Tránh học tủ, học vẹt môn Văn

Đề thi môn Văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được giới chuyên môn, học sinh đánh giá hay, có tính phân loại học sinh. Tuy nhiên, để làm đề thi này đạt điểm khá, giỏi đòi hỏi các học sinh phải có kiến thức xã hội, nắm chắc kiến thức đã học, có kỹ năng làm các dạng đề.

Nếu học sinh biết cách triển khai đầy đủ các ý theo yêu cầu đề đã đặt ra thì thực sự đây là một đề văn không quá khó. Tuy nhiên, đối với học sinh học tủ, học vẹt theo bài văn mẫu, sẽ rất dễ bị lạc đề do phân tích lan man, thiếu trọng tâm, thiếu ý. Tại phần nghị luận văn học, nếu không nắm rõ tiểu sử nhà văn Kim Lân (tác giả truyện Vợ nhặt) kèm bối cảnh ra đời tác phẩm sẽ rất khó phân tích đầy đủ, sâu sắc về nội dung cũng như nghệ thuật được nêu trong đoạn trích để làm nổi bật lên sự lạc quan và niềm tin vào tương lai, cũng như tính nhân văn của tác phẩm.

Những năm gần đây, có hiện tượng học sinh học môn Văn theo kiểu học tủ, học thuộc lòng bài văn mẫu của giáo viên khi đi học, nhất là khi học thêm. Phương pháp duy nhất của một số giáo viên là đọc, chép, yêu cầu học sinh học thuộc bài văn mẫu và khảo bài mà không chú trọng rèn cho các em kỹ năng hiểu, phân tích kỹ từ đề bài đến nội dung tác phẩm; không tập trung dạy cho các em kỹ năng giải các dạng đề nghị luận xã hội, nghị luận văn học. Chính vì vậy, nếu ra một đề văn không trúng tủ, không đúng với đề của giáo viên đã dạy thì học sinh khó có thể tự làm văn tốt, khó có thể đạt điểm khá, giỏi.

Ngược lại, nếu học sinh được dạy nắm chắc kiến thức được học và được rèn kỹ năng làm các dạng đề văn sẽ giúp các em dễ dàng làm bất kỳ đề văn nào một cách tự tin nhất.

Thật tác hại khi học và thi môn Văn chỉ bằng cách học thuộc các bài văn mẫu của giáo viên và còn cho rằng, đó là cách duy nhất để có được điểm cao môn Văn trong các cuộc thi.

Hiện nay, việc học sinh học thuộc lòng bài văn mẫu của giáo viên đều xảy ra ở các cấp học. Việc học theo khuôn mẫu như vậy sẽ làm thiếu đi phần hiểu biết, sáng tạo, kỹ năng làm văn, học văn của học sinh.

Theo tôi, để học sinh yêu thích học và thi môn Văn đạt điểm cao thì vai trò của giáo viên rất quan trọng. Trước hết, giáo viên phải truyền cảm hứng cho học sinh về niềm đam mê học văn; thay đổi cách dạy sinh động, phong phú hơn bằng việc kết hợp việc dạy ở lớp với việc triển khai các buổi sinh hoạt ngoại khóa, sân khấu hóa các câu chuyện… để học sinh dễ hiểu, dễ cảm thụ các tác phẩm văn học. Đặc biệt, cần hướng dẫn cho học sinh kỹ năng, phương pháp giải các dạng đề. Ngoài ra, học sinh cũng cần chịu khó học bài, đọc thêm sách, báo để có thêm kiến thức xã hội, có nhiều tư liệu để làm bài và biết mở rộng vấn đề cần phân tích.

Có như vậy, các em mới thấy học môn Văn cũng thú vị, không quá trừu tượng, khó hiểu và không phải ám ảnh khi phải học thuộc các bài văn dài chỉ vì điểm số.

Thu Uyên (TP.Biên Hòa)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202306/tranh-hoc-tu-hoc-vet-mon-van-3170143/