Trang bị kiến thức, kỹ năng, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung mong muốn các ngành với chức năng của mình, trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh hơn việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) góp ý về vấn đề tăng cường hiệu quả hơn nữa việc phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là đối với người dân và đội ngũ cán bộ công tác ở cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) đề nghị trang bị kiến thức, kỹ năng cho cả trẻ em và các bậc cha mẹ trong việc tự bảo vệ mình, bảo vệ con em mình trên môi trường mạng

Đại biểu cho rằng, công tác phổ biến pháp luật hiện đang còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, điển hình là: kinh phí dành cho việc phổ biến pháp luật còn ít ỏi và đang rất dàn trải, khó có thể triển khai sâu rộng. Quan điểm, nhận thức của một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa thực sự thấy được tầm quan trọng của việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng còn bị xem nhẹ. Nguồn nhân lực để làm công việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng đang thiếu và yếu…

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và có những giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là đối với các đối tượng cán bộ cấp xã, người làm việc không chuyên trách tại cơ sở và đề nghị đặc biệt quan tâm tới nội dung tuyên tuyền, giáo dục về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật” được quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo với các cơ quan chức năng có nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường không gian mạng. Trong đó, cần đặc biệt coi trọng việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho cả trẻ em và các bậc cha mẹ trong việc tự bảo vệ mình, bảo vệ con em mình trên môi trường mạng.

Đẩy mạnh hơn việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Liên quan vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đây là vấn đề mà trong Nghị quyết của Quốc hội cũng đã nhấn mạnh. Chính phủ đã có Nghị quyết chuyên đề, giao trực tiếp cho Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành và đang triển khai các phương án khác nhau.

Tuy nhiên tình hình vừa qua chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí là có tăng. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn các ngành với chức năng của mình, đặc biệt là trong Chương trình hành động quốc gia bảo vệ trẻ em đã ban hành và đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, sẽ cố gắng trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh hơn việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm nếu có.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh hơn việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề hạ độ tuổi người được hưởng bảo trợ xã hội đã được quy định tại Luật Người cao tuổi. Theo đó, trong Luật này quy định 80 tuổi mới được hưởng bảo trợ xã hội. Tuy nhiên qua ý kiến mà đại biểu Quốc hội nêu, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghi nhận, chủ động báo cáo chuyển sang nội dung này sang Luật Bảo hiểm xã hội, trước mắt là hạ từ 80 tuổi xuống 75 tuổi, còn việc quyết định cuối cùng sẽ là ở Quốc hội.

Về chính sách nhà ở người có công, hộ nghèo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, giai đoạn trước, chúng ta đã triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công ban đầu là 80.000 căn nhà, sau đó phát sinh lên và Chính phủ cũng đã thực hiện đầy đủ cho giai đoạn một. Hiện nay, giai đoạn hai theo chủ trương của Chính phủ và Quốc hội cho phép, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì cùng với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính… Còn về phía trách nhiệm của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội là thẩm định hồ sơ chứ không chủ trì trong đề án này…

Thái San

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/trang-bi-kien-thuc-ky-nang-bao-ve-tre-em-tren-moi-truong-mang.html