Trao yêu thương, học trưởng thành

Lặng lẽ nhưng vô cùng nhiệt tình, bền bỉ, nhiều bạn trẻ đã chọn lối sống hết mình vì cộng đồng, dệt nên nhiều mảng màu mang đậm tính nhân văn trong xã hội

Nhiều lần không thể cầm lòng khi chứng kiến những mảnh đời vô gia cư, bơ vơ trong góc tối, Phạm Huỳnh Bảo Anh (ngụ TP HCM) quyết tâm cùng bạn bè làm điều gì đó thật ý nghĩa đối với họ.

"Làm được gì thì làm"

Giữa một đô thị lớn phát triển năng động hàng đầu cả nước như TP HCM, đâu đó vẫn còn những thân phận lang thang, không nơi nương tựa. Đêm về, thềm nhà, gầm cầu, ghế đá công viên... là nơi ngả lưng của họ.

Bảo Anh ước ao mình có điều kiện kinh tế tốt để có thể giúp đỡ được thật nhiều người như vậy. Còn lúc này, trong khả năng tài chính cho phép và nhiệt huyết tuổi trẻ, cô cố gắng động viên các bạn mình "làm được gì thì làm".

Vậy là, 5 bạn trẻ quyết định tặng thức ăn cho những người lang thang, cơ nhỡ. Để bảo đảm kinh phí và chất lượng, an toàn thực phẩm, các bạn trẻ không đặt mua thức ăn nấu sẵn mà tự mày mò nghiên cứu, học cách chế biến rồi trực tiếp trao tặng những người cần.

Nhóm thiện nguyện của các bạn trẻ đến với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NGỌC VY ANH

Đêm đầu tiên rong ruổi cùng nhau trên nhiều nẻo phố phường thật là xúc động và đáng nhớ với cả nhóm. Những phần bún chả giò chay có thể không mang giá trị vật chất lớn nhưng chứa đựng tấm lòng thơm thảo của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi.

Trở về nhà khi đã quá khuya, ai cũng thấm mệt nhưng cả nhóm vẫn thấy vô cùng ấm áp. "Phần thưởng" của họ chính là nụ cười, cái siết tay, lời cảm ơn từ những người có hoàn cảnh kém may mắn.

Thu nhập của sinh viên vốn rất hạn chế - từ học bổng khuyến khích học tập, từ việc làm thêm, sinh hoạt phí... - nhưng quan trọng là nhóm Bảo Anh dặn nhau không được tiêu xài hoang phí mà phải tiếp tục cùng tiết kiệm, tích lũy, để dành cho hoạt động xã hội này. Bất cứ khi nào có thời gian, cả nhóm lại cùng lên đường, đem những phần ăn thơm ngon, giàu dưỡng chất ân cần trao tận tay từng cụ già, em nhỏ.

Đó là hành trình giản dị nhưng đong đầy yêu thương mà khi đã trải qua, chính các bạn trẻ này cũng được trưởng thành và biết sống sao cho mỗi ngày đều trọn vẹn, có ích hơn.

Sẵn sàng dấn bước

Với Đỗ Thị Ngọc (quê Đà Lạt - Lâm Đồng), mỗi chuyến thiện nguyện đến chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP HCM) đều là một dấu ấn đẹp đẽ trong bức tranh tuổi thanh xuân của cô.

Ngôi chùa này đang là mái ấm cưu mang, dạy dỗ hơn 200 em nhỏ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi; là nơi khám chữa bệnh, phát thuốc nam miễn phí cho hàng ngàn người vào mỗi tuần... Được các sư thầy và phật tử dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc song với những đứa trẻ thơ ngây, biết bao nhiêu hơi ấm tình thương cho đủ? Vì vậy, Ngọc và các bạn tìm đến chùa Kỳ Quang với các em.

Những ngày mưa gió, phải xuất phát trễ, hàng hóa thì cồng kềnh - nào gạo, sữa, nào bánh kẹo... - nhưng cả nhóm không ai lên tiếng phàn nàn. Đến nơi, Ngọc và các bạn hăng hái phụ giúp quét dọn nhà chùa rồi thăm hỏi, chơi đùa cùng các em nhỏ.

"Các em rất ngoan, xếp hàng ngay ngắn để nhận quà bánh, cứ ríu rít dạ vâng và nói "con xin cô", không tranh giành. Nhiều bé trai còn nhường bé gái lấy quà trước" - Ngọc kể.

Nhóm thiện nguyện của các bạn trẻ đến với những người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NGỌC VY ANH

Cùng tâm nguyện, ngoài việc học, cô sinh viên Võ Ngọc Lan Vy luôn dành thời gian ưu tiên cho các hoạt động vì cộng đồng. Những học kỳ đầu tiên ở Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM, cô đã là thành viên hăng hái của câu lạc bộ thiện nguyện "WARM HUGS - Những chiếc ôm ấm áp" thuộc trường.

Lan Vy đã có những đóng góp thiết thực cho dự án "Nắng ấm biên cương VI" với chủ đề "Miền ươm sắc", đi đến Di Linh - Lâm Đồng với mục đích gây quỹ quyên góp hỗ trợ trẻ vùng cao, để các em nhỏ không bị cái đói cản bước đến trường. Cô cùng các thành viên "WARM HUGS - Những chiếc ôm ấm áp" mang quà, lương thực và học bổng từ nhà tài trợ nhằm san sẻ phần nào nỗi lo âu, khốn khó của trẻ em nơi ấy. Đến vùng cao trong những ngày tiết trời giá lạnh, những con đường đất đỏ trên địa hình gồ ghề càng làm cho việc vận chuyển thêm gian nan nhưng các thành viên câu lạc bộ chỉ thấy sự ấm áp lấp đầy trái tim.

Lan Vy đang bước vào năm cuối đại học. Thời khóa biểu dày đặc với việc thực tập, làm khóa luận tốt nghiệp... khiến cô khó thu xếp thời gian thực hiện những dự án của câu lạc bộ. Song, Lan Vy vẫn giữ nguyên tinh thần hướng đến cộng đồng, cứ có thời gian và cơ hội là cô lại sẵn sàng dấn bước.

Không hề lẻ loi

Bảo Anh, Đỗ Thị Ngọc, Lan Vy và bạn bè họ không hề lẻ loi khi ngày càng có nhiều bạn trẻ đến với những người khó khăn. Khi hạt giống lành được gieo trồng, nó không chỉ thắp lên hy vọng cho những mảnh đời khốn khó mà còn tiếp thêm sự tự tin, bản lĩnh, niềm vui sống cho người trẻ tiếp tục dấn bước đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Nhật Tân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/trao-yeu-thuong-hoc-truong-thanh-20231021213759275.htm