Trao ánh sáng - Nhận niềm tin

Với vai trò là bệnh viện đầu ngành về nhãn khoa của tỉnh, Bệnh viện Mắt luôn chú trọng nâng cao năng lực khám, chữa bệnh (KCB), đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Trở thành địa chỉ KCB tin cậy của người dân trong tỉnh và các địa phương lân cận.

BOX: Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ là bệnh viện chuyên khoa hạng II tuyến tỉnh được thành lập năm 2016, có chức năng khám, điều trị các bệnh về mắt. Điều hành, quản lý các chương trình phòng chống mù lòa cho nhân dân trong và ngoài tỉnh. Sau 7 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã có quy mô 110 giường bệnh, 13 khoa, phòng phục vụ KCB cho hàng trăm nghìn lượt bệnh nhân.

Toàn cảnh Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ

Với đội ngũ y, bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại và phong cách phục vụ chuyên nghiệp, Bệnh viện đã đạt hiệu quả cao trong điều trị, mang lại ánh sáng và niềm vui cho nhân dân. Trong năm 2023, Bệnh viện đã tiến hành khám cho trên 50.000 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho trên 5.300 lượt bệnh nhân, điều trị ngoại trú cho trên 46.800 lượt bệnh nhân. Phẫu thuật trên 5.900 ca, trong đó phẫu thuật đục thủy tinh tế trên 4.400 ca, phẫu thuật Glocom 75 ca, phẫu thuật mộng, quặm trên 1.150 ca...

Để nâng cao chất lượng KCB, Bệnh viện tập trung nguồn lực đầu tư các trang thiết bị công nghệ hiện đại, đồng thời chú trọng công tác đào tạo nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao. Hằng năm, Bệnh viện cử các bác sĩ, kỹ thuật viên tham gia các khóa đào tạo, chuyển giao công nghệ tại bệnh viện Mắt Trung ương, tham dự hội thảo trong nước và quốc tế, nhằm cập nhật kiến thức, nắm chắc kỹ thuật và vững vàng trong việc điều trị đối với từng ca bệnh, làm chủ các trang bị kỹ thuật hiện đại.

Bệnh viện Mắt làm chủ nhiều kỹ thuật phẫu thuật tiên tiến, hiện đại

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu các đề tài khoa học, phát triển thành công những kỹ thuật mới trong điều trị các bệnh lý phức tạp về mắt như: Chụp cắt lớp võng mạc (OCT bán phần sau), đo công suất thể thủy tinh nhân tạo bằng máy sinh trắc tự động, đo nhãn áp bằng nhãn áp kế không tiếp xúc, đo thị trường bằng thị trường kế tĩnh, chụp bản đồ giác mạc, đo độ dày giác mạc. Kỹ thuật tiêm nội nhãn, tiêm Botulinum Toxin A điều trị co giật mi, co giật nửa mặt... Phẫu thuật Phaco đặt thể thủy tinh hai tiêu cự tăng cường thị lực trung gian, đặt thể thủy tinh đa tiêu cự, tiêu cự kéo dài... Phẫu thuật lác, sụp mi ở trẻ em có gây mê, phẫu thuật rạch góc tiền phòng, phẫu thuật ghép da điều trị hở mi do sẹo... Nhờ triển khai nhiều kỹ thuật mới nên Bệnh viện đã hạn chế được tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến và giúp người bệnh được điều trị kịp, giúp giảm tải cho tuyến trên và tiết kiệm chi phí cho người bệnh.

Xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là tiền đề góp phần thúc đẩy chương trình chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, Bệnh viện đã nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, ứng dụng CNTT trong công tác khám chữa bệnh (KCB). Trong đó, từng bước triển khai và nâng cấp Hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện HIS, cơ bản đáp ứng các yêu cầu về quản lý Bệnh viện và chia sẻ dữ liệu, thanh quyết toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH), thực hiện hóa đơn điện tử, giúp giảm thiểu việc in ấn giấy tờ và các thủ tục thanh toán. Bên cạnh đó, các phần mềm đã kết nối thành công lên Cổng giám định Bảo hiểm y tế (BHYT) của BHXH Việt Nam và Cổng dữ liệu của Bộ Y tế. Việc trích xuất dữ liệu KCB đầu ra từ các phần mềm bảo đảm theo quy định, thông tin KCB và thanh toán BHYT được công khai, minh bạch, người tham gia BHYT được đảm bảo quyền lợi hợp pháp khi KCB.

Bệnh nhân đăng ký KCB bằng thẻ Căn cước công dân tại Bệnh viện Mắt

Khi đến Bệnh viện Mắt, người bệnh chỉ cần thông qua một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) để đăng ký KCB bằng thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử, ứng dụng VneID (ứng dụng định danh điện tử Quốc gia), ứng dụng VssID (ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động của BHXH Việt Nam) mà không cần phải xuất trình thẻ bảo hiểm giấy.Từ đó, thủ tục hành chính được rút gọn, các dữ liệu thông tin về bệnh nhân được nhập một lần tại phòng khám và sử dụng theo dây chuyền cho tất cả các nghiệp vụ. Kết quả KCB được kết xuất từ hệ thống máy móc tới phần mềm ứng dụng và chuyển tới các khoa, phòng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát, điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh viện tích cực ứng dụng các phần mềm do Bộ Y tế triển khai trong quản lý công tác KCB khác như: Quản lý danh mục dùng chung, quản lý chứng chỉ hành nghề, khảo sát ứng dụng CNTT và phần mềm nền tảng của UBND tỉnh như email công vụ, phần mềm quản lý văn bản...

Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ cho biết: “Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực nhất là đào tạo chuyên sâu, nâng cao tay nghề cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên để chủ động áp dụng các kỹ thuật chuyên sâu trong công tác khám chữa bệnh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.

Hà Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/y-te/trao-anh-sang-nhan-niem-tin/204079.htm