Trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học

Sáng 2/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe các Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Quốc hội về các dự án Luật giáo dục đại học, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật bảo hiểm tiền gửi, Luật tài nguyên nước (sửa đổi) và dự kiến Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học

Là luật chuyên ngành đầu tiên quy định về tổ chức, hoạt động giáo dục đại học, dự án Luật giáo dục đại học đã cụ thể hóa các quy định khung của Luật giáo dục về giáo dục đại học.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng các đại học đa lĩnh vực tổ chức theo hai cấp phải có quyền tự chủ cao để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Điều 28 dự thảo Luật quy định nội dung cơ bản và nguyên tắc thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định cụ thể về điều kiện, mức độ trao quyền tự chủ và xử lý các hành vi vi phạm.

Về điều này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận thấy đây là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển giáo dục đại học, nhất là trong tình trạng cơ chế xin - cho còn khá phổ biến như hiện nay.

Ủy ban cho rằng các cơ sở giáo dục đại học cần được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo đã có trong danh mục đào tạo của nhà nước; được quyết định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện do Bộ Giáo dục Đào tạo quy định; được lựa chọn phương thức, thời gian tổ chức tuyển sinh và chỉ phải báo cáo về Bộ Giáo dục Đào tạo để quản lý. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và có chế tài mạnh đối với những vi phạm trong việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo, tuyển sinh không đúng với các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị quy định việc tham gia kiểm định chất lượng đào tạo là bắt buộc đối với cơ sở giáo dục đại học.

Các hình thức kiểm định chất lượng bắt buộc, kiểm định chất lượng tự nguyện áp dụng theo hướng việc kiểm định chất lượng đào tạo phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước thì do cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học chỉ định, còn việc kiểm định nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo thì cơ sở giáo dục đại học tự lựa chọn về thời điểm và tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo.

Ủy ban cũng đề nghị ban hành một bộ chuẩn quốc gia về chất lượng giáo dục đại học và yêu cầu về chất lượng tối thiểu đối với các chương trình đào tạo đại trà; quy định trình độ chuẩn của giáo viên giảng dạy trình độ đại học phải có trình độ thạc sỹ trở lên; trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư trên cơ sở kết quả công nhận đủ tiêu chuẩn của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước.

Bảo đảm sự công khai, minh bạch các chính sách, pháp luật của Nhà nước

Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tạo chuyển biến căn bản, bền vững về hiệu quả của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng tham gia; đồng thời xác lập trách nhiệm và cơ chế phối hợp, huy động các nguồn lực của các cơ quan, tổ chức và xã hội cho công tác này là mục đích hướng đến của dự án Luật phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc ban hành Luật còn góp phần bảo đảm sự công khai, minh bạch các chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thông qua hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đều có quyền và được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận thông tin về pháp luật, qua đó nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật.

Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho thấy mục tiêu ban hành Luật đã được thể hiện nhưng chưa thật rõ nét trong dự thảo Luật, phạm vi điều chỉnh của Luật vẫn chủ yếu quy định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật mà chưa đưa ra được các quy định về cách thức để người dân thực hiện quyền được tiếp cận pháp luật khi có nhu cầu.

Dự thảo Luật vẫn còn tập trung nhiều vào các biện pháp một chiều nhằm đưa kiến thức pháp luật tới người dân, chưa đưa ra được các chính sách pháp luật có tính đột phá để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thực sự đem lại hiệu quả hữu hiệu.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần phải đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực cho công tác này.

Tán thành với dự thảo Luật, lấy ngày 9/11 hàng năm là ngày pháp luật, Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định này nhằm kỷ niệm, tôn vinh tinh thần pháp luật, nhắc nhở động viên toàn xã hội chấp hành pháp luật. Ủy ban cũng đồng tình với các quy định của dự thảo Luật về mô hình Hội đồng phối hợp về phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.

Không bảo hiểm tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý

Tờ trình về dự án Luật bảo hiểm tiền gửi do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trình bày khẳng định Luật được xây dựng sẽ hoàn thiện hơn nữa các quy định về nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi, nâng cao giá trị pháp lý của các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; đồng thời xác định rõ vị trí của tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nhằm tránh chồng chéo nhiệm vụ với các cơ quan khác.

Dự án Luật quy định tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân, không bảo hiểm đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và các loại tiền gửi khác. Theo Ủy ban Kinh tế, chính sách quản lý ngoại hối của nước ta ngoài việc cấm sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam, không khuyến khích người dân tích trữ ngoại tệ mà nên bán lại cho ngân hàng, do đó thống nhất không nên quy định bảo hiểm cho các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ. Quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, không bảo hiểm tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý khác.

Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng chính sách bảo hiểm tiền gửi nên hướng tới bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, trường hợp tổ chức tín dụng gặp rủi ro thì vẫn nhận được một khoản tiền gửi tối thiểu. Tiếp tục giữ mô hình bảo hiểm tiền gửi như hiện nay và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý.

Đây là loại hình doanh nghiệp được thành lập và hoạt động nhằm giải quyết đổ vỡ dây chuyền của hệ thống tín dụng, không vì mục tiêu lợi nhuận. Trong điều kiện nền kinh tế có nhiều biến động, không nên quy định cố định mức phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong Luật nhằm bảo đảm tính linh hoạt khi thực hiện.

Thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Luật cần điều chỉnh về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra để hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau, đảm bảo nguyên tắc quản lý thống nhất, khai thác, sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu; khai thác mặt lợi phải kết hợp với phòng ngừa mặt hại. Đây là ý kiến của Ủy ban Kinh tế đối với dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi).

Ủy ban đề nghị cần quy định đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, trùng lắp hoặc xung đột với các luật, pháp lệnh có liên quan. Luật cũng cần điều chỉnh nước biển ven bờ, đây là vùng nước có liên quan chặt chẽ và có tác động đến nguồn nước trên đất liền, chịu ảnh hưởng từ hoạt động của con người.

Ủy ban Kinh tế tán thành với việc phải có phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước khi xây dựng các công trình… Để đơn giản và thống nhất thủ tục hành chính, đề nghị quy định phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước thể hiện trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Tán thành với quy định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phải đảm bảo tính hiệu quả và tiết kiệm, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần quy định cụ thể các trường hợp, đối tượng phải nộp tiền, không phải nộp tiền khi khai thác tài nguyên nước.

Đổi mới cách phân chia lĩnh vực của các dự án luật

Theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII gồm 96 dự án thuộc Chương trình chính thức và 38 dự án thuộc Chương trình chuẩn bị.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc đổi mới cách phân chia lĩnh vực của các dự án trong Chương trình. Theo đó, các dự án trong danh mục nhiệm kỳ khóa XIII được phân chia thành 5 lĩnh vực là tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị; quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân; dân sự, kinh tế; giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em và chính sách xã hội; quốc phòng và an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Cách phân chia này bao quát và phân biệt các lĩnh vực rõ hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xác định thứ tự ưu tiên, sắp xếp vị trí của các dự án trong từng lĩnh vực./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/trao-quyen-tu-chu-cho-cac-co-so-giao-duc-dai-hoc/201111/111642.vnplus