Tránh tình trạng 'phủi' trách nhiệm

Quy định 142 vừa được Bộ Chính trị ban hành giống như một luồng gió mới cho công tác cán bộ, vừa khuyến khích sự dám nghĩ, dám làm, vừa gắn chặt với dám chịu trách nhiệm.

Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Theo Quy định 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 của Bộ Chính trị về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ, thì thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu được mở rộng: Giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của người đứng đầu; bầu bổ sung ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp; bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp thuộc thẩm quyền quản lý.

Như vậy, với quy định này, có thể thấy người đứng đầu được quyền chủ động hơn rất nhiều trong công tác cán bộ: Chủ động lựa chọn, đề cử, bổ nhiệm cấp dưới và cũng chủ động miễn nhiệm trong trường hợp cần thiết. Tất nhiên, ở đây, nhân sự được đề cử cũng phải bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác và quy trình bổ nhiệm cũng phải bảo đảm các quy định về công tác cán bộ, quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Sự chủ động này có thể được xem là một bước đột phá, nhằm giải quyết những tình huống cần thiết, thậm chí là cấp thiết của tổ chức, đơn vị về nhân sự; rút ngắn thời gian hoàn thiện bộ máy quản lý, lãnh đạo; đặc biệt là giúp phát huy năng lực làm việc của cán bộ. Những cán bộ có năng lực thực sự và đáp ứng nhu cầu công việc, không chỉ từ nguồn tại chỗ và cả từ nguồn ở nơi khác, sẽ có thêm cơ hội được ghi nhận và được bổ nhiệm vào vị trí xứng đáng.

Đã có những băn khoăn về khả năng xảy ra “kéo bè, kết cánh”, “địa phương chủ nghĩa”, “bổ nhiệm người nhà”, “bổ nhiệm thần tốc” hoặc ngược lại là “trù dập” cán bộ từ việc “nới” quyền hạn của người đứng đầu về công tác cán bộ theo hướng như vậy, nhưng cần phải khẳng định lại rằng: Các bước về nhân sự đều chịu sự giám sát của những quy định về công tác cán bộ, sự giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, như quy định này đã nêu rõ, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu, trong các trường hợp sau: Giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm thiếu công tâm, khách quan; không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác; Miễn nhiệm cán bộ không bảo đảm căn cứ, thủ tục theo quy định.

Nói cách khác, trong mọi trường hợp, việc đánh giá và bổ nhiệm cán bộ, dù được giao quyền cho người đứng đầu thì vẫn phải bảo đảm thực sự khách quan và công tâm, không được làm một cách tùy tiện, dễ dãi. Người đứng đầu không thể “phủi” trách nhiệm về đề cử của mình, cũng không thể bổ nhiệm cán bộ một cách gấp gáp, thiếu khách quan theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ”. Công tác bổ nhiệm cán bộ theo cách này gắn liền với “sinh mệnh chính trị” của người đứng đầu. Trách nhiệm cá nhân người đứng đầu sẽ được tách bạch trong trách nhiệm tập thể. Nếu tiến cử “nhầm” cán bộ, thì người đứng đầu không thể đổ lỗi cho tập thể. Cho dù có nghỉ hưu thì cũng không thể chối bỏ trách nhiệm.

Phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Thời gian vừa qua, công tác cán bộ vẫn luôn được Đảng ta chú trọng, coi đây là khâu “then chốt của then chốt” nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, hội đủ đức - tài ngang tầm nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn có những trường hợp “bổ nhiệm đúng quy trình mà sao cán bộ sai?”. Một số vụ việc “thăng tiến thần tốc”, “bổ nhiệm người nhà” vẫn xảy ra. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu… tuy đã được ngăn chặn những vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Không ít cán bộ lãnh đạo cấp cao cũng đã phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu do cấp dưới mắc khuyết điểm, sai phạm nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực đến mức nhức nhối, gây ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân. Do vậy, việc thể chế hóa các quy định về công tác cán bộ để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một yêu cầu cấp thiết.

Quy định 142 tiếp tục cụ thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu, ở đây là khâu công tác cán bộ. Như “lạt mềm buộc chặt”, việc cho phép thí điểm người đứng đầu đề cử, bổ nhiệm cán bộ gắn với trách nhiệm tới cùng, vừa cho phép việc lựa chọn nhân sự được linh hoạt hơn, vừa bắt buộc các khâu trong công tác cán bộ phải chính xác, khoa học, thật sự trong sáng, khách quan và công tâm. Người đứng đầu càng phải đánh giá đúng cán bộ, quyết liệt và thận trọng trong lựa chọn và giới thiệu cán bộ, đặc biệt là cần phải có “con mắt tinh đời” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn lưu ý khi nói về công tác cán bộ. Có như vậy mới không “chọn nhầm người”, tránh được tình trạng bổ nhiệm người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền... Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn.

Trung Sơn

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/tranh-tinh-trang-phui-trach-nhiem-20240518175037653.htm