Trang bị vũ khí quân dụng cho Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao

(BVPL) - Đây là nội dung quan trọng được Ban soạn thảo bổ sung đưa vào dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Triệu Tuấn Hải (Đoàn Lạng Sơn) nêu ý kiến, về đối tượng được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, nhất trí với quy định tại Điều 17, Điều 51 của dự thảo Luật, bổ sung đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ là Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, lực lượng Cơ yếu và Cảnh sát biển. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu bổ sung một khoản vào Điều 17 quy định trường hợp đặc biệt, theo đó các đối tượng đã được quy định tại Điều 17 thì một số đối tượng đặc biệt trong trường hợp đặc biệt, cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền có thể được giao quản lý, sử dụng vụ khí.

Về các doanh nghiệp được sản xuất kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp quy định tại Điều 55 của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị nên kế thừa quy định của pháp lệnh hiện hành, chỉ giao cho các doanh nghiệp nhà nước được sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước, đảm bảo chặt chẽ, hạn chế tối đa việc thất thoát, phòng ngừa việc tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.

Về quy định quản lý sử dụng vật liệu nổ, quy định về quản lý sử dụng tiền chất thuốc nổ là phù hợp với tính chất và đặc thù của loại hóa chất này, đại biểu cho rằng cơ bản đã đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nữa, đề nghị bổ sung vào Chương III một điều giao cho Chính phủ quy định và yêu cầu đảm bảo an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp. Đồng thời đề nghị bổ sung vào Chương IV một điều giao cho Chính phủ quy định về yêu cầu đảm bảo an toàn trong hoạt động tiền chất thuốc nổ gồm các nội dung về thử nghiệm, đánh giá, bảo quản, tiêu hủy, báo cáo về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.

Còn đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Đoàn Bình Dương) cho rằng, việc xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phải đảm bảo tính kế thừa, phát huy tốt những quy định hợp lý, hiệu quả của Pháp lệnh hiện hành, hạn chế những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực này trong tình hình hiện nay.

Đặc biệt, về đối tượng hay lực lượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ được quy định tại Điều 17, Điều 26, Điều 51 của dự thảo Luật, theo đại biểu, tại Khoản 1 Điều 17, Điều 51 dự thảo Luật đã quy định đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ có Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh có nêu: Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trang bị vũ khí quân dụng cho Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đồng thời, tại Khoản 1, Điều 26 dự thảo Luật chưa quy định Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao được trang bị vũ khí thô sơ. “Về vấn đề này, tôi đề nghị dự thảo Luật bổ sung Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao là đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ”- Đại biểu Nguyễn Văn Khánh bày tỏ.

Lý do được đại biểu đưa ra là, theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 thì Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan điều tra chuyên trách, có thẩm quyền điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Đây là tội phạm đặc biệt cả về chủ thể thực hiện tội phạm, cả về tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, những người phạm tội thuộc lĩnh vực này có thủ đoạn rất tinh vi, tính chất chống đối quyết liệt.

Thứ hai, các đối tượng phạm tội thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân tối cao hầu hết được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, khi phạm tội họ có thể dùng vũ khí, công cụ được trang bị này để chống đối hoạt động điều tra, sẽ rất nguy hiểm cho lực lượng điều tra khi không được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Văn Khánh, thực tiễn những năm gần đây tình hình tội phạm thuộc nhóm tội phạm này diễn biến ngày càng phức tạp, có xu hướng gia tăng. Theo quy định của pháp luật thì Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra các tội phạm mở rộng hơn trước, từ 24 tội lên 38 tội danh, đối tượng, phạm vi điều tra cũng được mở rộng, gồm cán bộ thuộc cơ quan tư pháp và cả người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp, như Công an cấp xã, người bào chữa, người dịch thuật, ...

Thực tế hiện nay, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ tổ chức ở cấp Trung ương nên địa bàn hoạt động điều tra rất rộng trên phạm vi cả nước. Để đảm bảo sự an toàn khi gặp phải sự chống trả quyết liệt, khó lường của người phạm tội và các đối tượng có liên quan, do đó lực lượng này phải được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ để truy bắt tội phạm, bảo vệ chứng cứ, bảo vệ hiện trường hoặc sự tấn công trong những trường hợp thực sự cần thiết.

Dưới góc độ cơ quan soạn thảo dự thảo Luật, đại biểu Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho hay, qua ý kiến các đại biểu tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ban soạn thảo đã tiếp thu bổ sung đối tượng trang bị vũ khí quân dụng cho Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, lực lượng Cơ yếu và Cảnh sát biển. Đồng thời, dự thảo luật chỉ quy định chung trong việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ còn đã giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trang bị cho các đối tượng. Tuy nhiên, qua các ý kiến đại biểu Quốc hội về đối tượng trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, tu chỉnh trong dự thảo Luật cho phù hợp với các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.

Đối với quy định về nổ súng, Điều 21 trong dự thảo Luật là nội dung đặc biệt quan trọng có liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người và đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, tu chỉnh các quy định về nổ súng nhằm đảm bảo chặt chẽ, tránh bị lạm dụng, tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ, đồng thời bảo đảm phù hợp với các bộ luật khác có liên quan, nhất là Bộ luật hình sự.

Bên cạnh đó, đối với quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, quản lý và sử dụng vật liệu nổ, Bộ trưởng Bộ Công an cho hay: Dự thảo Luật đang quy định việc tổ chức sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp là doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Vì theo quy định của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp thì ngành nghề kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và không giới hạn nhà đầu tư mà chỉ yêu cầu khi tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này nhà đầu tư phải đáp ứng được các điều kiện do Chính phủ quy định. Đồng thời, dự thảo Luật quy định các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp thì được phép mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp. Doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thì được phép mua bán lại vật liệu nổ công nghiệp từ các cơ sở sản xuất kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp nhằm đảm bảo sản phẩm không qua khâu trung gian, giảm thủ tục không cần thiết để thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Việc sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ và các hoạt động tách rời sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp được hiệu quả hơn, nên dự thảo Luật tách bạch giữa khâu sản xuất và kinh doanh. “Ban soạn thảo thấy rằng đây là mặt hàng đặc biệt nguy hiểm cần quy định cơ chế quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý về an ninh, trật tự. Đồng thời, hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp gắn với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, Ban soạn thảo dự kiến sẽ tiếp thu, tu chỉnh vào trong dự án luật”, đại biểu Tô Lâm cho biết thêm.

Ngọc Đức - Thanh Dịu

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/kiem-sat/diem-nong/201611/ky-hop-thu-hai-quoc-hoi-khoa-xiv-trang-bi-vu-khi-quan-dung-cho-co-quan-dieu-tra-vien-kiem-sat-nhan-dan-toi-cao-2523513/