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền, nhân dân các địa phương đều trang trọng tổ chức thực hiện nghi lễ dâng hoa để tri ân công đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng, liệt sỹ đã có công với đất nước cùng các hoạt động khác phục vụ lễ hội Đền Hùng.

Theo ông Lê Đức Thọ, Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đền Hùng, bức phù điêu cũ đã được hạ giải toàn bộ và vận chuyển đến lắp ghép lại tại sân bảo tàng Bộ tư lệnh Quân khu 2, thành phố Việt Trì. Công trình mới có nền móng bê tông chịu tải vững chắc. Tấm phù điêu bằng đồng (gồm các tấm nhỏ lắp ghép) được liên kết với tường vách bê tông thông qua hệ giàn treo, còn phần bệ móng bức phù điêu được ốp hoàn thiện bằng đá Bazan.

Bức phù điêu cũ (nay đã được di dời và lắp dựng lại tại Bảo tàng Quân khu II). Ảnh: Tùng Duy.

Quần thể xung quanh bức phù điêu có hệ thống sân, vườn, điện chiếu sáng, bồn hoa, cây xanh, bậc tam cấp, sân nền đổ bê tông và lát đá như sân khấu lớn có thể tổ chức nhiều sự kiện ngoài trời. Hai bên bức phù điêu lắp đặt 18 cột cờ bằng thép inox cao 12 m.

Đây được coi là bức phù điêu bằng đồng đỏ lớn nhất cả nước hiện nay.

Tùng Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tray-hoi-den-hung-2024-chiem-nguong-buc-phu-dieu-bang-dong-do-lon-nhat-ca-nuoc-10276982.html