Trang bị kỹ năng phòng-chống xâm hại trẻ em từ phiên tòa giả định

Nhằm nâng cao nhận thức, giải quyết vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, mới đây, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị tư vấn pháp luật phòng-chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em tại 2 xã Ia Pết, Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa).

Tại hội nghị, các đại biểu được dự khán phiên tòa giả định xét xử lưu động vụ án “Dâm ô với người dưới 16 tuổi”. Phiên tòa giả định giúp những người có mặt hiểu được động cơ, hành vi phạm tội, tính chất mức độ phạm tội và mức xử phạt theo quy định. Từ hành vi xâm hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em gái, làm ảnh hưởng đến trật tự trị an, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo 2 năm 6 tháng tù. Ngoài ra, bị cáo phải bồi thường số tiền 20 triệu đồng theo yêu cầu của đại diện hợp pháp người bị hại.

Em Nguyễn Thị Phương Thùy-học sinh lớp 9, Trường THCS Lê Lợi (xã Ia Pết) chia sẻ: “Qua phiên tòa, em biết thêm kiến thức pháp luật, nhất là cách phòng tránh cần thiết để tự bảo vệ bản thân”. Còn chị Thal-hội viên phụ nữ làng Nglơm Thung (xã Ia Pết) thì bộc bạch: “Mình sẽ nhắc nhở người thân trong gia đình, chị em trong làng thường xuyên quan tâm con cái, chia sẻ với con những kiến thức cơ bản về giới tính và cách tránh bị xâm hại”.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu-Chủ tịch Hội LHPN xã Đak Sơ Mei-cho hay: Toàn xã có 961 hội viên, trong đó có 873 hội viên người dân tộc thiểu số. Phiên tòa giả định giúp hội viên phụ nữ, học sinh và người dân có cơ hội tiếp cận với vụ việc cụ thể, hiểu các quy định pháp luật liên quan. Qua đó, mọi người nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Quang cảnh hội nghị tư vấn pháp luật, phòng-chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em ở xã Ia Pết. Ảnh: Anh Huy

Luật sư Nguyễn Sơn Lâm (Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh) cho hay: Phiên tòa nhằm giúp bà con có thêm kiến thức, biện pháp phòng tránh để không trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, xâm hại tình dục. Hoặc nếu chẳng may sự việc có xảy ra cũng biết cách bảo vệ cho nạn nhân và xử lý tình huống. “Bất cứ ai nếu có hành vi bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em thì chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc, công minh. Tuy nhiên, gia đình phải thật sự cảnh giác, chú ý đến con trẻ ở mức độ tốt nhất, tránh xảy ra những tình huống đáng tiếc”-luật sư Lâm nói.

Theo bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Bạo hành, xâm hại phụ nữ và trẻ em là vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: bất bình đẳng giới, định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ; do thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh; tâm lý mặc cảm, tự ti nên không dám lên tiếng tố giác... Ảnh hưởng mạng xã hội, thông tin độc hại không được kiểm soát dễ dẫn đến các hành vi lệch chuẩn ở người lớn và trẻ em. Nhiều năm qua, công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, nhất là trẻ em gái được các cấp Hội xác định là những nhiệm vụ quan trọng và triển khai nhiều hoạt động thiết thực.

“Hội nghị tư vấn pháp luật lồng ghép phiên tòa giả định là cách đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để phù hợp với địa bàn, đối tượng. Qua đó, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng-chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, giáo dục, răn đe”-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết thêm.

ANH HUY

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/trang-bi-ky-nang-phong-chong-xam-hai-tre-em-tu-phien-toa-gia-dinh-post243927.html