Trao đổi tù nhân Mỹ - Iran: Cánh cửa đối thoại được 'để ngỏ' vẫn xa vời

Mỹ và Iran đã trao đổi tù nhân với nhau, nhưng liệu bước đi này đã đủ để giúp mở ra cánh cửa đàm phán cho 2 bên trong nhiều vấn đề bất đồng khác?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 7/6 khẳng định, nước này sẵn sàng thực hiện thêm các vụ trao đổi tù nhân với Mỹ. Theo ông, nếu khả năng trao đổi các tù nhân tiếp tục tồn tại, Iran sẵn sàng đem lại tự do cho những cá nhân còn lại đang bị giam giữ ở Mỹ và giúp họ hồi hương.

Tuyên bố được đưa ra không lâu sau khi Mỹ và Iran đạt được 1 thỏa thuận trao đổi tù nhân, sau nhiều tháng đàm phán. Theo thỏa thuận, 1 cựu binh sĩ hải quân Mỹ bị giam giữ từ năm 2018 đã được Tehran phóng thích, đổi lại 1 nhà khoa học Iran bị giam giữ ở Mỹ đã được trả tự do.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 7/6 khẳng định, nước này sẵn sàng thực hiện thêm các vụ trao đổi tù nhân với Mỹ. Ảnh: SETA

Ngay sau việc trao đổi được tiến hành, Tổng thống Donald Trump đã gửi lời “cảm ơn” tới Iran vì khi đã trả tự do cho công dân Mỹ, đồng thời nhận định, bước đi này cho thấy Mỹ và Iran hoàn toàn có thể đạt được thỏa thuận trong các vấn đề khác. Trong khi, người phát ngôn chính phủ Mỹ Hogan Gidley hi vọng, thỏa thuận trao đổi tù nhân sẽ mở đường cho việc làm dịu căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.

Đặc phái viên Mỹ về Iran Brian Hook thì khẳng định, Mỹ luôn để mở cánh cửa đàm phán với Iran và hi vọng 2 bên có thể đối thoại trong các vấn đề rộng lớn hơn, thay vì chỉ giới hạn trong vấn đề tù nhân hiện nay. Theo ông Brian Hook, Tổng thống Donald Trump đã để ngỏ khả năng ngoại giao trong nhiều năm và trong khoảng thời gian này, vị Tổng thống Mỹ đã gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới 3 lần. Vì vậy, Mỹ đang rất muốn thấy chính quyền Iran đáp lại thiện chí ngoại giao của nước này bằng 1 hành động ngoại giao.

Tuy nhiên, để Mỹ và Iran ngồi được vào bàn đàm phán với nhau để giải quyết những bất đồng “dai dẳng” có lẽ lại là câu chuyện khác. Bởi lẽ, ngay cả quan điểm để thúc đẩy đối thoại của 2 bên cũng đang là khác biệt. Trong khi Mỹ áp dụng chính sách “gây áp lực tối đa”, với hi vọng buộc Iran vào đàm phán; thì Iran lại kiên quyết bắt Mỹ từ bỏ trừng phạt, quay trở lại thỏa thuận hạt nhân đã ký năm 2015. Do đó, chỉ để chấp nhận đối thoại thôi đã khó, chứ chưa nói gì đến việc Iran và Mỹ tìm được “tiếng nói chung” trong những vấn đề gai góc như: chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo, sức ảnh hưởng của 2 nước trong khu vực cùng nhiều vấn đề khác…

Trong khi, các mâu thuẫn, bất đồng trong quá khứ giữa 2 bên chưa được giải quyết, thì những bất đồng mới thậm chí còn có thể phát sinh. Mới đây, giới chức Mỹ đã công khai thừa nhận muốn kéo dài lệnh cấm mua bán các loại vũ khí thông thường của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với Iran – dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 10 tới.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố sẽ có phản ứng “nghiền nát” nếu mọi thứ diễn ra theo đúng ý định của Mỹ, đồng thời khẳng định, người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã mắc một sai lầm lớn, nghiêm trọng khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

“Người Mỹ đã tỉnh giấc và nhận ra rằng họ đã phạm một sai lầm lớn khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Họ biết rằng đó là một hành động xấu xa để phá vỡ 1 thỏa thuận đa phương. Họ biết rằng, họ đang bị mắc kẹt và không có cách nào quay lại. Thực tế họ đã không thể quay trở lại. Nếu muốn, họ phải đề nghị Iran và các bên còn lại xem xét và quyết định chấp thuận sẽ được đưa ra nếu Mỹ chịu bù đắp những tổn thất cho mọi sai lầm của nước này”, ông Rouhani nói.

Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Majid Takht-Ravanchi tái khẳng định, việc Mỹ kêu gọi kéo dài lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Iran là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Sẽ là “sai lầm” khi cho rằng Washington vẫn có quyền khôi phục các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran theo Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ông nhấn mạnh, Mỹ không còn là “một bên” trong thỏa thuận hạt nhân Iran và đây cũng là quan điểm của một số nước châu Âu, Nga và Trung Quốc./.

Đình Nam/VOV1
tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/trao-doi-tu-nhan-my-iran-canh-cua-doi-thoai-duoc-de-ngo-van-xa-voi-1057200.vov