Trắng đêm 'giải cứu' đường sắt

Sau 20 giờ nỗ lực của hàng trăm công nhân đường sắt cùng với những phương tiện cứu hộ quy mô; đặc biệt là dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và sự có mặt kịp thời của ông Khuất Việt Hùng- Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cùng chính quyền tỉnh TT-Huế trắng đêm có mặt tại hiện trường vụ tai nạn đường sắt lật tàu gần ga Thừa Lưu qua địa phận xã Lộc Tiến (H.Phú Lộc, TT-Huế); đến 10 giờ 10 ngày 21-2, tuyến đường sắt Bắc-Nam đã thông tuyến và hoạt động bình thường trở lại.

Tàu đang lưu thông qua khu vực xảy ra tai nạn vào lúc 10 giờ 30 ngày 21-2.

Thông tuyến sau 20 giờ ách tắc

Từ tối 20 cho đến 10 giờ ngày 21-2, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia đã trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo khẩn trương công tác cứu hộ đường sắt vụ lật tàu để sớm thông tuyến đường sắt Bắc- Nam. Hàng trăm cán bộ công nhân đường sắt trắng đêm, liên tục thay ray, tà vẹt để cẩu cứu hộ lần lượt di chuyển các toa tàu bị lật, nghiêng ra khỏi đường ray. Đến 8 giờ ngày 21-2, toa tàu cuối cùng bị lật và cũng là toa khó nhất trong vụ tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng đã được cẩu 100 tấn đưa qua một bên đường sắt. Tiếp đó, hàng trăm công nhân khẩn trương thay thế ray, tà vẹt vào đường sắt; một số công nhân khác đắp đường xung quanh điểm xảy ra tai nạn. Đến 10 giờ 15 thì tuyến đường sắt Bắc-Nam đã thông tuyến trở lại.

Có mặt tại hiện trường, ông Khuất Việt Hùng đánh giá cao công tác cứu hộ, cứu nạn của các lực lượng chức năng và đồng thời chuyển ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, yêu cầu chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng sớm có giải pháp đảm bảo ATGT đường sắt. Ông Hùng yêu cầu ngành đường sắt, trước mắt thăm hỏi nạn nhân TNGT. Tàu trưởng an ninh gặp nạn, mất khi làm nhiệm vụ, ngành đường sắt phải có chế độ chính sách hỗ trợ cao nhất...

Ngay sau khi thông tuyến, toàn bộ hành khách đi các tỉnh, thành vào Nam không còn phải trung chuyển bằng ô-tô từ ga Huế đến 2 đầu ga Lăng Cô và ga Thừa Lưu- Cầu Hai (H. Phú Lộc) - cùng địa bàn xảy ra vụ tai nạn. Có mặt tại ga Huế vào lúc 10 giờ ngày 21-2, theo ghi nhận của P.V, các hoạt động đi lại của hành khách diễn ra bình thường. Hàng trăm hành khách đang ngồi ở phòng chờ của nhà ga Huế để đi vào các tỉnh, thành phía Nam. Cạnh đó, có nhiều hành khách tiếp tục đến phòng vé của ga Huế mua vé vào Nam và ra Bắc. Bác Nguyễn Văn Tân (71 tuổi, trú TT Sông Vệ, H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), lên chuyến tàu SE3 lúc 10 giờ 35 từ Huế đi Quãng Ngãi cho biết: “Chiều qua (chiều 20-2), khi bác và người thân đi tàu hỏa ra Huế để khám bệnh thì nghe tin tàu sắt SE2 chạy trước bị tai nạn. Khi tàu bác đến ga Lăng Cô thì dừng lại và sau đó được trung chuyển bằng xe ô-tô lên ga Huế. Sáng nay, khám bệnh xong, bác và người thân lại mua vé tàu về quê”.

Hàng trăm công nhân trắng đêm nỗ lực “giải cứu” đường sắt.

Lỗi tai nạn do xe tải ben?

Làm việc trên tàu đã nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên anh Nguyễn Văn Hùng, nhân viên bảo vệ tàu SE2 chứng kiến một vụ tai nạn tàu hỏa kinh hoàng đến vậy. Sau 1 đêm xảy ra tai nạn, anh Hùng vẫn chưa hoàn hồn, nhớ lại: “Lúc xảy ra vụ việc, tôi và 10 người khác đang ở toa bưu vụ thì bất ngờ nghe thấy tiếng còi inh ỏi, tàu hãm gấp. Ngay sau đó, toa bưu vụ bị hất nghiêng qua ta-luy bên trái, xoay hướng về phía Nam. Tôi quay nhiều vòng, đập xuống sàn cạnh khoang giường và khi thấy cửa thoát hiểm mở nên tôi vớ búa cứu nạn đập cửa và đưa anh em ra ngoài”.

Vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng, ngoài 2 lái xe và phụ xe trên xe tải ben chết, mắc kẹt trên xe thì Phó tàu phụ trách An ninh Phạm Hồng Phượng (35 tuổi, quê ở Yên Bái) cũng không may tử nạn sau khi tàu bị lật. Anh Nguyễn Thanh Minh- Trưởng tàu SE2, ngồi gần nạn nhân Phượng giọng nghèn nghẹn: Trước khi xảy ra tai nạn khoảng gần 1 giờ, Phượng xuống buồng nghỉ của Toa bưu vụ. Trong khi hai anh em nói chuyện, Phượng có nói với tôi, em đi chuyến này về là kịp đám giỗ bố vào ngày 26 âm lịch (tức là 22-2 dương lịch). Tội nghiệp, em ấy ra đi khi tuổi còn quá trẻ”. Nhận được tin dữ, ngay trong đêm chị Hồng, vợ anh Phượng cùng người thân tức tốc bay từ Hà Nội vào Huế và đến ngay hiện trường. Trước sự ra đi bất ngờ của anh Phượng, chị Hồng cứ khóc ngất gọi tên chồng. Rồi chị chết lặng khi thấy thi thể anh Phượng đưa ra từ đầu tàu không còn nguyên vẹn. Được biết, anh Phượng quê ở Yên Bái nhưng hiện đang sống cùng vợ và 2 con nhỏ tại Hà Nội.

Theo Trưởng tàu Nguyễn Thanh Minh, ngoài anh Phượng bị tử vong thì 2 lái tàu Nguyễn Văn Công (lái chính) và Vũ Như Ý (phụ lái) bị thương hiện được sơ cứu ở Bệnh viện Đà Nẵng. Ông Vương Quốc Dũng (56 tuổi, trú Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội)- hành khách đi trên tàu gặp nạn kể: Khi đang nằm ở toa 6 của đoàn tàu thì nghe những tiếng động rất mạnh và sau đó cả đoàn tàu chao đảo. Sự chấn động mạnh khiến ông và nhiều hành khách trên toa ngã nhào xuống sàn. Tiếp đó, là những tiếng la hét thất thanh, kinh hoàng. Mọi người trên toa ai cũng sợ hãi. Khi đó, tôi cùng một số hành khách dùng búa cứu hộ đập cửa để thoát ra ngoài, trước mắt chúng tôi là những toa tàu nằm nghiêng ngả bên vệ đường ray”.

Đối với lái xe và phụ xe trên xe tải ben sau khi tử nạn, ngày 21-2, gia đình của 2 nạn nhân đều ở TX Hương Thủy (TT-Huế) đang tổ chức lo mai táng. Được biết, chiếc xe ben trong vụ tai nạn cũng là tài sản của lái xe Dũng. Dũng đã có gần 20 năm làm nghề lái xe. Còn phụ xe Thuấn, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn khi 2 con đang còn nhỏ, vợ làm công nhân ở một nhà máy.

Trao đổi với P.V, Đại tá Đặng Ngọc Sơn- Phó Giám đốc CA tỉnh, Thủ trưởng cơ quan CSĐT CA tỉnh TT-Huế cho biết: “Nguyên nhân vụ tai nạn đang được cơ quan điều tra tiếp tục tiến hành làm rõ. Hiện, vẫn chưa có kết luận chính thức nhưng qua điều tra ban đầu cho thấy, lỗi là ở xe tải ben”. Theo một nguồn tin của Báo, qua kiểm tra hộp đen của tàu SE2 cho biết, thời điểm xảy ra tai nạn, tàu đang chạy với tốc độ khoảng 75km/h (theo tiêu chuẩn đường cho chạy 80km/h- P.V).

H.Lan

Chưa xác định mức độ thiệt hại

Cuối giờ chiều 21-2, trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Phương- trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn cho biết, đến thời điểm này, tỉnh vẫn chưa biết mức độ thiệt hại ban đầu mà đang chờ báo cáo nhanh từ ngành đường sắt. Theo ông Nguyễn Văn Phương, nếu vụ tai nạn trong phạm vi địa phương thì tỉnh sẽ ước thiệt hại ban đầu; còn vụ này liên quan đến phạm vi rộng, vì vậy đang chờ ngành đường sắt thống kê.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/66_162063_tra-ng-dem-gia-i-cu-u-duo-ng-sa-t.aspx