Tranh chấp thương mại: Doanh nghiệp không thể thờ ơ

Kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp (DN) sẽ càng ngày càng va chạm nhiều với các vụ kiện, trước các rào cản của nước ngoài. Do đó việc trang bị kiến thức luật pháp quốc tế, kinh nghiệm tham gia và xử lý các vụ tranh chấp là rất cần thiết đối với mỗi DN, mỗi hiệp hội ngành hàng. Đây cũng là vấn đề được thảo luận tại hội thảo “Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế” do Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Đại học Tây Anh Quốc (UWE) được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Theo kết quả khảo sát mới đây của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới hơn 74% Hiệp hội trong nước được hỏi cho biết, không có bộ phận chuyên trách về pháp luật; 81% Hiệp hội chỉ biết được một vài nội dung cơ bản của Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ BTA. Đây là kết quả đáng lo ngại đối với các DN nước ta, nhất là trong bối cảnh trao đổi thương mại quốc tế phát triển nhanh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đều khẳng định, đi đôi với sự phát triển của thương mại quốc tế thì các nguy cơ về tranh chấp thương mại sẽ ngày càng nhiều hơn. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hơn 10 năm qua, thế giới có hơn 4.000 vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, trong đó có 31 vụ kiện liên quan tới DN nước ta. Nguy cơ bị khởi kiện ở hầu hết các mặt hàng lớn như: thủy sản có cá tra, cá ba sa, tôm; công nghiệp có giày da, xe đạp, đèn huỳnh quang... Mặc dù vậy, nhiều DN ngành hàng trong nước vẫn chưa chú trọng nhiều tới việc tìm hiểu luật pháp quốc tế và các vụ tranh chấp thương mại và thường bị động trước các vụ kiện.

Thực tiễn cho thấy, đa số phán quyết trong các vụ kiện quốc tế liên quan đến DN Việt Nam gần đây thường có nhiều bất lợi cho phía các DN Việt Nam, tiêu biểu như vụ kiện chống bán phá giá cá da trơn, giày da, phụ tùng xe đạp hay các vụ việc tranh chấp thương hiệu...

TS. Nguyễn Thanh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) cho biết: Thời gian qua, các DN Việt Nam tham gia vào nhiều vụ tranh chấp thương mại quốc tế không chỉ với tư cách bị đơn mà còn với tư cách nguyên đơn. Trong các vụ việc này, các DN Việt Nam còn bị động, lúng túng trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Đặc biệt, trong các tranh chấp thương mại quốc tế giữa DN Việt Nam với DN hay cá nhân nước ngoài được xét xử tại nước ngoài, DN Việt Nam thường gặp nhiều bất lợi. Nguyên nhân là do DN Việt Nam chưa nắm vững, thậm chí xa lạ với hệ thống cơ quan xét xử, thủ tục tố tụng, pháp luật áp dụng, cũng như khác biệt về văn hóa pháp lý và rào cản ngôn ngữ. Cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế hiện nay tại Việt Nam chủ yếu được thực hiện bằng con đường Tòa án và trọng tài thương mại, bên cạnh những hình thức khác như thương lượng, hòa giải, trung gian.

Công ty thiết bị điện Hà Nội (Ảnh minh họa)

Theo TS. Nguyễn Vũ Hoàng, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, ở nhiều quốc gia, các DN thường có xu hướng lựa chọn trọng tài thay vì tố tụng tại Tòa án làm phương pháp giải quyết tranh chấp bởi những thuận lợi mà tố tụng trọng tài mang lại như sự nhanh chóng, sự bảo mật thông tin hơn. Tuy nhiên, thực tiễn trọng tài thương mại quốc tế đã đặt ra một số vấn đề phức tạp về xung đột pháp luật. Ông Hoàng khuyến nghị, các hệ thống pháp luật khác nhau có thể điều chỉnh các khía cạnh khác nhau của quá trình trọng tài, do vậy việc làm rõ vấn đề nào được điều chỉnh bởi quy định pháp luật nào là rất quan trọng. Đối với các DN và cơ quan quản lý của Việt Nam, việc hiểu biết về pháp luật áp dụng sẽ thúc đẩy các bên tham gia vào các thỏa thuận thương mại quốc tế bất chấp những khác biệt cơ bản về văn hóa và pháp lý giữa các quốc gia.

Theo báo cáo của Trung tâm Trọng tài Việt Nam (VIAC) thì số vụ giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài tăng không nhiều qua các năm. Từ năm 2001 - 2010, VIAC đã giải quyết tổng số vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài là 197 vụ, chiếm 75%, tranh chấp trong nước là 97 vụ, chiếm 25%. Trong các tranh chấp đó, hầu hết là các tranh chấp có giá trị không lớn và phần lớn nguyên đơn là DN Việt Nam (chiếm 82%).

Phân tích của VIAC cho thấy, DN Việt Nam đứng đơn kiện là do còn “non” khi tiến hành ký kết hợp đồng. Trình độ hiểu biết pháp luật trong nước và quốc tế của DN còn nhiều hạn chế. Hầu hết tranh chấp phát sinh do không mở L/C đúng hạn, phạt hợp đồng do không giao hàng, giao hàng chất lượng kém hoặc giao hàng sai xuất xứ...

Như vậy trong quá trình hội nhập kinh tế, tranh chấp thương mại quốc tế giữa các DN hay cá nhân là điều không tránh khỏi. Vấn đề quan trọng là DN Việt Nam cần làm gì để phòng ngừa các tranh chấp. Đặc biệt là trong bất kỳ trường hợp nào, DN Việt Nam phải chịu trách nhiệm và phải chủ động trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mai quốc tế với DN nước ngoài, nhất là các tranh chấp được giải quyết tại các cơ quan tài phán ở nước ngoài. Tuy nhiên, Chính phủ thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho DN Việt Nam trong quá trình giải quyết tranh chấp này. Cụ thể, Chính phủ cần phải can thiệp khi tranh chấp đó trực tiếp hay gián tiếp có liên quan đến Chính phủ Việt Nam như trong các trường hợp: cơ quan giải quyết tranh chấp nước ngoài đã không tôn trọng pháp luật quốc tế, gây ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích hợp pháp của DN Việt Nam.

Bên cạnh đó, các cơ quan có trách nhiệm của nước ta cũng cần thường xuyên nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại tại Việt Nam; hoàn thiện hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, thường xuyên cập nhật thông tin để có sự điều chỉnh phù hợp với các thông lệ, tập quán quốc tế; bổ sung các quy định về chế tài đối với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế và các cơ quan liên quan, trong đó quy định rõ cơ chế phối hợp trong việc giải quyết vụ việc giữa các bên.

Làm tốt được những vấn đề nêu trên, đồng thời với việc tuyên truyền phổ biến các kiến thức pháp luật thương mại quốc tế cho DN; trang bị kiến thức luật pháp quốc tế, kinh nghiệm tham gia và xử lý các vụ tranh chấp đối với các DN, các hiệp hội ngành hàng, mới có thể giúp DN phòng ngừa, giảm thiểu các tranh chấp phát sinh.

Kim Thành

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/tranh-chap-thuong-mai-doanh-nghiep-khong-the-tho-o-c1039n20120223195218453p0.htm