Tránh sập bẫy 'tín dụng đen'

Theo cơ quan chức năng, thời gian qua, hoạt động liên quan đến 'tín dụng đen'' xảy ra khá phổ biến. Ngoài việc làm cho người dân lâm vào cảnh khốn đốn, khánh kiệt về tài chính thì hoạt động cho vay lãi nặng, thu nợ cao còn làm gia tăng tỷ lệ các loại án khác như: giết người, cưỡng đoạt tài sản, đánh bạc, bắt giữ người trái pháp luật…

Công an tỉnh làm việc với nhóm đối tượng hoạt động “tín dụng đen’’ đã bị bắt giữ. Ảnh: Anh Quân

Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen’’ thường núp dưới vỏ bọc các cơ sở kinh doanh như: cơ sở cầm đồ, công ty tài chính, dịch vụ đòi nợ thuê… và đưa ra những lời chào mời có cánh để thu hút người vay.

* Hậu quả từ “tín dụng đen’’

Hiện nay, muôn kiểu cho vay lãi nặng đã khiến những người dân nghèo, gặp khó khăn lại càng thêm khốn đốn, lâm vào cảnh nợ nần và bị các đối tượng đeo bám, đe dọa đòi nợ. Trong đó có nhiều người khi vướng vào “tín dụng đen’’ thì không thể thoát ra được.

Chị N.T.C.H. (ngụ xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) cho biết, từ ngày vay mượn tiền của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thì cuộc sống của chị càng trở nên túng quẫn, không lối thoát.

Chị H. kể, vì thiếu tiền nên chị phải vay lãi nặng 20 triệu đồng, nhưng thực tế chỉ được nhận 15 triệu đồng, số tiền 5 triệu đồng còn lại bị các đối tượng giữ lại để trừ lãi. Sau 24 ngày, đến hạn trả nợ, chị H. chưa có đủ tiền trả nợ thì các đối tượng này tiếp tục cho chị vay 30 triệu đồng. Lần này, chị chỉ nhận được 15 triệu đồng (trừ lại khoản vay trước, phí và khoản tiền lãi). Cứ thế, những lần sau vay cao hơn những lần trước, nợ cũ chồng nợ mới, “lãi mẹ đẻ lãi con’’. Tính từ tháng 2 đến 10-2023, chị H. đã vay tổng cộng 17 lần với số tiền vay lên đến 630 triệu đồng và tiền đã trả lãi đã lên đến 154 triệu đồng.

Chị H. là một trong những “con nợ” trong đường dây cho vay lãi nặng của Đặng Tiến Mạnh (31 tuổi, quê tỉnh Quảng Ninh), Phạm Văn Định (31 tuổi, quê tỉnh Quảng Ninh) và Bùi Văn Tiến (33 tuổi, quê thành phố Hải Phòng). Vào đầu năm 2023, các đối tượng đến địa bàn huyện Vĩnh Cửu tìm hiểu, tiếp cận và cho nhiều người vay tiền với hình thức trả góp ngày, lãi suất dao động từ 238-365%/năm (cao hơn từ hơn 11 đến hơn 18 lần so với lãi suất cao nhất được quy định).

Khi người cần vay tiền liên hệ thì nhóm đối tượng này đến gặp trực tiếp, xác định nơi ở của người vay. Sau khi nhận được khoản vay, người vay sẽ phải trả lãi và gốc trong thời hạn 24-25 ngày. Trường hợp người vay chưa có tiền trả mà có nhu cầu vay tiếp thì Mạnh, Định và Tiến tiếp tục cho vay, nhưng sẽ trừ số tiền những ngày chưa trả của lần vay trước và tiền lãi của đợt tiếp theo.

Chỉ tính từ tháng 2 đến 10-2023, các đối tượng Mạnh, Định và Tiến đã cho nhiều người dân trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu vay với tổng số tiền gần 2,9 tỷ đồng. Với hành vi này, 3 đối tượng đã bị Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) huyện Vĩnh Cửu truy tố về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Mới đây, nhóm bị can: Quách Văn Thiêm (37 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa), Hoàng Ngọc Khánh (36 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp), Hoàng Mạnh Cường (66 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp) cùng 12 bị can khác đã bị Viện KSND thành phố Biên Hòa truy tố về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Tính từ tháng 3 đến 10-2022, các đối tượng này đã cho 40 người vay tiền tổng cộng 124 lần, với mức lãi suất từ hơn 19% đến hơn 75%/tháng (vượt 5 lần so với lãi suất cao nhất quy định). Tổng số tiền thu lợi bất chính của các đối tượng là gần 500 triệu đồng.

Ngoài ra, trong thời gian qua, có rất nhiều người dân đã “dính bẫy” của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” với mức lãi suất “cắt cổ”.

* Đẩy lùi nạn “tín dụng đen”

Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, xét xử án hình sự về trật tự xã hội, Viện KSND tỉnh Doãn Cao Sơn cho hay, thời gian qua, tình hình tội phạm liên quan đến cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự diễn ra khá phổ biến. Do bối cảnh các hoạt động kinh tế trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp cao, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn dẫn tới tội phạm “tín dụng đen” diễn biến phức tạp, tính chất ngày càng tinh vi.

“Người dân cần sáng suốt hơn khi vay mượn tiền. Phải tìm hiểu kỹ thủ đoạn của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen’’ để không rơi vào “bẫy” của các đối tượng. Trong trường hợp bị các đối tượng này đe dọa và có những hành động bạo lực, đòi nợ thì cần trình báo kịp thời cho cơ quan chức năng, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra” - Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, xét xử án hình sự về trật tự xã hội, Viện KSND tỉnh Doãn Cao Sơn khuyến cáo người dân.

Theo ông Sơn, hoạt động “tín dụng đen” xuất hiện với đặc trưng cơ bản là lãi suất cho vay cao nhưng thủ tục vay vô cùng đơn giản. Điều này đáp ứng được nhu cầu kịp thời vay tiền của người dân. Từ chủ cửa hàng, tiểu thương đến cả những người “cùng quá hóa quẫn” sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện để có được khoản tiền trang trải cuộc sống, kinh doanh trước mắt mà không nhận thức được những hệ lụy và mối nguy hại lâu dài. Bên cạnh đó, cũng từ hoạt động cho vay lãi nặng mà phát sinh nhiều loại tội phạm khác như: giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cờ bạc…

Mặc khác, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” rất tinh vi, nguy hiểm. Ngoài việc rải tờ rơi, dán thông tin để quảng cáo và cho vay trực tiếp, hiện hoạt động “tín dụng đen” còn sử dụng công nghệ cao, cho vay trực tuyến. Các đối tượng thường buộc người vay không được nói cho người khác biết và đe dọa trả thù, đánh đập khi không trả tiền.

Theo ông Doãn Cao Sơn, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả đối với loại tội phạm này, các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh tỉnh người dân về thủ đoạn, hành vi của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê; nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là những quy định về các giao dịch vay mượn tiền, tài sản. Đồng thời, cần tìm ra giải pháp mở rộng nguồn tín dụng ngân hàng, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân bằng nguồn vốn cho vay tiêu dùng hợp lý với lãi suất và thời hạn phù hợp.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202403/tranh-sap-bay-tin-dung-den-479483b/