Trao 'cần câu' giúp người dân biên giới thoát nghèo

Bằng tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ biên phòng và sự nỗ lực của người dân, các mô hình sinh kế tại xã Trung Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã mang lại những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, từng bước giúp người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Để đến được ngôi nhà gỗ nằm tách biệt giữa lưng chừng đồi của gia đình chị Hồ Thị Mậu ở thôn A Đeng 2, xã Trung Sơn, huyện A Lưới, chúng tôi phải băng qua con suối với những phiến đá gồ ghề phủ đầy rêu. Thiếu tá Nguyễn Thành Thái, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: "Gia đình chị Hồ Thị Mậu thuộc diện đặc biệt khó khăn. Vợ chồng chị có hai con nhỏ, dựng nhà ở đây để tiện làm nương rẫy, nhưng phụ thuộc tất cả vào thời tiết, phải lo ăn từng bữa. Sau nhiều lần đến thăm, khảo sát thấy bên cạnh nhà có ao nước nên chúng tôi đã vận động gia đình cải tạo lại để thả cá, làm thêm chuồng nuôi heo. Để gia đình có thêm sinh kế phát triển kinh tế, chúng tôi đã hỗ trợ gia đình 150 con ngan giống trong mô hình “Đàn ngan khăn quàng đỏ”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân hướng dẫn kỹ thuật nuôi ngan cho gia đình bà Lê Thị Khêm ở xã Trung Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân hướng dẫn kỹ thuật nuôi ngan cho gia đình bà Lê Thị Khêm ở xã Trung Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Vừa vượt qua con suối, chúng tôi thấy một ao nước trong xanh, phẳng lặng như chiếc gương soi bóng ngôi nhà gỗ đơn sơ. Bên góc ao cạnh nhà, chị Mậu đang chăm chú nhìn đàn ngan tung tăng dưới nước với ánh mắt đầy hy vọng. Thấy dáng các chú BĐBP, chị hồ hởi chạy đến và khoe: “Nhờ các chú bộ đội hỗ trợ con giống và hướng dẫn cách chăn nuôi, tận dụng các nguồn thức ăn như chuối, rau, ốc, cá tạp sẵn có nên gia đình đỡ chi phí chăn nuôi, đàn ngan lớn lên từng ngày. Bây giờ mỗi con nặng hơn 2kg rồi, chừng hơn một tháng nữa là có thể xuất bán để quay vòng vốn tiếp tục chăn nuôi. Số tiền còn lại, gia đình tôi sẽ trang trải cuộc sống hằng ngày và cho các con ăn học. Chúng tôi cảm ơn các chú BĐBP nhiều lắm”.

Cùng chung niềm vui ấy, gia đình anh Lê Quang Nhân ở thôn A Deeng Par Lieng 2, xã Trung Sơn đã tìm hướng đi mới sau khi được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân trao “cần câu” để thoát nghèo. Từ mô hình “Lợn giống cho người nghèo” được BĐBP hỗ trợ đang phát triển tốt, gia đình anh Nhân đã mạnh dạn vay vốn để mở rộng khu chăn nuôi. Bây giờ trong chuồng không chỉ có lợn thương phẩm, gia đình anh còn nuôi thêm lợn sinh sản để chủ động nguồn giống tại chỗ.

Đưa chúng tôi thăm từng ô chuồng với những con lợn trắng hồng hào, lông mượt óng, anh Nhân bày tỏ vui mừng, kể: “Trước đây, gia đình tôi có nuôi bò và lợn nhưng toàn chăn thả tự do nên vật nuôi thường mắc bệnh, có khi còn bị chết, từ đó chúng tôi không dám nuôi nữa. Từ khi được BĐBP hỗ trợ lợn giống, lại hướng dẫn gia đình cách chăn nuôi, chúng tôi rất vui vì đàn lợn phát triển khỏe mạnh. Gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư thêm để mở rộng khu chăn nuôi và xác định đây là hướng đi mới để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”.

Với hơn 1.500 con giống ngan và lợn ban đầu, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, hỗ trợ cho 26 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Trung Sơn. Sau một thời gian triển khai, các mô hình trao “cần câu” đã mang lại kết quả ban đầu đáng phấn khởi. Nhiều gia đình không nằm trong diện được hỗ trợ cũng đã học tập, bắt tay vào thực hiện các mô hình để phát triển kinh tế, có thêm thu nhập.

Thiếu tá Nguyễn Thành Thái cho biết thêm: “Đa số người dân sinh sống ở khu vực biên giới thuộc địa bàn đơn vị phụ trách đời sống còn rất nhiều khó khăn. Từ những kết quả ban đầu của mô hình giúp dân "cần câu" để thoát nghèo, thời gian tới, đơn vị sẽ nhân rộng sang các xã thuộc địa bàn đồn quản lý, tạo sinh kế cho người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống. Chúng tôi rất vui vì nhiều gia đình trên ở khu vực biên giới cũng đã tự giác học tập cách làm ăn mới, dần bỏ thói quen chăn nuôi theo kiểu chăn thả tự do, biết áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao đời sống”.

Những việc làm thiết thực, hiệu quả, nặng nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân không chỉ góp phần cải thiện đời sống nhân dân, thay đổi diện mạo khu vực biên giới, mà qua đó đã tăng cường tình đoàn kết gắn bó quân dân, góp phần quan trọng trong việc xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

Bài và ảnh: VÕ TIẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/trao-can-cau-giup-nguoi-dan-bien-gioi-thoat-ngheo-732030